Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn tốt như xã Lưỡng Vượng, phường An Tường, Minh Xuân, Tân Quang (TP Tuyên Quang), thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương)… Tuy nhiên, việc trang bị mỗi gia đình 2 thùng rác để phân loại tại nguồn chưa được triệt để, quá trình phân loại tại nơi xử lý còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, nhiều nơi, người dân vẫn chưa có khái niệm “phân loại rác” do nhiều nguyên nhân như chưa được hướng dẫn cụ thể, “ngại” phân loại, thói quen tiện đâu vứt đấy…
Ông Nguyễn Văn Kính, nhân viên vệ sinh môi trường tại phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, đa số hiện nay nhiều gia đình vẫn chưa có thói quen phân loại rác mà hầu hết để chung vào các loại túi ni lông. Nhiều hộ gia đình còn bỏ chung các loại chất thải xây dựng hay rác thải cồng kềnh ngay trước cửa nhà. Không chỉ gây khó khăn cho những người dọn dẹp vệ sinh môi trường như ông mà còn khiến quá trình phân loại rác trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Phụ nữ phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) thu gom, phân loại rác thải tái chế.
Ước tính hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn tỉnh khoảng 377 tấn. Để đảm bảo xử lý rác hiệu quả, mỗi hộ gia đình, cá nhân cần phân loại rác thải gồm rác tái chế, tái sử dụng; rác thải thực phẩm; các loại chất thải rắn khác. Tại nhiều địa phương, việc phân loại rác thải theo hướng hữu cơ và vô cơ tại nguồn đã được tích cực triển khai. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập trong các khâu phân loại, vận chuyển, xử lý nên việc phân loại rác thải vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả triệt để.
Bà Ngô Thị Thơ, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) tâm sự, nhiều năm nay gia đình bà đã duy trì mô hình 2 thùng rác để chủ động phân loại các chai nhựa, lon nước, giấy bìa bán cho các cơ sở thu gom rác thải tái chế hoặc đem ủng hộ Chi hội phụ nữ thôn bán lấy tiền gây quỹ. Tuy nhiên, do gia đình không làm chăn nuôi, trồng trọt, không có khu vực xử lý rác thải hữu cơ nên các loại rác thải thực phẩm bà vẫn phải bỏ chung với các chất thải rắn khác để xử lý tập trung. Theo bà Thơ, nhiều hộ gia đình nhất là trong khu vực đô thị cũng có tình trạng này vô hình chung sẽ làm lượng rác thải tăng lên rất nhiều. Không những thế còn có thể gây lãng phí vì không thể tận dụng rác thải thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón hữu cơ.
Tại nhiều địa phương, mô hình mỗi nhà 2 thùng rác đã được triển khai. Tuy nhiên, để việc phân loại rác đem lại hiệu quả cao thì cần phải đồng bộ hóa các khâu từ phân loại tại hộ gia đình đến thu gom và xử lý rác.
Ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc Hợp tác xã vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) cho biết, quy định phân loại rác thải tại nguồn là đúng đắn và mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, cho cộng đồng. Tuy nhiên, một số nơi rác thải sau khi được người dân phân loại thì đến người thu gom, phương tiện thu gom lại gom chung tất cả, cùng chở về bãi chôn lấp thì việc phân loại rác không còn ý nghĩa nữa. Ông cũng cho biết thêm, rác thải phân loại tại nguồn phải được thu gom có tính chuyên biệt và phải có cơ sở xử lý rác thải chuyên biệt. Ví dụ, các loại rác thải tái chế như đồ nhựa, giấy vụn được thu gom riêng và vận chuyển đến cơ sở tái chế; rác thải hữu cơ có xe thu gom và chuyên chở đến nơi xử lý, chế tạo phân bón, phân vi sinh. Như vậy số rác còn lại để xử lý đốt hoặc chôn lấp sẽ ít đi rất nhiều.
Để phân loại rác thải thực sự hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh cơ chế thu hút các doanh nghiệp xử lý rác thải, ngành cũng tham mưu khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt thu gom rác thải tại nguồn có thể không phải nộp phí dịch vụ thu gom rác thải… Tuy nhiên, để phân loại rác thực sự có hiệu quả thì ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân vẫn được xác định là yếu tố quan trọng nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết