World Cup 2022 tại Qatar được hỗ trợ an ninh từ nhiều quốc gia. Ảnh: Reuters
Nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho "bữa tiệc" bóng đá lớn nhất thế giới, Qatar đã thành lập "Chiến dịch Lá chắn" World Cup với sự tham gia của lực lượng an ninh đến từ Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Pháp, Italia và Pakistan, làm nhiệm vụ bảo vệ 8 sân vận động ở thành phố Doha và hàng loạt khách sạn là nơi lưu trú của 32 đội tuyển bóng đá dự giải đấu diễn vào cuối tháng 11 năm nay.
Một trong những lực lượng "khét tiếng" nhất tham gia bảo vệ World Cup 2022 là đội đặc nhiệm chống khủng bố Polis-Ozel-Harekat (POH) của Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này cũng đã huy động tàu hộ tống TCG Burgazada và 250 binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại Doha.
Ngoài 3.000 cảnh sát chống bạo động, Thổ Nhĩ Kỳ điều động thêm 100 cảnh sát đặc nhiệm, 50 chuyên gia về bom và 80 chó nghiệp vụ. Lực lượng này đồng thời chịu trách nhiệm ngăn chặn các nguy cơ tấn công sinh học, hóa học, phóng xạ và hạt nhân.
Pháp triển khai cảnh sát chống bạo động, lực lượng từng sử dụng hơi cay để ứng phó với những cổ động viên quá khích ở trận chung kết Champions League mùa giải 2021-2022 giữa Liverpool và Real Madrid. Bên cạnh đó là sự tham gia của nhiều chuyên gia về thiết bị không người lái và gỡ bom, cùng chó nghiệp vụ và đơn vị chống khủng bố.
Hồi tháng 10 vừa qua, nội các Pakistan đã thông qua một dự thảo thỏa thuận cho phép chính phủ quốc gia này điều động binh sĩ đến Qatar, nhưng số lượng cụ thể vẫn chưa được xác nhận.
Để hỗ trợ Qatar, Hàn Quốc đã triển khai lực lượng cảnh sát quân sự có kinh nghiệm chống khủng bố và duy trì trật tự công cộng, trong khi Morocco cũng ủng hộ kế hoạch gửi lực lượng đến Doha với quân số có thể lên đến vài nghìn người.
Là quốc gia Trung Đông đầu tiên và nhỏ nhất từng giành quyền đăng cai, Qatar thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện quy mô lớn như World Cup. Hồi đầu năm nay, các lực lượng cảnh sát quốc gia này đã tới thành phố New York để trao đổi kinh nghiệm với cảnh sát Mỹ.
Đến tháng 7, Mỹ và Qatar ký kết nhiều thỏa thuận nhằm xác định "những hành khách hàng không có liên quan đến khủng bố, buôn người, phát hiện những trường hợp trong danh sách theo dõi và giám sát các nguy cơ an ninh tiềm ẩn tại sân bay quốc tế Hamad".
Vương quốc Anh, quốc gia thường xuyên tham gia tập trận với Qatar, thông báo sẽ cử các đơn vị thuộc hải quân và không quân tham gia hoạt động chống khủng bố.
Ngoài sự hỗ trợ từ những quốc gia kể trên, Qatar cũng đã huy động hàng trăm người làm nhiệm vụ tại những trạm kiểm soát an ninh ở các sân vận động. Lực lượng này sẽ kiểm soát các đám đông, kịp thời phát hiện những trường hợp mang theo chất cấm hoặc vũ khí.
Gửi phản hồi
In bài viết