Chuyển đổi số đến từng người dân
Anh Phạm Văn Hợi là thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Tứ Thông, xã Hợp Thành (Sơn Dương). Với vai trò của mình, anh hướng dẫn người dân sử dụng và cài đặt một số ứng dụng cơ bản, cần thiết như các phầm mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, zalo, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công và việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp; sổ sức khỏe điện tử...
Anh Hợi cũng là Giám đốc HTX chăn nuôi gia cầm Hợp Thành. Trong công việc của HTX, anh yêu cầu 14 thành viên trong HTX đều cài đặt ứng dụng zalo, việc trao đổi kinh nghiệm hay triển khai các công việc của HTX được trao đổi trên zalo thông qua nhóm riêng. Việc giao dịch, mua bán của các bạn hàng, đối tác trong chăn nuôi và tiêu thụ gà thương phẩm cũng được trao đổi qua ứng dụng.
Theo anh Hợi ứng dụng công nghệ vào trong công việc, cũng như trong cuộc sống hàng ngày mang đến nhiều thuận lợi. Đối với công việc chăn nuôi gà thì việc tiêm vắc xin cho gà đúng định kỳ, thời điểm rất quan trọng. Thay vì trước đây anh phải ghi lịch tiêm vào sổ theo dõi thì thông qua chiếc điện thoại thông minh anh có thể đặt lịch hẹn tiêm cho đàn gà đúng ngày với đúng loại vắc xin. Nhờ việc ứng dụng công nghệ, các ứng dụng thông minh đã giúp việc chăn nuôi của anh Hợi và các thành viên trong HTX trở nên đơn giản.
Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng tại tỉnh Tuyên Quang.
Đồng chí Hoàng Văn Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) luôn duy trì thói quen đọc báo Đảng cùng các bản tin nội bộ của tỉnh, của huyện thông qua chiếc điện thoại thông minh. Anh Minh chia sẻ, đây là những tài liệu quan trọng, qua đó giúp anh kịp thời nắm bắt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế - xã hội, từ đó kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho đảng viên. Thông tin trên báo Đảng hay các bản tin nội bộ đều là thông tin chính thống nên anh rất yên tâm khi phổ biến tới đảng viên.
Với lợi thế của người trẻ, lại vừa được tham gia tập huấn và là thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng tại cơ sở, việc tiếp cận công nghệ thông tin với anh Minh không quá khó. Là địa phương có thế mạnh về du lịch, anh Minh khuyến khích người dân trong thôn, cụ thể là một số chủ Homestay trên địa bàn thôn tăng cường quảng bá du lịch qua các ứng dụng mạng xã hội, như zalo, facebook, tiktok, booking.com... thu hút khách đến tham quan du lịch.
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 02/KH-BCĐ ngày 13/5/2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh về Tổ chức triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện, thành phố tỉnh Tuyên Quang, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã thành lập 1.871 Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó có 138 tổ cấp xã, 1.733 tổ cấp thôn với tổng số thành viên là 10.257. Tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%.
Cần nâng cao hiệu quả hoạt động
Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số đến với người dân để người dân tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản. Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo tài liệu hướng dẫn cho tổ công nghệ số cộng đồng và tài liệu hướng dẫn cho người dân, đề nghị tất cả thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các poster, được tổ công nghệ số cộng đồng sử dụng để tuyên truyền.
Anh Phạm Văn Hợi (bên phải), Giám đốc HTX chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) hướng dẫn thành viên cài đặt các phần mềm tiện ích trên điện thoại thông minh.
Theo đồng chí Hoàng Danh Tuyên, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, thực tế cho thấy mặc dù thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh khá đông và đã biết cài đặt, sử dụng các phần mềm liên quan, nhưng chưa thể nói đây là lực lượng thành thạo, đủ năng lực hướng dẫn người dân trên địa bàn giải quyết các dịch vụ công qua máy vi tính, điện thoại thông minh. Cùng với đó hiện trên địa bàn tỉnh còn 58 thôn, bản trên địa bàn 6/7 huyện, thành phố nằm trong vùng sóng di động yếu khó khăn trong việc chuyển đổi số. Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các nhà mạng có phương án nâng hiệu quả phủ sóng. Các địa phương cần tiếp tục tập huấn để trang bị kiến thức, kỹ năng cho lực lượng tổ công nghệ số cộng đồng một cách bài bản, hiệu quả hơn nữa.
Tổ công nghệ số cộng đồng là “cánh tay nối dài” của chính quyền, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết