Đến xã Hợp Thành những ngày đầu xuân năm mới, trên những đồi chè căng búp non mơn mởn, người dân đang tập trung chăm sóc đốn tỉa để cây chè trổ lộc tiết Xuân, đảm bảo năng suất, chất lượng cho vụ mới. Ông Lê Chấn Uy, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, chế biến Sơn Trà Đồng Đài, xã Hợp Thành cho biết, những năm gần đây, ông và các thành viên Hợp tác xã đã áp dụng sản xuất chè sạch theo hướng hữu cơ. Quy trình trồng và chăm sóc chè không sử dụng phân hóa học mà chủ yếu dùng phân hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp. Hợp tác xã hiện có 10 thành viên trồng và chăm sóc 5 ha chè hữu cơ, sản lượng chè búp tươi đạt 60 tấn/năm, bình quân thu nhập của thành viên đạt 86 triệu đồng/1 người/năm. Sau đợt thu hoạch cuối cùng từ tháng 11, 12 dương lịch, ông đốn tỉa cành, tạo tán và ra Giêng bón thúc phân chuồng để cây chè đón mùa xuân và ra chồi búp.
Anh Ngô Tuấn Mạnh, thôn Tân Yên, xã Bình Yên kiểm tra sâu bệnh trên cây chè.
Là gia đình có nhiều năm trồng chè, theo ông Trần Khắc Bảy, thôn Đồng Đài, việc chăm sóc đúng kỹ thuật ở giai đoạn này là rất quan trọng, mang tính quyết định giúp chè hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, búp phát triển đều, đẹp, phiến lá dày, cho năng suất, sản lượng cao suốt cả năm. Theo dự kiến đến giữa tháng 3 dương lịch, chè sẽ cho thu hái lứa đầu tiên. So với các lứa chè khác, chè xuân sản lượng thấp hơn nhưng giá bán lại cao hơn và đặc biệt chất lượng chè trà lứa này tốt nhất.
Với hơn 0,4 ha chè, gia đình anh Ngô Tuấn Mạnh, thôn Tân Yên, xã Bình Yên coi cây chè là nguồn thu nhập chính. Anh Mạnh cho biết, để lứa chè vụ xuân cũng như các lứa tiếp theo đạt năng suất và sản lượng cao, tranh thủ thời tiết thuận lợi ngay sau Tết gia đình anh tập trung làm cỏ, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại cho chè. Hiện tại, diện tích chè của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt và dự kiến tháng 4 dương lịch sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Đồng chí Vương Ngọc Vản, Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết, xã hiện có 87 ha chè nguyên liệu đã cho thu hoạch. Cây chè được xem là cây trồng chủ lực và là “cây đổi đời” của người dân ở đây. Những năm gần đây, bên cạnh việc mở rộng diện tích, địa phương luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, thay thế dần các giống chè năng suất, chất lượng thấp. Mặt khác, UBND xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng, thu hái chè cho bà con. Nhờ vậy, phần lớn nông dân đã biết áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh, cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh trên cây chè.
Huyện Sơn Dương hiện có trên 1.870 ha chè, trong đó có hơn 600 ha chè trồng theo quy trình an toàn. Ông Nguyễn Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, để tăng năng suất, chất lượng cũng như giá thành sản phẩm chè, những năm qua huyện Sơn Dương đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân cải tạo vườn chè, đưa các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao vào trồng, hướng người dân sản xuất theo quy trình sạch, đồng thời tập huấn hướng dẫn trồng, chăm sóc, cải tạo cây chè, nhất là việc chăm sóc chè vụ xuân. Hiện nay, thời tiết mưa ẩm trong nhiều ngày là điều kiện lý tưởng để chè xuân đâm chồi, nảy lộc. Tại các vùng chè trong huyện như Vĩnh Tân (Tân Trào), thôn Cảy (Minh Thanh), Liên Phương (Phúc Ứng), Đồng Hoan (Tú Thịnh), Yên Thượng (Trung Yên)… huyện cũng đang chỉ đạo bà con tập trung chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè, đảm bảo mọi yếu tố tốt nhất để cây chè đâm chồi, nảy lộc, cho lứa thu hoạch chè xuân đạt năng suất, sản lượng và chất lượng tốt nhất.
Theo dự báo, vào đầu tháng 2-2023 liên tiếp là các đợt mưa xuân, không khí nồm ẩm rất phù hợp để cây trồng sinh trưởng, phát triển song kèm theo đó là yếu tố thuận lợi để sâu bệnh gây hại. Do đó, để cây chè phát triển tốt, người dân các vùng trồng chè cần tích cực bám đồi, bám vườn, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Hy vọng rằng với sự tích cực này, nông dân các địa phương sẽ có một vụ chè bội thu trong năm 2023.
Gửi phản hồi
In bài viết