Về phía địch: Để chiếm lại cứ điểm 206 và lấy chỗ cho máy bay thả dù, De Castries tung Tiểu đoàn lê dương số 2 - lực lượng dự trữ cuối cùng và 5 xe tăng ra phản kích. Trận phản kích diễn ra hết sức ác liệt. Không quân địch đã trút xuống khu vực này tới 600 trái bom mong hủy diệt lực lượng của ta và yểm hộ cho bộ binh, xe tăng phản kích. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co suốt ngày 24.
Sân bay Mường Thanh bị quân ta pháo kích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN
Cùng ngày, Đô đốc Radford gặp Ngoại trưởng Anh Eden tại Paris bên lề cuộc họp Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (O.T.A.N). Radford một lần nữa tìm cách thuyết phục Eden rằng: Chí ít nước Anh cũng cho Hoa Kỳ một lời tuyên bố ủng hộ có tính tượng trưng. Nhưng Eden nói thẳng với những người đối thoại Hoa Kỳ là một chính sách dựa trên cơ sở một cuộc oanh tạc bằng máy bay sẽ đưa người Mỹ tới việc can thiệp bằng lực lượng trên bộ như tại Triều Tiên, sự can thiệp đó sẽ dẫn người Mỹ tới việc thúc đẩy đồng minh thực hiện một "hành động liên minh", có nghĩa là đưa quân đội của họ vào cuộc chiến. Người Anh sẽ làm tất cả cho Hội nghị Geneva thành công.
Về phía ta: Khi địch đột nhập được vào trận địa của Đại đội 213, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị cho bộ đội tạm lùi về phía sau và yêu cầu lựu pháo 105mm bắn thẳng vào trận địa đối phương. Xác lính lê dương trúng đạn nằm ngổn ngang trong những đoạn hào sũng nước. Cuộc phản kích bị đẩy lùi. Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 đã thực hiện được việc đào hào cắt đôi đường băng. Sân bay trung tâm Mường Thanh bị ta đánh chiếm hoàn toàn. Sau khi mất các cứ điểm 105, 206 và sân bay Mường Thanh, trận địa trung tâm của tập đoàn cứ điểm tới đây chỉ còn là một mảnh đất hẹp có diện tích khoảng 1km2.
Tù binh Pháp bị quân ta bắt trong đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN
Ở phía Đông, các đơn vị của Đại đoàn 316 đã có những cố gắng rất lớn trong nhiệm vụ củng cố, giữ vững các vị trí mới đánh chiếm được và nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công các cứ điểm C2, A1.
Sơ kết đợt hoạt động nhỏ tại Hồng Cúm trong thời gian này, Đại đoàn 304 đã thu được 600 viên pháo 105mm, 3.000 viên đạn cối 120mm và 81mm cùng hàng tấn đạn các cỡ khác, hàng chục tấn lương thực, thuốc men và diệt hơn 200 tên địch. Tại Hồng Cúm, chỉ một trung đoàn của ta đã bao vây, vô hiệu hóa, làm suy yếu và kết liễu số phận 2.000 quân địch, phần lớn là lính Âu Phi.
Nếu trong trận đánh lớn vừa qua trên những quả đồi phía Đông, bộ đội ta đã bộc lộ những nhược điểm về công tác điều tra, về chiến đấu hợp đồng binh chủng, về đánh địch trong công sự vững chắc, thì khi chuyển sang chiến thuật đánh nhỏ, các chiến sĩ của ta đã thể hiện một phẩm chất tuyệt vời. Lần này, một bất ngờ mới đang chờ quân địch ở trên cánh đồng Mường Thanh.
THÀNH VINH (lược trích)
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.
4. Điện Biên Phủ - nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.
5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.
Gửi phản hồi
In bài viết