Chiêm Hóa thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc

- Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai trên địa bàn huyện Chiêm Hoá, từng bước thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. Từ đó thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh.

Thực hiện Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN về “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” xã Tri Phú được đầu tư xây dựng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tri Phú. Ngôi trường được xây dựng gồm 12 phòng, trong đó 6 phòng học bộ môn và 6 phòng chức năng. Công trình hoàn thiện và đi vào sử dụng đã tạo điều kiện quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của địa phương.

Thông qua các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN người dân huyện Chiêm Hóa có điều kiện phát triển sản xuất.

Tại xã Tân Mỹ, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình, xã đã tập trung mọi phương tiện, thiết bị và nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn. Theo đó, thực hiện Dự án 4 về “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và đơn vị sự nghiệp công lập”, xã đã được đầu tư xây dựng các công trình: Kè sạt lở Thác Khún, Nhà lớp học điểm Khuôn Thẳm, Đường bê tông Nà Lang (tuyến đường nối liền hai thôn Nà Nhoi và Noong Tuông), Nhà công vụ giáo viên trường tiểu học với tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng.

Chị Tề Thị Biên, Bí thư Chi bộ thôn Nà Nhoi, xã Tân Mỹ chia sẻ: “Trước đây, người dân hai thôn chúng tôi đi lại rất khó khăn trên tuyến đường này, nhất là trong những ngày mưa lũ. Khi dự án đầu tư tuyến đường bắt đầu triển khai, chúng tôi rất phấn khởi. Để mở rộng tuyến đường này, người dân hai thôn Nà Nhoi và Noong Tuông đã chủ động hiến đất và rau màu. Đến nay, con đường đã hoàn thiện giúp người dân đi lại, giao thương buôn bán thuận tiện”.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Tri Phú được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của địa phương.

Với 81,4% dân số là ĐBDTTS, thời gian qua việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn được huyện Chiêm Hóa quan tâm, chú trọng. Đồng chí Ma Thị Nhung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa cho biết, Phòng luôn bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con. Từ đó, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành dân tộc các cấp để điều chỉnh, quyết sách nhiều chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tế, phát huy hiệu quả, giúp đồng bào cải thiện, nâng cao đời sống.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, trên địa bàn huyện triển khai 10 Dự án với tổng vốn kế hoạch được UBND tỉnh giao trên 378 tỷ đồng, tiến độ giải ngân đạt yêu cầu kế hoạch. Trong đó, đã giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho trên 311 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.943 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 911 hộ; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết cho 21 hộ.

Đồng thời thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân trên 39 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư  thực hiện 7 chuỗi giá trị, kinh phí 22 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 118 công trình cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 6 trường phổ thông dân tộc bán trú…

Từ nguồn vốn chương trình thực hiện khôi phục 3 mô hình, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn; xây dựng 3 mô hình văn hóa truyền thống; hỗ trợ xây dựng 9 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng ĐBDTTS, vùng di dân tái định cư. Trong 5 năm qua, Chiêm Hóa đã rà soát, cấp trên 362,2 nghìn lượt thẻ khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn; thực hiện khám, chữa bệnh cho trên 35 nghìn lượt người DTTS, tạo điều kiện cho người dân được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất.

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS đã góp phần không nhỏ làm đổi thay diện mạo nông thôn ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, các chính sách đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân toàn huyện nói chung và của hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào DTTS nói riêng, tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục phát triển bền vững.

Đồng bào Dao xã Tân An (Chiêm Hóa) gìn giữ nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Đến nay, kinh tế - xã hội vùng DTTS của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm trên 5%; 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm; 100% số thôn có điện lưới quốc gia; số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%...

Đồng chí Ma Thị Nhung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.

Cùng với đó, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Huyện đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2029, thu nhập bình quân người DTTS bằng 90% bình quân chung của huyện; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 10%; 100% xã thuộc vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 60%…

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục