“Chị cả” của phụ nữ Yên Phú

- "Luyến ơi, sắp tới hội có lớp dạy đan lát tổ chức ở UBND xã, Luyến giúp chị một góc trưng bày các sản phẩm đan lát của nhóm nhé!". "Luyến ơi, vào xóm Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất giúp đỡ cho một số hội viên người dân tộc Mông cách sử dụng mạng xã hội để tiêu thụ nông sản nhé”... Những cuộc gọi như thế cứ liên tục đến máy điện thoại của chị Phạm Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Phú (Hàm Yên).

Giỏi việc Hội

Hơn 17 năm gắn bó với công tác phụ nữ, chị Luyến luôn trăn trở làm sao để xây dựng phong trào hội ngày càng vững mạnh, tạo điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, giúp chị em ngày càng nâng cao vị thế của mình trong đời sống xã hội.

Chị Phạm Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Phú (Hàm Yên).

Dáng vẻ thoăn thoắt, nhanh nhẹn, càng nói chuyện với chị Luyến, càng thấy rõ sự nhiệt tình, tâm huyết của chị với công tác hội. Chị Luyến kể, hơn 5 năm trước, mặc dù xã Yên Phú có nhiều ngành nghề, mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao… Nhưng có một số phụ nữ cao tuổi, neo đơn không làm được việc nặng, việc ngoài trời, hộ nghèo, cận nghèo cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy mặt hàng mây tre đan có tiềm năng phát triển, lại tận dụng được thời gian lúc nông nhàn và nguồn nguyên liệu sẵn có, chị đã vận động, tập hợp, kết nối một số hội viên thành lập nhóm Mây tre đan phụ nữ yếu thế xã Yên Phú để tạo thêm việc làm cho hội viên. Năm 2018, nhóm được thành lập ban đầu có 9 thành viên, đến nay tăng lên thành 16 thành viên. 

Bà Hoàng Thị Nhất, thôn 3 Thống Nhất, Trưởng nhóm Mây tre đan phụ nữ yếu thế xã Yên Phú cho biết, hiện bà đang ở một mình, thu nhập chính của bà trước đây phụ thuộc vào 3 sào lúa, ngô. Nhưng hiện tại tuổi đã cao, bà không còn làm được việc nặng nữa. Dù không phải nghề chính song nghề mây tre đan đem lại thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, giúp bà trang trải cuộc sống hàng ngày.

Những năm gần đây hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp len lỏi vào các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhằm xuyên tạc chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Mông xóm Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất, luôn bị các tổ chức bất hợp pháp mua chuộc lôi kéo. Chị Luyến không ngại khó khăn, tranh thủ từng giờ tiếp xúc, gặp gỡ hỏi thăm, động viên, giúp đỡ, vận động hội viên, người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù, không tham gia bất cứ tổ chức nào khi không được pháp luật công nhận, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, đời sống người dân xóm Gò Đá ngày một nâng cao. Đồng thời, được đồng bào tin tưởng chị Luyến đã vận động 14 phụ nữ dân tộc Mông tham gia tổ chức hội, trong đó có 11 hội viên tại xóm Gò Đá.

Chị Phạm Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Phú (Hàm Yên) hướng dẫn hội viên sử dụng mạng xã hội tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Chị Hoàng Thị Chợ, xóm Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất cho biết, mọi người ở đây đều rất quý chị Luyến vì chị rất nhiệt tình, tâm huyết với công tác hội. Trước kia, chị em ở thôn tiếp cận thông tin còn khó khăn lắm nhưng nhờ chị Luyến là cầu nối giúp chúng tôi hiểu được nhiều hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia vào các phong trào do Hội Phụ nữ phát động. Nhờ đó, mà đời sống chị em ở đây đã có nhiều đổi thay hơn trước, mọi người ai cũng rất phấn khởi.

Là người hăng say với công tác xã hội, nên chị Luyến luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Chị đã vận động hội viên các chi hội tích cực tham gia các buổi tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao khoa học - công nghệ. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, giúp phụ nữ có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững. Đến nay, chị đã giúp 600 lượt hội viên vay vốn gần 38 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ đó, nhiều hội viên trong xã tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Hội có 423 mô hình kinh tế có thu nhập từ 80 triệu trở lên, 254 mô hình cho thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như chị Tạ Thị Thu với mô hình trồng cam; chị Đào Thị Kim Oanh với mô hình trồng thanh long; chị Nguyễn Thị Hiền với mô hình trồng táo; chị Phạm Thị Sen với mô hình nuôi cá…

Bên cạnh đó, chị Luyến còn vận động hội viên xây dựng 23 quỹ tiết kiệm với số tiền 628 triệu đồng; vận động quyên góp ủng hộ hơn 11.000 viên gạch hồng, giúp đỡ được 42 hội viên xây nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động hội viên ủng hộ gạo mỳ tôm, nhu yếu phẩm trong các đợt chống dịch Covid-19 với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Đồng thời, chị đã kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ, hỗ trợ tiền, quần áo, sách vở, xe đạp, nhu yếu phẩm cho các gia đình khó khăn trên địa bàn xã. Cùng với đó, chị đã chỉ đạo thành lập, phối hợp thành lập, ra mắt và duy trì hiệu quả hoạt động của 5 câu lạc bộ "Phòng chống bạo lực gia đình", 3 câu lạc bộ "Xây dựng gia đình Hạnh phúc trong dân tộc thiểu số”, "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", các phong trào "gia đình 5 không 3 sạch" và "Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới"… Qua đó, góp phần phát huy nội lực và vai trò chủ động của hội viên, phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em. 

Đảm việc nhà

Tích cực tham gia công tác xã hội là vậy nhưng chị Phạm Thị Luyến vẫn làm rất tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Chị vẫn luôn tin rằng, "thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn", 2 vợ chồng chị cùng đồng lòng, tích cực lao động sản xuất, phát triển gia trại của gia đình mình với 6 ha rừng keo, bồ đề; 2 ha cam sành VietGap. Thu nhập hàng năm của gia đình chị Luyến đạt 400 - 500 triệu đồng/năm. Gia đình chị còn chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng trọt cho người dân trong và ngoài xã.

Chị Luyến hướng dẫn kỹ thuật đan lát cho thành viên nhóm Mây tre đan phụ nữ yếu thế xã Yên Phú.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hàm Yên nhận xét, đồng chí Luyến là cán bộ phụ nữ năng động, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và là gương điển hình tiêu biểu trong công tác hội, phong trào phụ nữ ở địa phương được các hội viên, phụ nữ tin yêu, tín nhiệm. Chị Luyến chính là "cánh tay nối dài" của hội trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Gia đình chị Luyến cũng là điển hình gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế. 

Hơn 17 năm gắn bó và dành nhiều tâm huyết trong công tác hội, chị Phạm Thị Luyến vinh dự nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc" của Bộ Công An. Song, đối với chị, niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy cuộc sống của hội viên ngày một ổn định, ấm no.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục