Gì cũng hát
Việc sử dụng phần nhạc của những bài hát quen thuộc, sau đó chế thêm lời để quảng cáo sản phẩm trên sóng phát thanh, truyền hình đã thành quen thuộc. Không thể phủ nhận rằng, đã có nhiều thương hiệu đi vào lòng người nhờ những giai điệu quen, phần lời dí dỏm, thú vị. Có thể kể đến một số ca khúc được sử dụng vào quảng cáo tạo hiệu ứng thú vị như: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” do Mỹ Linh thể hiện, được dùng để quảng cáo cho một ngân hàng; “Ước gì” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh được đặt lời mới để quảng cáo cho một loại trà thanh nhiệt với phần lời chế do ca sĩ Mỹ Tâm thể hiện; bản nhạc hit "Yêu không đòi quà" của Only C dùng để quảng cáo thương hiệu điện máy; ca khúc nổi tiếng "Bống bống bang bang" của nhóm 365 khi được chế để quảng cáo cho một loại nước tẩy rửa vệ sinh thậm chí nằm trong tốp 10 video quảng cáo được xem nhiều nhất trên YouTube...
Tuy nhiên, bên cạnh những ca khúc hit được chế lời thú vị lại là rất nhiều bài hát bị gán lời một cách gượng ép, khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, phản cảm. Chỉ trong 5 phút quảng cáo trên sóng truyền hình, người nghe đã "buộc phải thưởng thức" tới 4 - 5 “bài ca quảng cáo”, còn trên sóng VOV giao thông, tần suất quảng cáo bằng nhạc chế khá dày đặc. Nội dung của lời ca nhiều khi có thể coi là thảm họa khi được gắn một cách gượng ép với đủ loại sản phẩm, từ hàng gia dụng, nhà ở đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, kể cả những bệnh nhạy cảm.
Gần đây, trên diễn đàn của nhóm Otofun, nhiều thành viên chia sẻ rằng họ cảm thấy mệt mỏi với những phần quảng cáo hát hò vô duyên trên sóng phát thanh. Thành viên có biệt danh Palisade nêu: “Dạo này ngồi trên xe quá đau đầu, chối tai với nạn nhạc chế để quảng cáo. Vừa mừng vì hết chiến dịch “pê tê ca sa” thì lại đến điều hòa “săn hao”. Bình luận này ngay lập tức được nhiều người hưởng ứng. Một số thính giả không ngần ngại đưa ra nhận xét: Ca hát gì “như đấm vào tai”, “nghe chỉ muốn tắt ngay”...
Trách nhiệm của cả nghệ sĩ
Dĩ nhiên, để có thể sử dụng các ca khúc nổi tiếng rồi chế lời quảng cáo sản phẩm, đơn vị sử dụng phải mua bản quyền hay có sự cho phép sử dụng từ tác giả. Nhưng không hiểu các tác giả sẽ nghĩ sao khi bài hát của mình bị chế... thành thảm họa? Xem phần quảng cáo của một thương hiệu điện máy trên YouTube, một khán giả bình luận: "Thái Thịnh (tác giả bài hát "Duyên phận" được chế thành bài hát quảng cáo cho thương hiệu này) nghe bài này xong chắc ổng chết luôn quá".
Người nghe còn cảm thấy thế thì chắc chắn sẽ có nhiều nhạc sĩ cảm thấy bức xúc khi đứa con tinh thần của mình bị biến dạng vì mục đích thương mại. Năm 2019, gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã hết sức bức xúc khi ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của ông bị chế lời để quảng cáo cho một thương hiệu phở ăn liền. Dù đơn vị sử dụng có bản quyền hợp pháp thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam song gia đình cố nhạc sĩ không thể ngờ ca khúc lại bị làm biến dạng đến mức đó...
Trò chuyện với Hànộimới Cuối tuần, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội cho biết: “Tình trạng chế nhạc quảng cáo tràn lan hiện nay là đáng báo động. Ra đường lên ô tô hay về nhà mở tivi đều phải nghe những loại âm thanh như thế, có những ca từ hết sức nhảm nhí, khiến công chúng có cảm giác như cả nền âm nhạc đang bị biến thành “âm nhạc thuốc cao”.
Để giải quyết tình trạng này, theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, chính các nhạc sĩ cũng cần có trách nhiệm bảo vệ đứa con tinh thần của mình bằng cách yêu cầu thẩm định lại ca khúc khi được sử dụng vào mục đích quảng cáo sản phẩm để đảm bảo tác phẩm không bị phá nát hay gây ức chế cho người nghe. Mặt khác, theo ông, để nhạc quảng cáo không trở thành thảm họa, rất cần sự hợp tác của các đài phát thanh, truyền hình.
“Vẫn biết hoạt động quảng cáo mang tính “sống còn” với các đơn vị này trong giai đoạn hiện nay, nhưng rõ ràng là chúng ta cần có trách nhiệm trong việc giữ gìn “nếp nhà” cho âm nhạc, góp phần xây dựng cho công chúng thị hiếu âm nhạc lành mạnh”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết