Ngày càng có nhiều người lựa chọn bảo hiểm là giải pháp tài chính hữu hiệu để dự phòng rủi ro. Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, hàng năm ngành bảo hiểm nhân thọ đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng bồi thường cho các trường hợp khách hàng kém may mắn. Tuy vậy, thực tế vẫn xảy ra không ít tranh chấp, khúc mắc giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình bồi thường quyền lợi bảo hiểm. Trong đó, nhiều tranh chấp xuất phát từ việc khách hàng kê khai thông tin thiếu trung thực, không đầy đủ ngay từ bước đầu tham gia bảo hiểm. Để tránh xảy ra những trường hợp tương tự, người mua bảo hiểm được khuyên cần “hiểu đủ - mua đúng” để đảm bảo quyền lợi của mình.
Minh bạch về tình trạng sức khỏe – yếu tố quyết định việc chi trả quyền lợi bảo hiểm
Trong giai đoạn giao kết hợp đồng, thông tin mà doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm cung cấp có thể chia làm ba nhóm chính, gồm: thông tin về nhân thân; thông tin về sức khoẻ; các thông tin liên quan khác. Trong đó, thông tin về sức khoẻ là nhóm thông tin có khả năng sai sót cao nhất và cũng là lý do doanh nghiệp bảo hiểm từ chối thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Tổng Giám Đốc Công Nghệ và Giao dịch Bảo hiểm, Công ty bảo hiểm Prudential Việt Nam, thì khoảng 20% các ca bị từ chối chi trả của công ty xuất phát từ nguyên nhân kê khai thông tin không trung thực.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng kê khai thông tin chính xác, trung thực, đầy đủ không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của khách hàng. Đây chính là yếu tố pháp lý vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, cũng như là cơ sở cho việc giải quyết quyền lợi khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Đơn cử trường hợp của Chị V.N.H. (45 tuổi, Hà Nội). Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ với một đơn vị bảo hiểm, chị đã không cung cấp thông tin về bệnh huyết áp có sẵn từ nhiều năm trước vì cho rằng bệnh trạng nay đã ổn định. Vài năm sau đó, chị bất ngờ bị tai biến và gửi yêu cầu giải quyết quyền lợi bệnh hiểm nghèo nhưng không được công ty bảo hiểm chấp thuận. Chị H là ví dụ điển hình về việc vi phạm trách nhiệm kê khai thông tin không chính xác, đầy đủ khiến hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu lực ngay từ ban đầu.
Việc kê khai sai, thiếu thông tin có thể xuất phát từ nhiều lý do, có thể do người mua cố ý, nhưng cũng có thể là khai báo qua loa do đánh giá không đúng tầm quan trọng của việc kê khai thông tin. Nhưng dù lý do là gì thì trong mọi trường hợp, bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm vẫn chịu trách nhiệm cuối cùng cho việc cung cấp thông tin và kê khai của mình.
Chỉ định khám y khoa của công ty bảo hiểm không thay thế trách nhiệm khai báo của khách hàng
Trên thực tế có không ít ý kiến cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm xác định tình trạng sức khỏe của khách hàng khi đã thực hiện việc khám sức khỏe thẩm định đối với khách hàng của mình.
Giải đáp thắc mắc trên, chuyên gia của một đơn vị bảo hiểm cho biết: “Công ty bảo hiểm không thực hiện khám sức khỏe thẩm định cho 100% khách hàng tham gia bảo hiểm. Chỉ định kiểm tra y khoa được Công ty bảo hiểm đưa ra dựa trên những thông tin về tình trạng sức khỏe mà khách hàng cung cấp. Nó hoàn toàn độc lập với nghĩa vụ kê khai thông tin của khách hàng”.
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ dựa trên những thông tin sức khỏe mà khách hàng cung cấp để làm cơ sở chỉ định khám y khoa hoặc không. Cần hiểu rằng khám thẩm định sức khỏe của công ty bảo hiểm không giống khám tầm soát bệnh và nó không thay thế trách nhiệm khai báo của khách hàng. Do vậy, để không tự “đánh mất” quyền lợi của chính mình, khách hàng cần hiểu và nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ khai báo của mình.
Minh bạch, trung thực trong kê khai hồ sơ không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc, mà còn là cách làm “thông minh” mang lại sự an tâm lâu dài cho người mua bảo hiểm, hạn chế những tranh chấp, hiểu lầm không đáng có trong bồi thường bảo hiểm. Điều này về lâu dài cũng giúp bảo hiểm trở nên dễ hiểu, tạo ra môi trường phát triển lành mạnh, có lợi cho cả bên mua lẫn doanh nghiệp bảo hiểm.
Gửi phản hồi
In bài viết