Năm 2022 vừa qua là năm có nhiều khó khăn thách thức do tình hình thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ ra những khó khăn trong tạo việc làm mới, thị trường, thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm sản xuất, chăn nuôi...
Phát triển nghề trồng chè đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên).
Xác định tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên. Tỉnh đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo như: tăng cường thu hút đầu tư nhằm tạo việc làm mới cho người lao động; đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trang bị cho người lao động những kỹ năng cần thiết; tạo sinh kế cho người dân thông qua các chương trình ưu đãi nguồn vốn vay, hỗ trợ phát triển nghề mới; hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở cho hộ nghèo tạo động lực để hộ nghèo vươn lên...
Gia đình anh Hoàng Văn Thiên, dân tộc Tày ở thôn Yên Khánh, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) vui mừng được Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới theo Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với sự nỗ lực của bản thân, vay mượn thêm của họ hàng, gia đình anh Thiên đã cố gắng hoàn thành ngôi nhà mới trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Anh Thiên xúc động cho biết, gia đình anh là hộ di dân tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang, trong thời gian qua, các hộ di dân tái định cư, nhất là những hộ nghèo luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Từ nay có nhà mới đã tạo động lực để gia đình anh vươn lên đẩy mạnh phát triển sản xuất, cố gắng thoát nghèo trong năm nay.
Phát triển nghề trồng chè giúp nhiều hộ dân thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) vươn lên thoát nghèo.
Tổng kết 1 năm triển khai thực hiện “Đề án xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 toàn tỉnh đã hỗ trợ làm trên 2.460 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách với tổng kinh phí huy động trên 250 tỷ đồng. Đây thực sự là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành của tỉnh nhằm hỗ trợ hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”, tạo động lực lớn để hộ nghèo vươn lên.
Xác định giảm nghèo bền vững thì việc hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, giải quyết việc làm cho người nghèo có vai trò hết sức quan trọng, đồng thời xác định nguyên nhân nghèo để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ đang được triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố để rà soát, đánh giá hiệu quả giảm nghèo, thống kê nhu cầu học nghề và việc làm. Các phiên tư vấn, giới thiệu việc làm tổ chức ở các địa phương ngay trong những ngày đầu năm đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Anh Nhữ Văn Hiệp ở phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) cho biết, khi tham gia tìm hiểu thị trường lao động mới đây tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh anh đã tìm được việc làm phù hợp ở một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở tỉnh Bắc Ninh với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Có thu nhập hàng tháng anh sẽ gửi về hỗ trợ gia đình mua thêm cây, con giống để đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Với tinh thần bắt tay ngay vào công việc, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2023, trong đó có mục tiêu giảm nghèo, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực. Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, năm 2023, xã Thượng Lâm được huyện giao giảm 88 hộ nghèo, cùng với đó để hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao thì tỷ lệ hộ nghèo cần giảm là hơn 400 hộ so với 534 hộ như hiện nay. Đây là mục tiêu khó nhưng với quyết tâm cao độ, xã đã triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm 2023. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giảm nghèo, triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để giảm nghèo; tiếp tục thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế nhằm phát huy thế mạnh của địa phương về du lịch, trồng trọt, chăn nuôi cây, con đặc sản... Từ đó từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện giảm nghèo bền vững.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm nghèo hiệu quả (Trong ảnh: đào tạo nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang).
Từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về giảm nghèo, năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 3,48%, vượt kế hoạch đề ra. Từ đó góp phần cùng toàn tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu chung, tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,66% so với năm 2021, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/người/năm, giải quyết việc làm mới cho hơn 21.600 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%...
Năm 2023 được coi là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống dưới 10% (hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 18,90%). Đây là nhiệm vụ quan trọng và trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tin tưởng rằng với sự quyết tâm, nỗ lực ngay từ đầu năm mới, đặc biệt là những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua sẽ tạo động lực để toàn tỉnh chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo trong năm mới, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết