Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Ảnh: VGP
Chiều 2-12, họp báo Chính phủ thường kỳ được tổ chức với sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì vừa kết thúc trước đó, ông Sơn cho hay Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế xã hội, việc thực hiện nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh cơ bản đạt hiệu quả nhất định.
Tuy vậy, Chính phủ đánh giá tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khó lường, số ca nhiễm tăng nhanh, việc đảm bảo cân đối lớn nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức ép lạm phát, đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thiếu hụt nguyên vật liệu.
Do đó, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đồng bộ hiệu quả các giải pháp, chú ý điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, giảm phí và lệ phí cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch, triển khai chương trình phục hồi du lịch, làm tốt công tác dự báo, tính toán cân đối đảm bảo không để thiếu hàng hóa, mở rộng hỗ trợ người lao động, chuẩn bị kỹ điều kiện mở cửa trường học…
Báo Tuổi Trẻ đặt các câu hỏi về việc đánh giá về nguy cơ làn sóng dịch lần thứ 5, khi số ca nhiễm và ca tử vong ở mức cao; chiến lược hỗ trợ cho các địa phương có nhiều ca tử vong; liệu có thể thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên giữa tháng 12, và triển khai kế hoạch triển khai tiêm mũi thứ 3.
Dịch diễn biến phức tạp, số ca tử vong tăng
Thông tin về tình hình dịch và nguy cơ làn sóng dịch lần thứ 5, ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay dịch bệnh diễn biến phức tạp, số mắc và ca tử vong có chiều hướng tăng lên. Qua phân tích và thống kê, hầu hết ca tử vong tăng nhiều ở nhóm người trên 50 tuổi, kết hợp bệnh nền như tiểu đường, ung thư, tim mạch chiếm trên 80%.
Bộ Y tế đề ra giải pháp quan tâm theo dõi người bệnh có nguy cơ cao, điều trị và phân tầng hợp lý. Các bệnh viện đánh giá phân loại nguy cơ, theo dõi sát ngay khi có thể. Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại cụ thể, thuận tiện, dễ dàng.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, để tiếp tục hỗ trợ địa phương có ca nặng tăng cao, Bộ Y tế có quyết định phân công các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho các địa phương có số ca nhiễm nặng, tử vong cao; kích hoạt trung tâm hỗ trợ chuyên môn từ xa. Địa phương cử người có năng lực trực tiếp chỉ đạo chuyên môn, thu dung điều trị, tránh việc chuyển tầng quá sớm vì sẽ quá tải, chuyển tầng đúng theo hướng dẫn phân loại; xây dựng hệ thống giám sát nguyên nhân tử vong COVID-19.
Đủ vắc xin cho mũi tiêm bổ sung
Về việc tiêm mũi 3, ông Thuấn cho biết thực hiện chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã tiêm hơn 125 triệu liều cho người trên 18 tuổi. Trong đó, người trên 18 tuổi có 94% tiêm ít nhất 1 liều và gần 80% tiêm đủ 2 liều. Nhiều tỉnh thành tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80 - 90% người trên 18 tuổi trên địa bàn.
Việc tiêm đủ liều quan trọng nên cần ưu tiên tối đa - ông Thuấn nhấn mạnh.
Để tăng cường phòng bệnh COVID-19 cho những người tiêm đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của WHO và các nước, Bộ Y tế đã có công văn gửi các địa phương về tiêm mũi thứ 3.
Theo đó, tiêm cho nhóm đủ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người có bệnh nền, người được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người chăm sóc điều trị cho những người bệnh.
Thời gian tiêm mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung, là những vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ông Thuấn cho biết thêm, hiện nay đã có hợp đồng với các hãng mua 200 triệu liều, nên theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế đã và đang đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin cho Việt Nam gồm Pfizer và AstraZeneca đủ tiêm nhắc lại và tăng cường trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết