Bảo Anh cùng ban nhạc ngẫu hứng chơi trước buổi ra mắt album.
Album “Thanh âm thời gian” mang màu sắc văn hóa Việt-Nhật, gồm 7 bản hòa tấu: “Melodies of life” (Nobuo Uematsu), “Giấc mơ trưa” (Giáng Son), “Laputa” (Joe Hisaishi), “Cơn mưa tháng 5” (Trần Lập - Trần Tuấn Hùng), “A town with an ocean view” (Joe Hisaishi), “Dù chẳng phải anh” (Đinh Mạnh Ninh) và “Trong lành những giấc mơ” (Lan Phạm). Ngoài ra, kèm theo album này là MV “Giấc mơ trưa”, “A town with an ocean view” và “Sora mo toberu hzu” (Tôi có thể bay lên tới bầu trời).
Album nhạc này, theo như lời Bảo Anh, chính là một giấc mơ trở thành sự thực, bởi trong số những bản nhạc trong album, có những bản anh yêu thích từ thuở nhỏ và mong muốn một ngày nào đó sẽ làm được một điều gì đó đặc biệt với chúng.
Như những bạn trẻ 9x năng động khác, Bảo Anh và ban nhạc toát lên vẻ trẻ trung, sôi động. Họ chơi những bản nhạc yêu thích của mình trên sân khấu như một buổi gặp gỡ, biểu diễn vui vẻ cho nhau nghe, chứ không phải là trình diễn cho khán giả trên một sân khấu trong một buổi họp báo ra mắt album. Âm nhạc tuôn chảy từ tinh thần tươi trẻ pha chút hồn nhiên và lãng mạn từ họ, khiến người thờ ơ nhất cũng phải lắng nghe.
Điều đặc biệt nhất của “Thanh âm thời gian” là có sự tham gia hòa âm phối khí của ba nghệ sĩ tên tuổi thuộc ba thế hệ khác nhau: nhạc sĩ Lưu Hà An, nhạc sĩ Thành Vương và nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng. Ở Lưu Hà An, là sự kết nối giữa các thế hệ, có sự tiếp nối giữa thế hệ đi trước và người trẻ. Ở Thành Vương, là sự điềm tĩnh, chín chắn của một bề dày kinh nghiệm. Còn ở Nguyễn Việt Hùng là sự đồng điệu của một người bạn cùng lứa thân thiết lâu năm.
"Nhận được lời mời từ một bạn trẻ, với khoảng cách tuổi khá lớn, tôi đã băn khoăn vì hai cách nhìn, hai chặng đường, hai ngôn ngữ âm nhạc khác nhau. Đây đều là những tác phẩm nổi tiếng và lại là phối cho một nghệ sĩ chơi nhạc cụ chứ không phải ca sĩ nên tôi thấy khá là áp lực, phải tham khảo rất nhiều bản thu, cố gắng làm sao nổi bật tiếng kèn của Bảo Anh lên trên hết” - nhạc sĩ Lưu Hà An chia sẻ.
Ngoại trừ Nguyễn Việt Hùng đã thân quen với Bảo Anh từ hơn 10 năm nay, thì cả nhạc sĩ Lưu Hà An và nhạc sĩ Thành Vương đều thấy Bảo Anh là cái tên lạ lẫm trong làng nhạc, và ban đầu họ đều khá e dè khi được mời hòa âm phối khí. Nhưng Bảo Anh đã thuyết phục được cả hai nghệ sĩ bằng khả năng của mình.
Quá trình làm album cũng là cả một chặng đường đầy vất vả đối với Bảo Anh và cả ê-kíp. Nhạc sĩ Thành Vương kể lại, mỗi ngày thu âm thường kết thúc vào lúc nửa đêm. Có khi tập đi tập lại chỉ một câu từ 8 giờ tối đến tận 1 giờ sáng. “Bảo Anh thích âm nhạc và văn hóa Nhật Bản, và cậu ấy làm việc cũng với một tinh thần rất Nhật Bản, không bao giờ từ bỏ mặc dầu tôi luôn đưa ra những yêu cầu rất khắt khe. Đó là lý do tôi hợp tác cùng cậu ấy, và tôi rất vui khi được làm việc cùng một người em trẻ tuổi và yêu nghề đến thế”.
Còn Nguyễn Việt Hùng thì chia sẻ về người bạn của mình: “Chúng tôi có chung niềm đam mê là game và âm nhạc. Bản nhạc Melody of life trong album cũng chính là bản nhạc mà cả hai chúng tôi cùng rất yêu thích và cùng mong muốn một ngày nào đó sẽ tự chơi. Tôi vốn không có nhiều kinh nghiệm hòa âm phối khí cho nên ban đầu tôi đã từ chối khi Bảo Anh ngỏ lời mời phối khí cho album. Nhưng sau đó tôi đã nhận lời vì rất quý mến cậu ấy và cũng muốn thử sức để đưa giấc mơ của hai đứa thành sự thực. Bảo Anh là người rất tôn trọng ý kiến của ê-kíp, cậu ấy lắng nghe và tiếp nhận sự góp ý của tất cả mọi người. Đó chính là điều khiến tôi trân trọng cậu ấy”.
Trong album của Bảo Anh, có tới 3 bản nhạc Nhật Bản. Lý giải cho điều này, Bảo Anh cho biết anh yêu thích văn hóa Nhật Bản từ thuở nhỏ, qua truyện tranh, âm nhạc và đặc biệt là phim hoạt hình của xưởng Ghibli. Hai bản nhạc “Laputa” và “A town with an ocean view” là nhạc từ hai bộ phim “Castle in the sky” (Lâu đài bay của pháp sư Howl) và “Kiki’s delivery service” (Dịch vụ chuyển phát nhanh của Kiki).
Bảo Anh là con trai duy nhất của NSND Thái Bảo và NSƯT Anh Tuấn. NSND Thái Bảo cho biết, ban đầu chị không có ý định cho con trai đi theo nghệ thuật nếu như con không có năng khiếu. Nhưng từ năm 3 tuổi, Bảo Anh đã bộc lộc năng khiếu và niềm yêu thích với âm nhạc, cho nên chị để con trai thỏa sức đi theo mong muốn của mình. Bảo Anh ban đầu học nhạc cổ điển, bộ môn kèn clarinet, nhưng sau này anh tìm thấy sự hấp dẫn và tình yêu đối với kèn saxophone và nhạc pop mang tính trữ tình nên đổi hướng.
Đối với Bảo Anh, đi theo nghề của cha mẹ trong một gia đình nhà nòi khá áp lực. Nhưng anh đã tự biến áp lực đó thành động lực để có thể theo đuổi đam mê mỗi ngày. Không những thế, với Bảo Anh, cha mẹ trong nghề còn đem lại nhiều thuận lợi cho anh khi được trao đổi, truyền kinh nghiệm từ bề dày của hai nghệ sĩ đã từng hoạt động rất lâu năm trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Trong buổi ra mắt album “Thanh âm thời gian” của Bảo Anh, NSND Thái Bảo đã không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Với chị, cậu con trai nhỏ bé ngày nào nay đã thực sự tung cánh bay trên bầu trời mơ ước của mình: “Sân khấu này là của con. Mẹ mong con tỏa sáng thật rực rỡ”.
Nghệ sĩ Bảo Anh Taruki tên thật là Nguyễn Bảo Anh. Từ năm lớp 6, bố mẹ đã cho anh theo học kèn Clarinet tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam do giảng viên Quốc Bảo dạy.
Bảo Anh theo học và là một trong những học trò ưu tú của các nghệ sĩ saxophone tên tuổi như: Quyền Thiện Đắc, Trần Mạnh Tuấn, Tùng Sax… Sau khi tốt nghiệp, Bảo Anh đầu quân về Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam - nơi mà cả bố và mẹ đã có nhiều năm công tác và cống hiến.
Mới đây, vào ngày 2/11, Bảo Anh đã giành được giải thưởng Nghệ sĩ biểu diễn kèn Saxophone xuất sắc tại Liên hoan Ban nhạc toàn quốc 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây tổ chức.
Gửi phản hồi
In bài viết