Người dân đồng lòng
Đón chúng tôi tại Nhà văn hóa thôn Cầu Chéo, đồng chí Trần Thị Liên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn phấn khởi khoe, nhà văn hóa thôn mới được đưa vào sử dụng từ đầu tháng 5-2022, sức chứa 120 chỗ ngồi, được trang bị đầy đủ tiện nghi, loa đài, bàn ghế, có cả bếp ăn, nhà vệ sinh... với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp.
Người dân thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình (Yên Sơn) làm tuyến đường hoa.
Bà Liên cho biết thêm, nhà văn hóa trước kia đã có nhưng do nhỏ và đã xuống cấp nên việc tổ chức các hoạt động hội họp, sinh hoạt và vui chơi của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy cuối năm 2021, chi bộ thôn đăng ký thực hiện mô hình “Dân vận khéo” của tập thể là “Lãnh đạo xây dựng nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng”. Để xây dựng nhà văn hóa mới cho bà con có nơi sinh hoạt nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn, khang trang rộng rãi, đáp ứng các hoạt động chung của thôn kể cả trước mắt cũng như lâu dài, cần có kinh phí và nguồn xã hội hóa. Chi bộ đã lãnh đạo việc huy động sức dân để xây dựng nhà văn hóa.
Có nhà văn hóa bà con trong thôn ai cũng vui và phấn khởi, ông Hoàng Văn Hiển nói: “Nhà văn hóa đi vào hoạt động, chúng tôi rất vui mừng, vì đây không chỉ là nơi người dân được sinh hoạt cộng đồng, mà là nơi mọi người được tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, rồi đến quy ước, hương ước của thôn, góp phần xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp thêm tình làng nghĩa xóm”.
Dẫn chúng tôi tham quan vòng quanh nhà văn hóa, bà Liên lại giới thiệu tuyến đường hoa của Chi hội Phụ nữ thôn đảm nhiệm trồng và chăm sóc. Đây là mô hình “Dân vận khéo” của Chi hội Phụ nữ thôn.
Đang nhanh tay nhổ cỏ, vun đất vào cho luống hoa hai bên đường, chị Nguyễn Thị Sử, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cho biết, tuyến đường hoa phụ nữ Cầu Chéo đảm nhận trồng, chăm sóc thường xuyên có chiều dài 400m. Ban Chấp hành chi hội tuyên truyền mỗi hội viên phụ nữ đóng góp một cây hoa để trồng, chăm sóc làm đẹp cảnh quan môi trường, khu dân cư. Hàng tuần, hội viên thay phiên nhau chăm sóc cây hoa, vệ sinh tuyến đường. Tuyến đường hoa được hình thành đã khơi gợi được tinh thần, ý thức cho hội viên, cũng như người dân trong gìn giữ vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi, qua đó góp sức làm cho đường nông thôn thêm khang trang, sạch đẹp.
Nhà văn hóa thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình (Yên Sơn) được xây dựng khang trang.
Hiệu quả từ mô hình cụm dân cư
Xác định đúng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay và vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chi bộ thôn đã tập trung lãnh đạo, triển khai, thực hiện tốt phong trào trên các lĩnh vực như phát triển kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt chi bộ đã lãnh đạo triển khai hiệu quả mô hình cụm dân cư, với 5 cụm hoạt động, mỗi cụm sẽ có cụm trưởng, cụm phó, ban chấp hành, quản lý từ 25 - 30 hộ dân trong thôn, hoạt động theo quy chế 6 tháng sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả, làm rõ hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm từng cụm dân cư.
Ông Hà Văn Hùng, trưởng cụm dân cư số 1 cho biết, mô hình cụm dân cư được nhóm triển khai từ hơn 2 năm qua, hoạt động rất hiệu quả với 25 hộ gia đình, đạt tỷ lệ 100%. Theo đó, mỗi hộ dân trong cụm phải thực hiện tốt 3 nội dung chính là: Chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; không có người mắc tệ nạn xã hội; cùng nhau xây dựng khu dân cư văn hóa. Bà con trong cụm đồng tình hưởng ứng, cùng nhau xây dựng quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang đảm bảo tính tiết kiệm, văn minh lành mạnh. Đồng thời, Ban Chấp hành cụm vận động nhân dân tham gia Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với các hoạt động cụ thể, thiết thực như: vệ sinh tuyến đường giao thông nông thôn, đóng góp tiền mặt và hàng trăm ngày công xây dựng nhà văn hóa thôn; gây quỹ giúp nhau mua cây, con giống phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo.
Gia đình chị Chu Thị Mùa, thôn Cầu Chéo nâng cao thu nhập từ dịch vụ xay xát các loại nông sản.
Các cụm dân cư luôn tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, điển hình có mô hình trồng rừng của gia đình ông Đặng Xuân Phúc; mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản của gia đình ông Hoàng Văn Hiển, trồng hoa, rau của ông Lê Quang Trường. Đến nay, toàn thôn có 10 hộ gia đình phát triển kinh tế theo mô hình gia trại, trang trại; thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Hiệu quả mô hình dân vận từ cụm dân cư đã góp phần cùng với chi bộ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 38 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong đó có 7 mô hình tập thể, 31 mô hình cá nhân, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã có sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp đạt hiệu quả cao. Từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đầu năm đến nay, thôn đã làm 1.570 m đường bê tông nông thôn; vận động thành công 25 hộ gia đình kiểm kê quy hoạch khu dân cư mới thôn Cầu Chéo; xây dựng nhà mới cho 2 hộ nghèo; trồng và chăm sóc tuyến đường hoa 400m; phân loại 3,5 tấn rác thải nhựa, thu gom 250kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại 6 bể thu gom trên các cánh đồng của thôn.
Đồng chí Lê Thị Thu Hiền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đội Bình cho biết, với những cách làm sáng tạo gắn với điều kiện thực tế, nhiệm vụ chính trị của địa phương, mô hình “Dân vận khéo” của Chi bộ thôn Cầu Chéo đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, sớm đưa xã về đích xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2022. Chi bộ Cầu Chéo nhiều năm liền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đội Bình tặng Giấy khen. Năm 2022, Chi bộ là một trong những điển hình “Dân vận khéo” được huyện Yên Sơn khen thưởng, giai đoạn 2020- 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết