Giấc mơ Cao Đường

- Cao Đường là thôn cao nhất ở Yên Thuận (Hàm Yên), nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Bởi vậy, khí hậu ở Cao Đường quanh năm mát mẻ, mưa nắng thay nhau xuất hiện trong một ngày. Đường lên Cao Đường đã được bê tông hóa đến tận thôn, tuy có chỗ đã bị xói lở, song thuận lợi hơn trước rất nhiều. Mấy năm trở lại đây, người dân ở Cao Đường nhận thức rất rõ về tiềm năng phát triển du lịch của quê hương mình nên họ nuôi giấc mơ phát triển nơi này trở thành điểm du lịch sinh thái.

Vẻ đẹp ở Cao Đường

Vượt chặng đường cheo leo dốc núi dài 9 km bằng chiếc xe máy chỉ gài số 1, chúng tôi lên tới Cao Đường. Công chức Văn hóa - xã hội Nguyễn Văn Chiến thích thú bảo: "Đường này rất hợp cho những ai thích đi phượt". Bản nhỏ hiện ra bình yên trong mây sớm la đà. Nơi đây chỉ có 63 hộ dân tộc Mông, Dao, Tày… sinh sống, người Mông, Dao chiếm đa số. Bởi vậy, những ngôi nhà gỗ, nhà sàn của hai dân tộc này xen kẽ nhau.

Du khách chụp ảnh bên những cánh đồng lúa xanh mướt ở Cao Đường.

Đến đầu thôn, chúng tôi dừng chân ở điểm check-in xinh xắn nằm ngay bên đường. Đây không chỉ là quán nước cho khách dừng chân mà còn là điểm chụp ảnh, tham quan vườn hoa, check-in bên cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Chủ của cơ ngơi này là Giàng A Tiếng, cô gái người dân tộc Mông sinh năm 1992. Học xong Đại học, Giàng A Tiếng quyết định về quê để làm du lịch cộng đồng. Em cùng gia đình cải tạo mấy đám ruộng để trồng các loài hoa, cải tạo ngôi nhà của gia đình đang ở rộng hơn 200 m2 để làm homestay. Khách vào thôn không thể không dừng chân ở đây để ngắm những thửa ruộng lúa nếp đang chuẩn bị chín, chụp ảnh check-in bên những vạt hoa trong những bộ trang phục của dân tộc Dao, Mông.

Cao Đường có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Ở đây có những hang động rất đẹp đã được phát hiện và đang được huyện Hàm Yên rà soát, đánh giá đó là hang Dơi, hang Quả Na. Bản sắc văn hóa của người Mông, người Dao vẫn còn được gìn giữ và phát huy. Nhiều gia đình người Dao sinh sống trên 20 năm ở Cao Đường còn nuôi rêu xanh trên mái những ngôi nhà sàn. Đây là nét độc đáo vẫn còn được Nhân dân bảo tồn. Anh Lý Kim Thạch, người dân tộc Dao cho biết, ngôi nhà sàn của gia đình anh đã có trên 20 năm tuổi, khi rêu mọc trên mái nhà, anh vẫn để vậy, bởi có rêu, ngôi nhà của anh trở nên mát mẻ và độc đáo hơn.

Du khách check-in bên những cánh đồng hoa ở Cao Đường.

Người Mông Cao Đường hiện nay vẫn gieo cấy loại lúa nếp gia truyền của dân tộc mình. Đó là loại lúa nếp dâu, dẻo và rất thơm ngon. Người Mông thường gieo cấy vào tháng 4 đến tháng 9 âm lịch thì được thu hoạch. Sau khi thu hoạch, người Mông thường dự trữ để làm bánh dày, xôi dùng trong những dịp lễ, tết. Đến Cao Đường, nhiều du khách thường thích check-in bên những cánh đồng lúa nếp xanh mướt. Ở Cao Đường, người dân cũng đã khôi phục khoảng 2 ha chè Shan tuyết cổ thụ, hiện nay, sản lượng chè tươi thu hái đang được HTX Chè Thuận Thủy thu mua.

Người dân ở Cao Đường hiện vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc như Lễ Cấp sắc, Lễ cầu làng của dân tộc Dao, thổi khèn, các trò chơi dân gian như đánh cù, đánh quay, đánh yến của người Mông.

Nỗ lực của chính quyền địa phương

Trước đây, UBND huyện Hàm Yên đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch Cao Đường từ năm 2018 đến năm 2020. Song do dịch Covid-19, từ 2020 đến nay, các hoạt động văn hóa thu hút khách du lịch lên Cao Đường chủ yếu do chính quyền xã tổ chức. Đồng chí Ma Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết, vừa qua, Cao Đường có 3 hộ được Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ, hiện đã giải ngân được 40 triệu đồng/hộ để phát triển du lịch homestay. Tổ văn nghệ của thôn cũng đã được giải ngân hỗ trợ 35 triệu đồng theo Nghị quyết số 09.

Nhà gỗ làm du lịch homestay được cho là đẹp nhất thôn Cao Đường của gia đình ông Giàng Seo Sàng.

Hàng năm, khi bắt đầu vào mùa hè, xã Yên Thuận thường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút du khách lên Cao Đường. Đây là thời điểm thích hợp nhất để du khách thưởng ngoạn vẻ đẹp của nơi này bởi khí hậu ở đây rất mát mẻ. Theo Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tiến, hai năm trở lại đây, khi xã tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với du lịch, số lượng khách du lịch lên Cao Đường tăng cao, có thời điểm ước tính có khoảng 4 đến 5 nghìn lượt khách. Các homestay có thể đáp ứng nhu cầu từ 30 đến 40 khách đến lưu trú song cũng kín chỗ, chính quyền địa phương phải vận động các hộ dân khác chỉnh trang nhà cửa để đón khách và phục vụ khách ăn uống, lưu trú mới đủ.

Gia đình ông Giàng Seo Sàng, người dân tộc Mông đầu tiên ở Cao Đường làm homestay. Gia đình ông cũng được hỗ trợ 80 triệu đồng để làm du lịch cộng đồng từ Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh. Ông Sàng đã cải tạo lại ngôi nhà gỗ khang trang, sạch sẽ, có thể phục vụ tới 30 khách đến lưu trú. Gia đình ông còn làm ao cá vừa để khách du lịch trải nghiệm trò chơi bắt cá mỗi dịp lễ hội mà còn phục vụ bữa ăn khi khách có nhu cầu. Ngoài nuôi cá thịt, gia đình ông còn nuôi lợn đen, gà đen, trồng rau cải để du khách có dịp trải nghiệm văn hóa ẩm thực của người Mông. Ông Sàng chia sẻ: "Gia đình tôi đi trước làm homestay để làm gương cho người dân trong thôn mạnh dạn làm theo. Cao Đường đẹp như vậy nếu người dân chúng tôi biết khai thác và làm du lịch chắc chắn sẽ thành công, dù đường sá lên đây có phần vất vả”.

Rời Cao Đường, có gì đó trong chúng tôi vừa phấn khởi, vừa hy vọng. Phấn khởi vì người dân ở Cao Đường đã bắt đầu mạnh dạn làm du lịch, hy vọng trong tương lai, nơi này sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho những ai thích trải nghiệm, khám phá núi non vùng cao và Cao Đường vẫn đang chờ được đánh thức…

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục