Văn hóa yêu nước-“quốc bảo” giữ nước và thắng địch
Trong tương quan lực lượng và tình thế chênh lệch giữa ta và thực dân Pháp, một câu hỏi từng được đặt ra: Dân tộc Việt Nam ta có thể đánh đổ chế độ thống trị của chủ nghĩa thực dân bằng tổng khởi nghĩa, liệu có thể đánh thắng chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc bằng chiến tranh? Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa ra đáp số của bài toán có tính thời đại đó-dùng chiến tranh, chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng đánh thắng chiến tranh xâm lược của một đế quốc to.
Đương đầu với đội quân xâm lược nhà nghề có sự giúp sức của đế quốc Anh, Mỹ, nếu chỉ bằng sức mạnh quân sự thuần túy sẽ là phiêu lưu, mạo hiểm, khó tránh khỏi thất bại. Dân tộc ta đã nhìn thấy rõ sức mạnh tiềm ẩn trong những tầng sâu văn hóa Việt Nam. Đó là nền văn hóa đã giúp cho một dân tộc nhỏ bé tồn tại qua hàng nghìn năm đô hộ của kẻ xâm lược. Nền văn hóa với triết lý sống là chủ nghĩa yêu nước, đã cố kết cả dân tộc, tạo nên bản lĩnh, tinh thần bất khuất, nghị lực và những sáng tạo phi thường để đánh bại kẻ thù xâm lược mạnh hơn mình gấp bội phần.
Dân tộc ta bước vào cuộc toàn quốc kháng chiến với đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Bản lĩnh Việt Nam kết tụ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước!”.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được trang hoàng trên chiếc xe tăng thu được của địch diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu
Trong toàn bộ diễn trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đường lối phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, giúp chúng ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy và phát huy đến mức tối đa mọi nguồn lực nội sinh của dân tộc, vật chất và tinh thần, chính trị, kinh tế, văn hóa và con người, để “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”.
Đảng đã phát triển tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta-truyền thống quý báu trở thành bí kíp chiến thắng, “quốc bảo” giữ nước và thắng địch; đã lãnh đạo xây dựng hậu phương, căn cứ địa kháng chiến, bồi dưỡng, phát triển lực lượng mọi mặt, chú trọng xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển Quân đội ta về chính trị và quân sự, phát triển dân quân du kích, tự vệ, chiến tranh du kích cao độ; đã triệt để thi hành giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian tạm cấp cho dân cày nghèo và gia đình các chiến sĩ nhằm “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”; đã tăng cường đoàn kết dân tộc, thông qua củng cố Mặt trận Liên Việt-Việt Minh, đồng thời tăng cường đoàn kết quốc tế, nhất là hình thành liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương: Việt-Campuchia-Lào.
Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, mưu trí, sáng tạo Việt Nam được tôi luyện, thử thách, tỏa sáng suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Trong những năm dài chiến đấu trong vòng vây, dựa vào sức mình là chính, chúng ta đã từng bước đánh bại chiến lược của địch, giành được những thắng lợi ngày càng lớn, tạo nên những điều kiện cơ bản và vững chắc để đưa cuộc chiến tranh giải phóng tiến lên những bước phát triển mới. Và rồi, nhằm đè bẹp ý chí của quân ta, Navarre tiến hành kế hoạch mang tên mình, cả Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp lẫn các tướng tá của Lầu Năm Góc đều hết sức tin tưởng vào kế hoạch ấy...
Vì sao kẻ thù xâm lược luôn chủ quan như vậy? Đương nhiên, đó hoàn toàn không phải bọn tướng tá Pháp-Mỹ kém trình độ học vấn hay thiếu tri thức quân sự, cũng không phải là chúng thiếu hiểu biết về những tính năng và tác dụng của các binh chủng, quân chủng, của các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh mà chúng tung ra chiến trường. Chúng chủ quan vì không nắm được quy luật của chiến tranh, do đó không thể đánh giá đúng ngay bản thân lực lượng của chúng, càng không thể lường hết được sức mạnh to lớn của cả một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, ý chí và bản lĩnh kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam được phát huy đến đỉnh cao. Xuất hiện biết bao tấm gương tiêu biểu ngời sáng phẩm chất cao đẹp của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, như: Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng... Đó là tấm gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bản lĩnh trong việc đưa ra quyết định lịch sử vận dụng phương châm tác chiến phù hợp, chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nhằm bảo đảm chiến dịch chắc thắng.
Những minh chứng hùng hồn cho ý chí, trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam còn được thể hiện trong từng cuộc đọ trí, đọ sức diễn ra hết sức gay go giữa ta và địch để giành giật từng tấc đất, từng chiến hào ở thung lũng Điện Biên Phủ. Với tài thao lược của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, quân ta đã thể hiện một nghệ thuật hiệp đồng tác chiến đỉnh cao giữa bộ binh, pháo binh và cao xạ, khiến kẻ địch bị động, bất ngờ, choáng váng và đi đến sụp đổ.
Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ ngoan cường và anh dũng, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, dù “máu trộn bùn non”, nhưng quân và dân ta “gan không núng, chí không mòn”, cuối cùng đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm kiên cố nhất của địch vào chiều 7-5-1954.
Mốc vàng thời đại
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ tạo ra bước nhảy vọt về chiến lược trong chiến tranh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.
Đây cũng là thắng lợi to lớn của nhân dân 3 nước Đông Dương, của nhân loại tiến bộ và của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, cổ vũ mạnh mẽ và làm thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức, giành độc lập, tự do, mở đầu cho quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp nối, bảo vệ và phát triển thắng lợi thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng kiên cường, bất khuất của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Với tầm nhìn, bản lĩnh và trí tuệ, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng sự vận động, phát triển của cuộc kháng chiến, của Chiến dịch Điện Biên Phủ, tìm cách giải quyết các mâu thuẫn để đưa kháng chiến đến thắng lợi. Lịch sử chiến tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam là “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ đánh lớn” và cuối cùng giành thắng lợi. Muốn giải quyết thắng lợi mâu thuẫn trong lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn thì phải phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân, dám đánh và quyết đánh, phải có tài thao lược.
Chúng ta đã đánh địch bằng mưu kế và thắng địch bằng thế thời, bằng tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất của quân và dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã phát huy cao độ “thế, thời, lực, mưu”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” ở tầm đỉnh cao nghệ thuật quân sự chiến tranh cách mạng.
Đó là toàn dân đoàn kết, thống nhất ý chí, quật cường, bất khuất chiến đấu. Chúng ta đã nêu cao tính chính nghĩa chống xâm lược, được các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Trung Quốc và Liên Xô, cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ. Nhờ đó, thế và lực trong kháng chiến của ta ngày một tăng lên gấp bội, nên đã đánh thắng được đội quân nhà nghề của thực dân Pháp.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc".
Chiến thắng lẫy lừng đó đã nêu một tấm gương chói sáng khích lệ tinh thần vùng lên tự giải phóng cho các dân tộc bị áp bức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào việc làm tan rã ý chí xâm lược của thực dân Pháp, dẫn tới ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương, với một giải pháp chính trị cho Việt Nam, Lào và Campuchia, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến nay đã 70 năm. Trong thời gian ấy, biết bao biến cố của lịch sử đã xảy ra trên thế giới. Điện Biên Phủ vẫn là niềm tự hào vô tận của quân dân ta và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với các nước đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội. Càng lùi xa vào lịch sử, càng thấy tầm vóc lớn lao của Chiến thắng Điện Biên Phủ-chiến thắng của bản lĩnh Việt Nam.
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc Việt Nam có thêm cột mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ, “cây cột mốc bằng vàng”. Đó là sự kiện làm rung chuyển, làm thay đổi thế giới. Tiếng sấm Điện Biên Phủ còn mãi rền vang. Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ! Những tiếng nói khẳng định quyền sống, quyền làm người của mọi dân tộc. Những tiếng đã đi vào ngôn ngữ của các dân tộc. Những tiếng vang tự hào.
Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thành giá trị, nguồn động lực và là một cội nguồn thắng lợi ngày càng to lớn về sau của cách mạng, bởi nó hàm chứa trong đó tính khoa học và cách mạng, tính hợp quy luật, được xây dựng trên nền tảng tri thức khoa học, hội tụ bản lĩnh, tài trí của toàn Đảng, toàn dân tộc, tạo nên tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất trong Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Bản lĩnh Việt Nam, tinh thần Điện Biên Phủ mãi mãi âm vang, trường tồn, bất diệt, tiếp tục là nguồn xung lực khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam trên hành trình đẩy mạnh sâu rộng và toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết