Những điều trăn trở
Ông Hiến năm nay đã gần 80 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, nhiều người vui vầy cùng con cháu và an hưởng tuổi già, "buông" cái sự đời nhưng ông lại nghĩ khác.
Ông bảo, mình tên là Hiến tức là phải cống hiến, còn sức là còn làm. Ông trải qua nhiều công việc, cương vị công tác từ anh lính công an võ trang, đến lãnh đạo huyện rồi lãnh đạo một cơ quan tư pháp dưới tỉnh trước khi về quê hương nghỉ chế độ vào năm 2003. Và ông luôn trăn trở, làm cách nào giữ lại được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Người Dao Tiền mang trong mình một kho tàng văn hóa vô cùng đồ sộ, từ chữ viết, trang phục, những điệu hát Páo dung, những bài cúng cầu mùa... Khuôn mặt trầm ngâm, ông Hiến tâm sự, theo sự phát triển của nền giáo dục, lũ trẻ con đi học vỡ lòng đã dạy học tiếng Việt, người già, cha mẹ giao tiếp với con cũng dần bỏ tiếng Dao. Đặc biệt, nhiều gia đình sống nhiều thế hệ, trở thành tổ hợp của nhiều dân tộc khác nhau, nhiều yếu tố cộng lại, tiếng dân tộc gần như không còn, hỏi không ai biết, chào không ai hay, đến bản thân con của ông cũng không biết nhiều đến tiếng dân tộc mình. Lâu dần văn hóa người Dao Tiền cứ thế mai một. Là một người trách nhiệm, ông Hiến nghĩ mình cần thay đổi.
Để hiện thực ý tưởng, đến năm 2014, ông Hiến cất công lên tận xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) tìm gặp thầy giáo còn am hiểu và có khả năng truyền thụ tiếng Nôm Dao về dạy cho người Dao Tiền tại 2 thôn Cầu Mạ và Đồng Vàng. Ông nhớ lại, ngày đó thầy giáo ở lại gia đình gần 4 tháng, tiền lương do ông và một vài người nữa tự đóng góp, lớp học lúc đầu có 35 thành viên, ông vui lắm, nghĩ mình sẽ thành công, nhưng bản chất chữ Nôm Dao chính là chữ Hán Nôm với nhiều trường nghĩa, nét viết phức tạp, chỉ sau 4 tháng lớp học còn lại được 5 người. Ai cũng tỏ ra vô cùng chán nản, không còn hào hứng và rồi lớp học tan rã sau đúng 4 tháng 20 ngày thành lập.
Biên soạn giáo án dạy tiếng Dao
Ông Hiến chia sẻ, ông từng tham khảo nhiều sách dạy tiếng Dao nhưng đa số đều rất mông lung, khó hiểu và cũng gây nản cho người học.
Tôi hỏi, vậy cơ duyên nào ông lại viết giáo trình dạy tiếng dân tộc Dao đeo tiền?
Lớp học tiếng Dao Tiền bằng giáo án của ông Bàn Công Hiến thu hút đông học sinh tham gia.
Ông Hiến chầm chậm kể, từ năm 2013, ông đã có ý tưởng muốn viết cuốn giáo án về dạy tiếng Dao Tiền cho người dân trong xã Yên Nguyên, nhưng đành bỏ dở do việc phổ biến, lưu hành. Thú thực ngày đấy cũng nhiều tâm huyết, nhưng khi xin ý kiến cấp trên thì không được chấp thuận ông cũng buồn lắm, nhưng cũng chính thời gian đấy, tạo nên cơ hội để ông hoàn thiện bộ sưu tầm tiếng Dao Tiền từ lớp người già, những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương, năm 2021, xã Yên Nguyên thành lập CLB hát Then, cuối năm đó, chính quyền xã cũng có nhã ý muốn mời ông Hiến biên soạn giáo án để dạy tiếng Dao Tiền cho các bạn trẻ. Anh Nông Văn Thuyết, công chức Văn hóa xã Yên Nguyên nhớ lại, sau khi có chủ trương bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao Tiền, anh đến tìm ông Hiến để xin kế sách, được ông truyền dạy những nét văn hóa, ông tự nhận viết cuốn giáo án dạy tiếng Dao miễn phí, cá nhân anh cảm thấy rất phấn khởi và nể phục. Anh bảo, nhớ mãi sau Tết năm 2022, hơn 1 tháng ông Hiến chỉ ở nhà biên soạn, ông tỉ mỉ từng câu, từng chữ, xong lại chuyển anh đánh máy để hoàn thiện.
Cuốn giáo án gồm 26 trang, theo hình thức tiếng Dao, phiên dịch ra tiếng Việt, gồm 13 mục là các từ đơn miêu tả các đồ vật, cây cối, những màu sắc… và một phần là các câu dài như: Phun, co lan chào ông (Cháu chào ông); Pi no nooi chấu cái nhụng (Hôm nay anh làm việc gì)… Ông Hiến chia sẻ, cuốn giáo án được in ra, để khách quan, ông đích thân xin ý kiến chính quyền xã Yên Nguyên mở hội đồng nghiệm thu, ai cũng đều tấm tắc khen dễ hiểu, dễ nhập tâm, khác hẳn sự phức tạp so với những cuốn sách đang lưu hành. Để kiểm chứng, chúng tôi đến thăm lớp học tiếng Dao dành cho các bạn nhỏ với gần 70 học sinh tham gia. Cô giáo Bàn Thị Vận cho biết, lần đầu được tiếp cận tiếng Dao Tiền qua giáo án các em học sinh tỏ ra vô cùng thích thú. Sau hơn 2 tháng triển khai, nhiều học sinh đã bước đầu giao tiếp được những từ đơn, những từ dễ nhớ, đây là điều mà cô Vận cùng nhiều người yêu thích bản sắc văn hóa người Dao Tiền hằng mơ ước.
Đồng chí Cầm Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã đầy tự hào, Yên Nguyên là xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Chiêm Hóa và Yên Nguyên hôm nay cũng là xã đi đầu trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. "Bảo tàng" Bàn Công Hiến được chính quyền xã vô cùng trân trọng, và luôn tạo điều kiện để ông được cống hiến hết mình cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao Tiền.
Ông Hiến đang dạy chữ cho các cháu nhỏ tại thôn Cầu Mạ, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa).
Ông Hiến bật mí, là con rể cả của Anh hùng Lao động Bàn Hồng Tiên, nên ông phải quyết giữ bằng được văn hóa truyền thống của người Dao Tiền. Ông khoe, vừa sưu tầm được bộ quần áo cho nam giới của người Dao Tiền cổ, đúng nét hoa văn, nét thêu thủ công thật đẹp. Mới đây, bài hát Páo dung " Mừng xuân ơn Đảng" do ông sáng tác được Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Tiền của xã đi biểu diễn tại tỉnh Kon Tum được đánh giá cao về ca từ và cách thể hiện.
Ông Hiến nay tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng ông tin tương lai lũ trẻ sẽ dần quay lại và giữ gìn văn hóa truyền thống của người Dao Tiền. Muốn làm được điều này, ngoài sự bảo tồn, truyền dạy chữ viết thì cần hơn vẫn là gieo đam mê, sự yêu thích, đó mới là quan trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết