Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện “LiT Wonders” do Câu lạc bộ LiT - Literature in Thoughts (câu lạc bộ văn học Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm) tổ chức thường niên, với mục đích lan tỏa những giá trị văn chương, khơi dậy văn hóa đọc trong các bạn trẻ.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Theo đó, văn học, nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng cũng có những đổi mới và nhiều cơ hội để phản ánh bức tranh chân thực, đa chiều về con người trong thời kỳ này.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hữu Khuê
Theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, con người được phản ánh trong văn học Việt Nam sau năm 1986 không chỉ là những hình tượng lý tưởng hóa, hoàn mỹ như trước mà đa dạng, phong phú và mang tính thực tế hơn.
Chia sẻ về những giá trị mới được đề cao trong văn học Việt Nam sau năm 1986, nhà văn Hiền Trang cho rằng, bên cạnh những giá trị truyền thống, văn học giai đoạn này còn đề cao những giá trị cá nhân như tự do, bình đẳng, hạnh phúc và khát vọng đổi mới.
Lấy ví dụ một số tác phẩm, nhà văn Hiền Trang khẳng định, những tác phẩm văn học tiêu biểu của giai đoạn này đã phản ánh những giá trị mới một cách rõ nét. Qua đó, văn học góp phần định hướng con người trong xã hội mới, giúp họ có được những nhận thức và hành động đúng đắn để xây dựng cuộc sống tốt đẹp.
Cả hai diễn giả đều nhấn mạnh rằng, con người trong văn học Việt Nam sau năm 1986 phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn khi đời sống xã hội có nhiều thay đổi. Những vấn đề này đã được phản ánh một cách chân thực, góp phần lên án những cái xấu và hướng con người đến những giá trị tốt đẹp.
Bên cạnh những chia sẻ của diễn giả, tọa đàm có phần giao lưu, thảo luận sôi nổi. Một số người tham dự đã chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận về hình ảnh con người trong văn học Việt Nam sau năm 1986. Nhiều người bày tỏ sự đồng cảm với những nhân vật văn học, đồng thời bày tỏ trăn trở về các vấn đề xã hội được đề cập trong một số tác phẩm văn học thời kỳ này…
Gửi phản hồi
In bài viết