Mãi trong tim ký ức về Bác

- Ký ức về Bác là một cụ già dáng gầy mảnh dẻ, nước da rám nắng, đi dép cao su, Bác mặc quần áo kaki đã sờn màu nhưng nụ cười thân thiện, luôn ân cần thăm hỏi mọi người... Dù đã hơn 62 năm trôi qua kể từ ngày được gặp Bác, nhưng mỗi khi nhắc về những kỷ niệm ấy, người kể chuyện vẫn bồi hồi, xúc động. Đó là những ký ức không thể nào quên.

3 lần gặp Bác

Ở cái tuổi 93, ông Nguyễn Văn Sinh, tổ 7, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) hãy còn mạnh khỏe và minh mẫn lắm. Nghe chúng tôi trình bày mong muốn được tìm hiểu những câu chuyện về Bác Hồ, đôi mắt ông Sinh sáng lên lấp lánh. Ông nhanh chóng mở tủ, lấy ra 1 bức ảnh. Tấm ảnh đen trắng đã phai màu theo năm tháng, được ông trân trọng gìn giữ, coi đó là báu vật quý giá nhất cuộc đời. Bởi ở đó, có hình ảnh Bác Hồ, vị Cha già kính yêu của dân tộc mà ông vinh dự được gặp. 

Năm 1949, lúc vừa tròn 19 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Sinh lên đường nhập ngũ ở Mặt trận Kiến An (Hải Phòng). Sau 1 năm  huấn luyện, tham gia chiến đấu ác liệt, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, ông Sinh đã cùng đồng đội chuyển về Trung đoàn 246, Quân khu Việt Bắc.

Tháng 10/1956, tại Đại hội toàn quốc Đoàn thanh niên Cứu Quốc Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Hà Nội. Với vai trò là đại biểu thanh niên tiêu biểu dự đại hội, ông Sinh đã vinh dự được gặp Bác Hồ.

 Ông Nguyễn Văn Sinh kể về bức ảnh ông được chụp cùng với Bác Hồ trong lần Người về thăm Tuyên Quang.

Ông bồi hồi nhớ lại: Đại hội vừa mới làm lễ khai mạc thì đột nhiên cả hội trường đứng lên hô vang "Hồ Chủ Tịch muôn năm,  Hồ Chủ Tịch muôn năm" và rầm rập tiếng vỗ tay. Nhìn lên bàn Đoàn Chủ tịch đã thấy Bác Hồ đang đi vào, chúng tôi không ngớt vỗ tay liên hồi. Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống, lúc bấy giờ các đại biểu mới ngồi xuống và im phăng phắc. Bác nói chuyện với đại hội rất ngắn gọn rồi giơ tay chào đại biểu và đi ra khỏi hội trường. Cuộc gặp ngắn ngủi, tôi chỉ kịp ngắm Bác, dáng gầy mảnh dẻ, nước da rám nắng, mái tóc, chòm râu bạc phơ.

Năm 1961, Bác Hồ lên thăm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, ông Sinh lại có cơ hội được gặp Bác Hồ thêm lần nữa.  

Lật giở lại dòng hồi ức, ông Sinh kể: Đến Tuyên Quang, Bác vào thăm Trung đoàn 246 đóng tại xã Lưỡng Vượng, huyện Yên Sơn (nay là TP Tuyên Quang). Để chuẩn bị đón Bác, tôi và đồng chí Nguyễn Văn Bổ là cán bộ của Ban Chính trị Trung đoàn được phân công phụ trách việc kiểm tra, bảo vệ phòng họp để khi Bác đến mời Bác vào phòng nghỉ ngơi. Nhưng khi Bác đến, Bác đi thẳng xuống nhà ăn, kiểm tra nhà bếp và thăm hỏi các đồng chí nuôi quân. Bác ân cần thăm hỏi, căn dặn cán bộ, chiến sĩ rồi Bác ra xe và đi ngay.

Vài ngày sau thăm Hà Giang, Bác trở về Tuyên. Ông Sinh và một số cán bộ của Trung đoàn được cử ra sân bay cây số 6 Tuyên Quang đón Bác. Lần này, ông Sinh được đứng gần Bác hơn, được chụp ảnh lưu niệm cùng Bác và nghe Bác động viên, căn dặn. Ông Sinh hồi tưởng: Bác ngồi nghỉ, chúng tôi quây quần xung quanh. Bác nói chuyện tình hình ở Hà Giang: "Nhân dân các dân tộc Hà Giang còn nghèo lắm, còn nghèo hơn Tuyên Quang các chú”. Đồng chí Hoài Quang, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy đưa Bác xem tập ảnh đã chụp khi Bác thăm Tuyên Quang. Bác xem từng tấm ảnh và khen "chụp được đấy". Bác ngồi căn dặn nhiều vấn đề, trong đó luôn nhắc nhở phải đoàn kết chặt chẽ, mong muốn đồng bào Tuyên Quang sẽ phát huy truyền thống anh dũng và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội.

Những lần được gặp Bác Hồ, dù thời gian ngắn ngủi, nhưng lần nào cũng đều trở nên vô cùng đặc biệt trong tâm khảm ông Sinh. Hạnh phúc nhất với ông là mỗi một lần gặp, Bác đều dành những lời dặn dò ân cần, sâu sắc, ý nghĩa và trở thành bài học quý báu suốt hành trình sống và cống hiến của người Bộ đội Cụ Hồ.

93 tuổi đời, 74 năm tuổi Đảng, gần 41 năm phục vụ Đảng, Nhà nước, dù ở cương vị nào, Đại tá Nguyễn Văn Sinh cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Dù tuổi cao nhưng ông Sinh vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Với những cống hiến cho cách mạng, ông đã được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý của Nhà nước và Quân đội. 

Dấu ấn in đậm suốt cuộc đời

"Dù thời gian trôi qua, nhưng ký ức về những lần được gặp Bác mãi nguyên vẹn trong tim. Bác để lại tình thương vô hạn không chỉ trong tôi mà trong lòng cả dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau" - Đó là tâm sự của bà Ngô Thục Lâm,  tổ 10, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), người từng được gặp Bác ngày Người về thăm Tuyên Quang.

Bà Lâm kể: Bác Hồ đến thăm Tuyên Quang khi bà mới 9 tuổi. Một buổi sáng giữa tháng 3/1961, theo như kế hoạch, Bác đến sân vận động thị xã nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Bà Lâm là một trong số học sinh được chọn tặng hoa Bác trong cuộc mít tinh. Khi mọi công tác chuẩn bị đã xong, đoàn xe của Bác từ từ tiến vào khu vực sân. Thấy  Bác xuống xe tất cả mọi người đồng thanh hô vang: "Hồ Chủ tịch muôn năm!".

Bà Ngô Thục Lâm kể chuyện về Bác Hồ.

Bà Lâm nhớ, Bác đi dép cao su, bộ quần áo chàm đã sờn màu nhưng nụ cười thân thiện, luôn ân cần thăm hỏi mọi người. Thấy bà Lâm bé nhất trong đoàn học sinh, Bác ân cần kéo bà đứng lại gần. Bác đứng lên nói chuyện với các cháu học sinh. Bác đứng lặng đi một phút, đưa mắt trìu mến nhìn tất cả, mọi người cũng lặng đi vì sung sướng và cảm động.

Bác âu yếm nhìn các cháu, Bác hỏi các cháu về quê hương, về dân tộc. Bác hỏi các cháu có ngoan không, các cháu có chịu khó học tập không? Bác dặn các cháu phải ngoan, phải chịu khó học tập vì đồng bào các dân tộc ta xưa kia bị áp bức, bị khổ nhiều, không được học tập. Nay các cháu được Đảng ta cho đi học, phải ngoan ngoãn nghe lời thầy cô dạy bảo, phải chịu khó học tập để sau này xây dựng bản làng, phục vụ dân tộc.

Trước khi ra về Bác còn căn dặn đồng bào các dân tộc của tỉnh: "Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...".

Cuộc gặp gỡ vội vàng chưa đầy một tiếng đồng hồ nhưng bà Lâm cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi của Bác qua từng cử chỉ, hành động, lời nói với mỗi  người dân. Những ký ức đó đã trở thành niềm tin, lẽ sống soi sáng suốt cuộc đời bà.
Gần 30 năm dành trọn tâm huyết cho ngành Giáo dục, bà Lâm đã được Nhà nước trao tặng  Huân chương Lao động hạng Ba, danh  hiệu Nhà giáo Ưu tú. Học tập và làm theo tấm gương Bác, bà Lâm vẫn luôn giữ lối sống giản dị, phẩm chất, cốt cách mẫu mực của một đảng viên.

Bóng chiều ngả, nói lời tạm biệt với bà Lâm, trong tôi trào dâng niềm kính phục vô bờ. Nghĩ về những câu chuyện ông Sinh, bà Lâm kể, cách họ lưu giữ những  ký ức, kỷ vật và những tấm huân huy chương, tôi hiểu, họ đang sống một cuộc đời trọn vẹn như lời căn dặn của Bác, theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách của Người.

Phóng sự: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục