Những ngôi nhà giản dị, những thửa ruộng bậc thang của người Mông ở Khuổi Trang và Khuổi Củng.
Nét văn hóa độc đáo của người Mông
Xã Xuân Lập (Lâm Bình) hiện có trên 300 hộ đồng bào dân tộc Mông, chiếm trên 60% số hộ toàn xã. Người Mông sống ở cả 5 thôn trên địa bàn xã, trong đó tập trung chủ yếu tại thôn Khuổi Trang, Khuổi Củng và Nà Co.
Đến thôn Nà Co những ngày mùa thu tháng 8, những phụ nữ dân tộc Mông đang say sưa dạy con, em thêu trang phục truyền thống, chuẩn bị cho ngày Tết không xa. Từng mũi kim, đường chỉ dưới bàn tay khéo léo của các chị tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo, đặc sắc, nổi bật giữa nền vải trắng. Em Giàng Thị Lùng, 14 tuổi, thôn Nà Co chia sẻ: “Cách đây hơn 2 năm, em đã được mẹ dạy cách thêu hoa văn trên vải.
Lúc đầu thấy việc thêu khó, cầu kỳ, em cũng nản lòng nhưng được sự động viên, hướng dẫn tận tình của mẹ, nhất là mẹ phân tích cho em hiểu từ xưa đến nay, phụ nữ Mông có truyền thống tự làm trang phục, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên em cố gắng học và giờ em đã biết thêu hoa văn trên vải trang trí vai áo”.
Thôn Khuổi Trang, nằm cách trung tâm xã khoảng hơn 10 km, nhưng đường đi lại rất khó khăn. Theo sự dẫn đường của đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Lập, chúng tôi vượt qua những đoạn đường núi dốc, đất trơn trượt mà chỉ có thể đi trời nắng, trời mưa không thể nào đi lên được. Con đường dẫn lên thôn một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Sau gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi cũng đã vào được đến thôn.
Phụ nữ thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập truyền dạy nghề thêu trang phục truyền thống.
Ông Giàng Seo Nhù, người dân tộc Mông ở thôn Khuổi Trang tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ. Ông Nhù năm nay tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình chỉ bảo cho những người yêu văn hóa dân tộc mình, nhất là lớp trẻ. Ông là người nắm giữ các nghi lễ cũng như biết sử dụng một số nhạc cụ của dân tộc, trong đó có cây khèn Mông và ông đang nỗ lực truyền dạy lại cho những người dân trong bản. Ông mong muốn khi mình đã già đi rồi, thế hệ sau này vẫn biết cất tiếng khèn để nói lên tiếng lòng mình, để nói lời yêu giữa nam với nữ, nói lời yêu với cha với mẹ, với núi với rừng. Nói rồi, ông Nhù vào buồng lấy cây khèn ra và thổi cho chúng tôi nghe khúc nhạc vui tươi mang ý nghĩa chào mừng khách đến.
Ban đêm, cả một vùng thung thũng lấp ló ánh đèn điện dưới làn sương lạnh. Lấy mấy thanh củi tiếp thêm lửa cho nồi cám lợn đang đun dở, anh Giàng Mí Cù, thôn Khuổi Trang lại say sưa thổi sáo, bên cạnh người vợ đủng đỉnh ngồi thêu thùa. Âm thanh dập dìu, da diết của khèn Mông cứ văng vẳng bay xa.
Anh Giàng Mí Cù, cho biết, năm nay 29 tuổi đã theo các già làng người dân tộc Mông trong thôn, trong xã để học thổi sáo và làm sáo từ năm 10 tuổi. Đến nay anh đã biết làm sáo Mông và thổi thành thạo nhiều bài hát. Vì vậy, anh luôn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn, xã. Ngoài ra, chàng trai nào chưa biết thổi sáo hay muốn học làm sáo Mông anh sẵn sàng hướng dẫn.
Chung tay gìn giữ bản sắc
Hiện nay, mỗi dịp Tết đến, xuân về, hay trong những ngày hội của người Mông nơi đây, những điệu múa, tiếng sáo, tiếng khèn Mông lại được cất vang khắp các bản làng. Những cuộc thi vẽ sáp ong trên nền thổ cẩm; thi làm mèn mén, nấu thắng cố; thi đấu các môn thể thao dân tộc... được xã tổ chức thu hút đông đảo người dân cùng thưởng thức. Văn hóa truyền thống, từ lúc nào đã không chỉ là bản sắc văn hóa, mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến với địa phương.
Người dân tộc Mông xã Xuân Lập làm món mèn mén.
Chị Hoàng Thanh Thúy, đến từ Thanh Hóa hào hứng nói: “Đến Xuân Lập, tôi không chỉ được ngắm cảnh quan kỳ vỹ mà còn được hòa mình vào thế giới của tiếng khèn bởi tài nghệ của các chàng trai Mông, thưởng thức các món ăn do chính bàn tay của người Mông nơi đây chế biến. Những bản tình ca trên núi du dương, dìu dặt trong ngày hội, tiếng khèn Mông, các món ăn... thực sự làm tôi thích thú và ấn tượng”.
Điều đặc biệt hiện nay, trên các bản làng người Mông xã Xuân Lập, những đứa trẻ đều biết đến chữ viết của dân tộc mình. Đó là một minh chứng khẳng định chữ viết của người Mông không bao giờ mất đi trong đời sống. Đồng chí Giàng Xuân Dính, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết, để truyền lửa cho văn hóa dân tộc Mông, ngày càng phát triển và trường tồn đến thế hệ mai sau, cấp ủy, chính quyền ở địa phương đã tạo điều kiện để người Mông được giao lưu, kết nối giữa văn hóa dân tộc Mông với các dân dộc khác.
Từ đó nhân lên lòng tự hào, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Bên cạnh đó, hằng năm xã cũng đã tổ chức cuộc thi, hội thi, hội diễn để các nghệ nhân và lớp trẻ người Mông được thi tài những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ đó sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế du lịch ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết