Giữ hồn văn hóa dân gian qua đồ chơi trung thu truyền thống

- Bằng đam mê và tình yêu nghề, hơn 50 năm qua, gia đình ông Nguyễn Xuân Liễu sinh năm 1940, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) vẫn miệt mài “thắp sáng” chiếc đèn ông sao truyền thống. Những chiếc đèn lung linh, rực rỡ ấy đang giúp lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đến những tâm hồn tuổi thơ.

“Thắp sáng” chiếc đèn ông sao

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng trong căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Xuân Liễu đã chật kín những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu. Trải qua bao thăng trầm, có những lúc tưởng chừng như phải bỏ nghề vì khó cạnh tranh với các loại mặt hàng đồ chơi hiện đại bên ngoài thị trường, nhưng gia đình ông Liễu vẫn quyết tâm bám trụ lấy nghề. Với ông Liễu, việc kiên trì với nghề làm đèn Trung thu truyền thống không chỉ bởi mục đích kinh doanh kiếm lời mà đó còn là cách vợ chồng ông thể hiện tình yêu thương con trẻ, cũng như tâm huyết với những giá trị truyền thống.

Hai vợ chồng ông Nguyễn Xuân Liễu, tổ 11, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) vẫn đang miệt mài “thắp sáng” những chiếc đèn ông sao.

Ông Liễu nhớ lại, trước đây, đèn ông sao là một món đồ chơi “hạng sang” với trẻ em, nhất là vào dịp Trung thu. Ai được cha mẹ tự tay làm, hay được “sắm” cho một chiếc thì sung sướng lắm, chạy khoe khắp xóm làng. Ông Liễu bắt đầu biết làm đèn từ năm 10 tuổi do được ông và bố truyền dạy. Và như một cơ duyên để rồi thành nghiệp, cái nghề đi cùng ông Liễu và gia đình gần cả đời người.

Năm nay, dù sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng vợ chồng ông Liễu vẫn ngày ngày miệt mài làm từng chiếc đèn ông sao... Đây cũng là món đồ chơi truyền thống được nhiều khách hàng ưa chuộng và đặt với số lượng lớn, không chỉ ở khu vực các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn khách ở tỉnh Hà Giang, Phú Thọ đặt mua. Cũng chính vì niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề mà nhiều năm nay, ngôi nhà của ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người tìm mua đèn Trung thu truyền thống.

Để kịp có hàng đúng dịp Trung thu, gia đình ông Liễu phải tìm kiếm, chọn lựa nguyên liệu từ tháng 3 âm lịch hằng năm. Nguyên liệu chính để tạo ra những chiếc đèn ông sao là nứa, giấy trang trí. Những nguyên liệu đều được ông chọn lựa kỹ càng. Các nguyên liệu lấy từ thiên nhiên nên rất thân thiện với môi trường và không ảnh hưởng tới sức khỏe của các em nhỏ. 

Những mùa trung thu trước, gia đình ông Liễu thường làm được 3.000 - 4.000 chiếc đèn ông sao, giá mỗi chiếc từ 30 - 50 nghìn đồng tùy kích thước. Hầu hết các sản phẩm đồ chơi Trung thu nhà ông làm ra là phục vụ cho trường học, cơ quan làm quà tặng cho các em nhỏ. Năm nay, do tuổi cao nên gia đình ông chỉ làm được khoảng vài trăm chiếc.

Giữ hồn văn hóa dân gian

Để làm ra một sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống, người “nghệ nhân” phải ngồi hàng giờ tỉ mỉ, chăm chút cho từng chi tiết. Hơn nữa mỗi năm chỉ có một mùa, lợi nhuận mỗi mùa chẳng được là bao. Nhưng có lẽ, vì tình yêu con trẻ mà niềm đam mê với nghề đã giúp gia đình ông Liễu duy trì, gắn bó với nghề từ những năm 1970 đến giờ.

Bà Nguyễn Thị Nhung, vợ ông Liễu chuẩn bị các họa tiết để dán lên đèn ông sao cho các em nhỏ rước đèn Trung thu.

Mỗi chiếc đèn, với những hình thù khác nhau lại là một câu chuyện mà vợ chồng ông gửi gắm. Như đèn con thỏ, dựa vào truyện Thỏ Ngọc cứu bạn trong đêm rằm tháng 8. Đèn ông sao vừa là biểu tượng cho ngôi sao năm cánh trên quốc kỳ, vừa thể hiện cho ước muốn hòa bình của người Việt Nam... Ông Liễu cười hiền, bảo người làm đèn phải hiểu được câu chuyện, ý nghĩa của từng loại đèn thì chiếc đèn mới thật sự đẹp và có hồn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Đèn trung thu truyền thống không có tiếng nhạc vui tai như những loại lồng đèn điện tử, nhưng những chiếc đèn trung thu truyền thống vẫn luôn gợi lại trong mỗi người ký ức về một mùa Trung thu ấm áp, đầy tiếng cười trẻ thơ. Vì thế mùa Trung thu năm nào chị cũng tới nhà ông Liễu chọn mua 2 chiếc đèn ông sao cho 2 con trai của chị tham gia rước đèn trong đêm trăng rằm.

“Tôi tuổi đã già, giờ cố gắng làm được chút nào hay chút ấy, để bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống. Tôi rất phấn khởi khi gần đây, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian. Cùng với đó là niềm đam mê đồ chơi truyền thống trong cộng đồng cũng được đánh thức một phần. Nhờ vậy, số lượng người tìm đến đèn Trung thu truyền thống ngày càng đông”, ông Liễu tâm sự.

Đồ chơi truyền thống vẫn luôn được “giữ lửa” bởi những con người “nặng lòng” như vậy. Dù tuổi đã cao, nhưng với niềm say mê ấy, đôi tay đầy vết xước từ tre nứa, nhưng vợ chồng ông Liễu vẫn miệt mài ngày đêm “thắp sáng” những chiếc đèn Trung thu truyền thống với mong muốn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phóng sự: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục