Lặng thầm cống hiến

- Hơn 10 năm lặng lẽ cống hiến cho công tác y tế dự phòng, chàng trai trẻ Hứa Đình Tứ (ảnh trên), cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trải qua buồn vui của một nghề thầm lặng.

Buồn không ai tỏ...

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội), cử nhân Hứa Đình Tứ về nhận công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Chừng đó thời gian trong nghề, anh đã chứng kiến nhiều dịch bệnh khác nhau bùng phát trên địa bàn tỉnh như: dịch sởi, viêm gan virus A, sốt xuất huyết, dịch Covid-19…

Công việc của những cán bộ làm công tác y tế dự phòng lặng lẽ và gian nan. Ấy vậy mà, hơn 10 năm qua cử nhân Hứa Đình Tứ đã dành cho công việc với tất cả lòng nhiệt huyết và sự say mê với nghề của mình. Yêu nghề là vậy nhưng vẫn không thiếu những lúc anh cũng cảm thấy bất lực trong quá trình làm công tác y tế dự phòng.

Anh Tứ kể, ngày anh mới đi làm, anh cùng đoàn dự phòng đi giám sát tại xã về công tác phòng chống dịch bệnh anh không làm sao tiếp cận được với người dân, người dân không phối hợp để điều tra dịch tễ. Không tiếp cận được người dân, không hoàn thành công việc, anh cảm thấy ấm ức, tủi thân bởi mình làm việc vì cộng đồng, vì sức khỏe người dân nhưng không được người dân thấu hiểu. "Kiểm soát dịch bệnh là để không lây lan, bùng phát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm. Đây là công lao của dự phòng. Công tác y tế dự phòng đóng góp lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân, giảm thiệt hại kinh tế cho xã hội và từng gia đình do bệnh truyền nhiễm gây nên" - anh Tứ nói.

Anh Hứa Đình Tứ.

Trong thời gian học tập, công tác anh Tứ đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bệnh nhi viêm não Nhật Bản, sống đời sống thực vật do không tiêm vaccine phòng bệnh. Vào bệnh viện, trẻ bị bệnh phải chọc dịch não tủy để xét nghiệm. Nhìn thấy trẻ bị giữ còng lưng để lấy dịch não tủy, nghe tiếng khóc các con, anh không kìm được nước mắt. Thậm chí, rất nhiều cái chết đau lòng, nhiều cuộc đời trẻ thơ phải khép lại sau những ngày dài nằm viện chỉ vì bố mẹ "tẩy chay" vaccine.

Có dịp đi cùng anh Tứ tham gia các hoạt động tại cộng đồng, tôi cũng có cảm nhận như vậy. Như lần tham gia giám sát công tác tiêm chủng tại huyện Na Hang mới đây, tôi thấy anh luôn quan tâm, kịp thời hỗ trợ từng thành viên trong đoàn giám sát, tận tình hỏi thăm người dân, hướng dẫn người dân cách phòng chống các loại dịch bệnh và tiêm phòng vaccine. Có những hộ gia đình đi làm nương, đi rừng về muộn anh cũng chờ đến khi mặt trời đã khuất sau dãy núi để trò chuyện, chia sẻ và hướng dẫn cho người dân về cách phòng chống dịch bệnh. Để người dân càng hiểu rõ hơn sức khỏe quý giá như thế nào để có những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Mặc dù trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, anh không phải "xông pha", không phải đi vào tâm dịch như các đồng nghiệp khác, nhưng với anh Tứ thì từ khi có ca nghi nhiễm đến nhiễm Covid-19, anh không có khái niệm ngày nghỉ, lúc nào cũng căng mình với công việc. Anh Tứ chia sẻ: "Nhà tôi cách cơ quan hơn 30 km, thời gian dịch Covid-19 bùng phát, lúc đó 2 cháu còn nhỏ, cháu bé nhất mới được 7 tháng tuổi, thế nhưng có khi đến cả tháng mới được về thăm con.

Nói là được về thăm thôi nhưng cũng chỉ là cái ôm, cái hôn vội rồi lại quay trở lại cơ quan để tiếp tục cùng đồng nghiệp cuộc hành trình "đuổi giặc" Covid-19. Cường độ làm việc thời điểm đó gấp 2 thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường, có nhiều ngày phải thức xuyên đêm; điện thoại, zalo tôi phải mở suốt 24/24h để nhận chỉ đạo chống dịch của lãnh đạo đơn vị, của ngành.

Đặc thù công việc lúc đó là cập nhật đầy đủ thông tin về người đến, đi từ vùng dịch, nguy cơ mắc, nghi ngờ mắc hay những đối tượng tiếp xúc với ca mắc… vì vậy lúc nào tôi cũng phải căng mắt với những con số, phải liên tục tiếp xúc với màn hình máy tính. Tuy nhiên, xác định chống dịch như chống giặc, nên tôi đã không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Hứa Đình Tứ (ngồi giữa) trao đổi nghiệp vụ cùng với đồng nghiệp.

Hạnh phúc được cống hiến

Khi dịch bệnh xảy ra, công việc của những người làm công tác dự phòng nhân lên gấp bội, anh Tứ nhớ lại, năm 2013 - 2014, khi dịch sởi bùng phát ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Khi đó, cả nước ghi nhận hơn 16.000 ca sốt phát ban nghi sởi ở 62/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó gần 140 trẻ đã tử vong. Thời điểm đó tỉnh ta đã ghi nhận có trên 170 trường hợp mắc sởi, tập trung chủ yếu ở thôn Khuổi Phìn, xã Sinh Long (Na Hang).

Với những diễn biến xấu của tình hình dịch bệnh, anh đã cùng các đồng nghiệp lên nằm vùng tại thôn. Thời điểm đó đường lên xã Sinh Long không được thuận lợi như bây giờ, điện chưa có, người dân nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế. Sau gần 1 tuần ăn, ở cùng bà con, với sự nỗ lực của bản thân và đồng nghiệp để tuyên truyền cho người dân về những nguy hiểm khi dịch bùng phát, dịch đã được khống chế, nhận thức của bà con cũng đã được cải thiện.

Trong  thời gian dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh thì những bữa ăn, giấc ngủ trọn vẹn, hỏi han người thân, gặp gỡ bạn bè… dường như là một việc quá xa xỉ đối với anh Tứ. Anh Tứ cũng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần vừa bưng bát cơm hay vừa tranh thủ chợp mắt thì chuông điện thoại reo vang của đồng nghiệp gọi về báo gửi số liệu truy vết F1, F2 hay ghi nhận các ca mắc mới… Mỗi lần như vậy anh lập tức buông bát, tổng hợp số liệu nhanh nhất còn báo cáo Sở để ngành có những biện pháp kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.

Cực khổ là thế, nhưng khi hỏi về nghề, anh không kể khó, kể khổ mà anh chỉ kể về những câu chuyện xoay quanh những kỷ niệm vui khi phát hiện và điều trị cho những trường hợp mắc, dập các ổ dịch kịp thời để không lây bệnh ra cộng đồng. Đối với anh, hạnh phúc lớn nhất là khi mẫu các trường hợp nghi mắc các bệnh truyền nhiễm đều có kết quả là âm tính (không mắc bệnh). Đặc biệt vui mừng hơn khi người dân ngày càng có ý thức, tự biết cách phòng bệnh - anh Tứ vui vẻ nói.

Hơn 10 năm làm công tác dự phòng, niềm vui đến với cử nhân Hứa Đình Tứ cũng nhiều và khó khăn, vất vả cũng lắm nhưng anh đã vượt qua để cùng đồng nghiệp đấu tranh đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân. Với những đóng góp, hy sinh thầm lặng của mình trong công tác phòng, chống dịch, vừa qua, anh Tứ vinh dự là 1 trong 100 gương mặt trẻ tiêu biểu được UBND tỉnh tuyên dương.

Phóng sự: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục