Chất liệu dân gian, lịch sử: Cảm hứng sáng tạo của “Gen Z”

Không chỉ xuất hiện trong âm nhạc vớii nhiều tác phẩm đình đám, chất liệu dân gian, lịch sử cũng tạo cảm hứng sáng tạo trong văn học và các loại hình nghệ thuật khác cho các tác giả “Gen Z” - những người sinh từ năm 1996 đến năm 2012. Họ đang tạo nên một dòng chảy độc đáo trong văn học, nghệ thuật hiện đại, cuốn những người đồng trang lứa trở nên yêu thích, say sưa với văn hóa, lịch sử dân tộc.

Trình diễn các thiết kế từ chất liệu dân gian, nghệ thuật truyền thống trong show thời trang “Vĩnh họa Thăng Long”.

Mạch nguồn từ văn hóa dân tộc

Minh chứng cho điều này là ở triển lãm hội họa “Dân gian trong Gen Z” đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.

39 tác phẩm của 3 tác giả khai thác chất liệu dân gian với nhiều phong cách. Đó là Vei Vei (sinh năm 2000) với bộ tranh về hát bội dưới góc nhìn mang hơi hướng hoạt hình vui tươi; là Pao (sinh năm 2002) từ những bài vè, đồng dao tạo nên các bức họa dí dỏm; hay Meaptopia (sinh năm 1999) nghiên cứu tranh Đông Hồ để vẽ bằng ngôn ngữ hiện đại. Không chỉ ban ngày, triển lãm còn gây sức hút hơn vào ban đêm, khi người xem đi trong không gian mát dịu và thưởng lãm các tác phẩm được rọi chiếu đèn lung linh, huyền ảo.

Cùng với mỹ thuật, lĩnh vực thời trang cũng xuất hiện nhiều bộ sưu tập của nhà thiết kế trẻ lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian, truyền thống. Ghi dấu ấn là nhà thiết kế Phạm Trần Thu Hằng (sinh năm 1997) với show diễn “Vĩnh họa Thăng Long” tổ chức đầu năm 2024, đưa nghệ thuật múa rối dân gian và những loại hình nghệ thuật truyền thống khác vào trong trang phục. Bộ phim ngắn “Mộng Đông Hồ” của hai “Gen Z” Bùi Thị Kiều Trinh và Nguyễn Thị Ngọc Phượng lấy ý tưởng từ tranh dân gian Đông Hồ cũng tạo được chú ý trong cộng đồng trẻ trong một thời gian dài…

Trong văn học, có nhiều “Gen Z” ghi dấu ấn với những sáng tác từ chất liệu xưa. Tiểu thuyết “Kiện trời” của tác giả Giai Du (sinh năm 2001) vừa ra mắt cách đây ít ngày đã gây “sốt” trên các diễn đàn đọc sách. Tác giả chọn ý tưởng trong dân gian rằng, hễ ai có việc gì oan ức thì lên kiện trời. Với cách đặt vấn đề sâu sắc, lối viết độc đáo, Giai Du đã khéo léo truyền tải thông điệp về công lý và niềm tin cái thiện chiến thắng cái ác. Khai thác chất liệu lịch sử trong sáng tác, tiểu thuyết “Như sơ” của tác giả Việt Chi (sinh năm 1999) lấy cảm hứng từ mối tình giữa Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa thời Trần. Tập truyện “Tước gấm giấu đay” của các cây bút trẻ, phần lớn là “Gen Z” về 13 người phụ nữ có ảnh hưởng trong lịch sử dân tộc... Những tác phầm này đều được đánh giá tốt trên văn đàn và trong đời sống.

Xu hướng sáng tác nhiều triển vọng

Từ những ký ức tuổi thơ khi nghe cải lương, đọc truyện cổ tích, chơi các trò chơi dân gian, Phương Vy (nghệ danh Vei Vei) theo học mỹ thuật và hứng thú nghiên cứu văn hóa, lịch sử nước nhà. Trong quá trình tìm hiểu ấy, nghệ thuật hát bội tạo cho cô nhiều cảm xúc nhất, đặc biệt là trang phục, cách vẽ mặt…

“Những vẻ đẹp này gợi cho tôi cảm hứng sáng tạo và tôi muốn lan tỏa đến các bạn trẻ thông qua mỹ thuật, các sản phẩm có tính ứng dụng cao”, họa sĩ Vei Vei bày tỏ.

Tác giả Việt Chi với tiểu thuyết dã sử “Như sơ”, bán được hơn 500 bản ngay tuần đầu ra mắt, kể rằng, khi đọc chính sử, cô nảy nở nhiều ý tưởng nên định viết một câu chuyện nhẹ nhàng. Nhưng khi đặt bút viết, tác giả thấy mình phải nghiên túc hơn, nghiên cứu, tra cứu sử liệu nhiều hơn và có những tham vọng lớn hơn.

“Tôi luôn cảm thấy văn hóa, lịch sử dân tộc rất hấp dẫn. Có những câu chuyện thú vị nằm ngoài chương trình sách giáo khoa và sẽ rất tuyệt nếu nhiều người biết đến, nhất là các bạn trẻ. Họ sẽ cảm thấy lịch sử không hề khô khan, yếu tố dân gian rất gần gũi và từ đó thêm yêu quê hương, đất nước”, tác giả Việt Chi chia sẻ về động lực viết tiểu thuyết lịch sử.

Nhà văn Đức Anh, đại diện Linh Lan Books - một trong những đơn vị “đỡ đầu” nhiều tác phẩm văn học ghi dấu ấn của tác giả trẻ cho hay, hiện nay, dòng văn học lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa dân gian đang được ưa chuộng trên thị trường, không chỉ hấp dẫn các bạn trẻ mà còn được bạn đọc quốc tế đón nhận. Tuy nhiên, trong văn học và nghệ thuật, để tạo nên những tác phẩm có sức sống bền lâu thì các tác giả trẻ cần nghiên cứu cẩn trọng, đồng thời, sáng tác phải có sự kết nối với đời sống hiện đại, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

Là người sáng lập và điều hành Tired City - đơn vị hoạt động hỗ trợ và phát triển nghệ thuật sáng tạo thông qua việc hợp tác với nghệ sĩ trẻ và đưa tác phẩm có bản quyền của họ vào đời sống, ông Nguyễn Việt Nam cho biết đã thực hiện nhiều dự án với các nghệ sĩ trẻ để mang lại góc nhìn mới, câu chuyện mới, cách thể hiện mới cho văn hóa dân gian Việt Nam. Ban đầu, các bạn trẻ hơi dè dặt, sợ thiếu chính xác trong xây dựng hình tượng. Nhưng gần đây, họ mạnh dạn hơn, đem được tinh thần của thế hệ hôm nay vào văn hóa dân gian, truyền thống và được công chúng đón nhận. Với sự năng động của “Gen Z”, những sáng tạo này không chỉ tác động khiến công chúng trẻ yêu lịch sử, văn hóa truyền thống mà còn tạo ra những sản phẩm đặc sắc, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Thế hệ "Gen Z" lớn lên trong thời đại số, tiếp xúc với văn hóa toàn cầu, nhưng họ vẫn luôn có ý thức giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc thông qua những sáng tạo mới. Đây là xu hướng tích cực và thực sự có nhiều triển vọng khi được đầu tư phát triển.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục