Trên thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân ngày càng được củng cố, phát triển và lớn mạnh về mọi mặt. Trong đó Liên Xô giành được nhiều thắng lợi quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh và ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta về mọi mặt. Phong trào bảo vệ hòa bình thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hội đồng hòa bình thế giới tại Viên (Áo) đã ban hành nhiều nghị quyết trong đó có nghị quyết về Việt Nam, đặt vấn đề đàm phán để đình chiến và quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam.
Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) chuẩn bị sa bàn Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu và giao nhiệm vụ cho các đơn vị (Nguồn ảnh: Báo điện tử Quân đội nhân dân)
Trong khu vực, sau ngày thành lập (01/10/1949), Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố là một nước dân chủ mới, thực hiện chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo; đồng thời, tuyên bố đoàn kết với tất cả các nước và dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do trên thế giới, cùng các dân tộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của đế quốc để giữ gìn nền hòa bình lâu dài. Ngày 18/1/1950, Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao; Trung Quốc đã gửi nhiều cố vấn sang giúp ta và viện trợ cho ta vũ khí, lương thực, quần áo, thuốc men.
Về tình hình nước Pháp, quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương đang lâm vào tình thế khó khăn, mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường. Tại nước Pháp, phong trào chống “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của thực dân Pháp ở Đông Dương ngày càng dâng lên mạnh mẽ. Trong khi đó, Mỹ tăng thêm viện trợ cho Pháp và can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Được Mỹ giúp sức, ngày 06/12/1950, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Đờlát Đờ Tátxinhi, tư lệnh lục quân khối Tây Âu sang làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh, kiêm chức Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Ngay sau khi đến Đông Dương, Đờlát đã nhanh chóng đưa ra kế hoạch nhiều điểm trong đó có chủ trương tập trung quân Âu - Phi xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh và ra sức phát triển ngụy quân; tiến hành chiến tranh tổng lực, bình định vùng tạm chiếm, đánh phá ác liệt các căn cứ hậu phương của ta, đẩy mạnh thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh” .
Tình hình trong nước: Sau chiến thắng Biên giới 1950, quân và dân ta đã phát huy thế tiến công chiến lược, đẩy mạnh kháng chiến, tiến hành nhiều chiến dịch và giành được những thắng lợi liên tiếp, có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25/12/1950 - 17/01/1951), Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (20/3 - 07/4/1951), Chiến dịch Quang Trung (28/5 - 20/6/1951), Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/02/1952), đã khẳng định thế tiến công chiến lược của quân và dân ta tiếp tục giành và giữ vững quyền chủ động trên chiến trường, đẩy địch vào thế phòng ngự, đối phó.
Tháng 9/1952, Trung ương Đảng chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và quyết định mở chiến dịch tiến công Tây Bắc. Mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, mở rộng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế (Lào Cai - Vân Nam) và tạo những điều kiện mới cho cách mạng Lào.
Tây Bắc là một vùng chiến lược quan trọng. Từ đây, địch có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào. Lực lượng địch chiếm đóng ở Tây Bắc có 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo bố trí phân tán trên 144 cứ điểm, gồm phần lớn là quân ngụy. Lực lượng Âu - Phi có 3 tiểu đoàn chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động; ngoài ra có tiểu đoàn dù ở Hà Nội khi cần, dùng đường không cơ động đến tăng viện.
Vùng Tây Bắc thời kỳ này gồm 5 tỉnh là Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Nghĩa Lộ là vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở, đất rộng, người thưa. Phía Tây giáp với 2 tỉnh của Lào (Phong Xa Lỳ, Sầm Nưa), phía Đông giáp với căn cứ địa Việt Bắc, phía Bắc là biên giới Việt Nam - Trung Quốc (đối diện tỉnh Lào Cai là tỉnh Vân Nam), phía Nam giáp với tỉnh Hòa Bình, thông với Liên khu 3 và Liên khu 4. Sông Thao, sông Mã, sông Đà là ba con sông lớn, quanh năm nước chảy xiết và chia cắt Tây Bắc thành các khu vực. Đường vào Tây Bắc chỉ có hai trục lớn là đường số 41 từ Hòa Bình đi Mộc Châu (Sơn La) và đường số 13 từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ. Các cộng đồng tộc người vùng Tây Bắc chủ yếu là Mông, Dao, Thái, Mường và Kinh có lịch sử phát triển lâu đời, có truyền thống yêu nước, cách mạng nhưng kinh tế phân tán, văn hóa xã hội chậm phát triển.
Thực hiện chủ trương chuyển hướng tiến công chiến lược, từ tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị toàn quân và toàn dân ta xúc tiến công tác chuẩn bị chiến dịch với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc.
Ngày 06/9/1952, Bộ Tổng Tư lệnh mở hội nghị cán bộ phổ biến quyết tâm chiến dịch. Ngày 09/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, động viên và nói chuyện với Hội nghị phổ biến kế hoạch chiến dịch Tây Bắc, Người căn dặn “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ, chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi”, “gặp thuận lợi thì phải quyết tâm phát triển, gặp khó khăn thì phải quyết tâm khắc phục”. Cùng ngày, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, chỉ định đồng chí Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng chiến dịch; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ nhiệm Cung cấp.
Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm các đại đoàn 308, 312, 316 (thiếu), tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội Sơn pháo 75 ly, 3 đại đội súng cối 120 ly, 1 Trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương thuộc các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai. Dân công cần huy động phục vụ chiến dịch khoảng 35.000 người. Về nhân lực, vật lực, Trung ương giao các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc trực tiếp phục vụ hướng Nghĩa Lộ; các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam… trực tiếp phục vụ hướng Sơn La.
Trên địa bàn Liên khu 3 và Việt Bắc, Bộ Tổng Tư lệnh có kế hoạch nghi binh lớn, Trung đoàn 238 ở Bắc Ninh, Bắc Giang mang tên mới là Đại đoàn 316, Trung đoàn 246 ở Vĩnh Yên, Phúc Yên lấy bí danh Đại đoàn 308, Trung đoàn 91 ở Sơn Tây, Phú Thọ được gọi là Đại đoàn 312… Các đơn vị trên đều có phương án hoạt động, liên lạc công khai với Bộ Tổng Tư lệnh bằng điện đài làm cho địch rất khó phán đoán hướng tiến công.
Diễn biến chiến dịch (diễn ra ba đợt, từ ngày 14/10 đến 10/12/1952)
Đợt 1 (từ ngày 14-23/10), tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch
Ngày 14/10/1952, chiến dịch mở màn. Để tạo thế cho Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) tiến công trước vị trí Ca Vịnh; Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) đánh trước vị trí Sài Lương, bố trí lực lượng đánh viện binh trên đường Gia Hội. Do bị đánh bất ngờ, địch nhanh chóng rút về Ca Vịnh, Sài Lương, Làng Nhì và điều động Tiểu đoàn 3 lê dương từ đồng bằng lên Nà Sản, Tiểu đoàn dù số 6 xuống Tú Lệ để chặn đường tiếp tế của ta, giữ Sơn La và giải tỏa cho Nghĩa Lộ.
Ngày 17/10/1952, Đại đoàn 308 sử dụng 2 trung đoàn (88 và 102) đánh Nghĩa Lộ phố và Nghĩa Lộ đồi, san bằng một loạt vị trí then chốt, phá vỡ một bộ phận tuyến phòng thủ vùng ngoài của địch, tiêu diệt toàn bộ sở chỉ huy địch tại phân khu Nghĩa Lộ và tiêu diệt hoàn toàn Nghĩa Lộ phố, diệt hơn 400 tên, bắt 412 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, buộc địch phải rút Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 ở Tú Lệ về Nà Sản.
Đêm 18/10/1952, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) tiến công tiêu diệt địch ở Cửa Nhì, diệt và bắt 214 tên. Từ ngày 19/10 đến 23/10/1952, Đại đoàn 312 đã tiến hành truy kích, đánh tan quân địch rút chạy, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn dù số 6, diệt và bắt gần 200 tên, thu nhiều vũ khí.
Trên hướng thứ yếu, từ ngày 14/10 đến 23/10/1952, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiến công tiêu diệt địch ở Nha Phù, tiểu khu Phù Yên, Vạn Yên và làm chủ khu vực. Ở mũi vu hồi Đông Nam Lai Châu, Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148) từ Lào Cai tiến công mãnh liệt vào Quỳnh Nhai, làm cho địch ở Quỳnh Nhai và tả ngạn sông Thao phải rút chạy về hữu ngạn sông Đà, Tiểu đoàn 17 Ta - bo đến ứng cứu cũng bị Tiểu đoàn 910 đánh, tiêu diệt một đại đội ở Pắc Má. Bộ đội địa phương và du kích trên các địa bàn tác chiến đẩy mạnh tác chiến phối hợp với bộ đội chủ lực lùng, quét, gọi hàng số tàn binh, làm chủ các khu vực đã chiếm.
Như vậy, trong đợt một của chiến dịch, ta đã tiến công giành thắng lợi, diệt 500 tên địch, bắt sống trên 1.000 tên, trong đó có 300 lính Âu - Phi và nhiều sĩ quan, chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên; thu 1.497 súng các loại, 34 khẩu cối, 3 khẩu ĐKZ37, 2 khẩu pháo 105 ly, cùng nhiều trang bị, quân dụng; giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ đường số 13 nối Yên Bái với Nghĩa Lộ.
Đợt 2 (từ ngày 7-22/11), vượt sông Đà, tiêu diệt khu phòng thủ Mộc Châu, giải phóng tỉnh Sơn La, Điện Biên Phủ
Bị thiệt hại nặng, bộ chỉ huy quân Pháp quyết định bỏ vùng tả ngạn sông Thao, rút sang hữu ngạn sông Đà, nhanh chóng thiết lập cầu hàng không Hà Nội - Nà Sản, điều 9 tiểu đoàn cơ động từ đồng bằng và nơi khác lên Tây Bắc, nâng tổng quân số ở đây lên 16 tiểu đoàn và 32 đại đội, lập tuyến phòng thủ sông Đà, xây dựng Nà Sản thành tập đoàn cứ điểm mạnh quyết giữ vùng Tây Bắc. Đồng thời, ngày 28/10/1952 địch mở cuộc hành binh Loren đánh lên vùng hậu phương của ta ở Phú Thọ nhằm đỡ đòn cho Tây Bắc, lực lượng gồm 12 tiểu đoàn bộ binh và dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 3 tiểu đoàn công binh, 2 đại đội xe tăng, cơ giới, 2 thủy đội xung kích, cùng nhiều máy bay. Địch hành quân từ Trung Hà, Việt Trì theo đường sông và đường số 2 lên Phú Thọ và nhảy dù xuống Đoan Hùng. Ngày 13/11/1952, một mũi tiến đến Bến Hiên.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, Bộ Tổng Tư lệnh vẫn giữ quyết tâm tiến công Tây Bắc. Bộ Chỉ huy chiến dịch xác định quyết tâm tác chiến đợt 2, gồm: Hướng chủ yếu tiến công khu vực Tạ Khoa - Ba Lay - Mộc Châu phá vỡ khu phòng thủ chủ yếu của địch trên tuyến sông Đà, tạo điều kiện diệt địch ở Sơn La, Nà Sản; lực lượng gồm 6 trung đoàn thuộc đại đoàn 308, 312, 316 và Đại đoàn Công binh - Pháo binh 351. Hướng phối hợp mang bí danh mặt trận Y13, được tăng cường lực lượng đánh sâu vào phía sau đội hình chiến dịch. Nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, vừa nghi binh làm cho địch phán đoán sai hướng tiến công chủ yếu là Lai Châu.
Trên hướng phối hợp: Thực hiện kế hoạch nghi binh ngày 07/11/1952 Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148) tiến công mở đầu đánh tan tiểu đoàn ngụy ở Nậm Dín. Ngày 16/11/1952, Tiểu đoàn 910 tiến công Tiểu đoàn dù ở Nậm Dín, tiêu hao 3 đại đội. Ngày 17/11/1952, các tiểu đoàn 910, 542, 564 tổ chức vượt sông Đà tiến công vào Lai Châu. Tiểu đoàn 542 đánh địch ở Nong Bò, Cha Mong, diệt 1 đại đội thuộc Tiểu đoàn 56 ngụy, sau đó thọc sâu vào Nậm Dín, qua Thuận Châu tiến về Điện Biên Phủ, tổ chức tập kích, truy quét tàn binh đến đêm ngày 30/11 bắt 726 tên, thu 600 súng. Tiểu đoàn 564 tổ chức đánh chặn, truy kích địch, diệt và bắt gần như toàn bộ 4 đại đội ở Mường Sài và 2 đại đội ở Mường Piềng, phối hợp với Tiểu đoàn 115 truy kích địch đến tận Sơn La, buộc địch ở Sơn La phải rút về Nà Sản, ta tiếp quản Thuận Châu, thị xã Sơn La, lùng quét, bắt gần 400 tên.
Với tinh thần tiến công liên tục và cách đánh táo bạo, trên hướng phối hợp bộ đội ta đã phá vỡ hệ thống phòng ngự phía nam Lai Châu, diệt và bắt hơn 1.400 tên địch. Tính cả đợt 1 trên hướng Lai Châu, quân và dân ta diệt 12 đại đội địch, bắt sống 1.750 tên, thu nhiều vũ khí, giải phóng huyện Than Uyên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Mường La, Thuận Châu, Điện Biên Phủ, rộng trên 3.000 km2 và 10 vạn dân.
Trên hướng chủ yếu: Đêm ngày 17/11, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) được tăng cường tiến công Bản Hoa, diệt hơn 300 tên. Đêm ngày 18/11, Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) dùng 2 tiểu đoàn đánh Ba Lay diệt gần 1 tiểu đoàn địch. Cùng thời gian, Đại đoàn 308 tiến công nhiều vị trí ở Hát Tiêu, Mường Lụm, loại khỏi vòng chiến đấu 98 tên, diệt và bắt sống 149 tên, có 69 lính Âu - Phi. Đêm ngày 19/11 đến 2 giờ 15 phút ngày 20/11/1952, Đại đoàn 316 tiến công Mộc Châu, loại khỏi vòng chiến đấu 309 tên, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng hơn 1.000 dân bị địch bắt giam. Sau khi các vị trí then chốt ở tuyến phòng ngự cao nguyên Mộc Châu bị tiêu diệt, địch ở Chiềng Pan, sông Con, Tạ Say, Sa Piệt, Tạ Khoa… rút chạy, ta tiếp tục truy kích diệt và bắt sống hơn 1 tiểu đoàn địch. Bị tiến công mạnh, địch ở Chiềng Đống, Cò Nòi, Yên Châu phải rút về Nà Sản. Những trận đánh vào tuyến phòng thủ Mộc Châu của ta đã giành thắng lợi lớn.
Trên hướng Phú Thọ (hậu phương của chiến dịch): Ngày 17/11/1952, để đánh tan cuộc hành binh Loren, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) phục kích địch trên đường Chân Mộng - Năng Yên, Trạm Thản, tiêu diệt và bắt sống trên 400 tên, phá hủy 27 ô tô, 17 xe tăng, xe bọc thép.
Đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/11/1952, Trung đoàn 36 tiến công địch ở Núi Quyết (gần Cổ Tiết thuộc tỉnh Phú Thọ), diệt thêm 1 đại đội, làm thiệt hại nặng binh đoàn cơ động số 4 của địch.
Sau gần 1 tháng đánh lên Phú Thọ, cuộc hành quân của địch phản kích vào hậu phương chiến dịch của ta đã không đem lại kết quả và bị thiệt hại nặng: 1.800 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, 173 tên bị bắt, 60 xe cơ giới bị phá hủy.
Kết quả toàn chiến dịch đến hết đợt 2, ta đã diệt và bắt sống hơn 30.000 tên địch, giải phóng 17.700 km2, tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một phần tỉnh Lai Châu không còn giặc.
Đợt 3 (30/11-10/12), tiến công Tập đoàn cứ điểm Nà Sản
Sau những thiệt hại nặng, trước nguy cơ mất còn ở Tây Bắc, bộ chỉ huy quân Pháp quyết định xây dựng Nà Sản thành cứ điểm mạnh, lực lượng phòng thủ gồm 12 tiểu đoàn bộ binh 1 tiểu đoàn pháo binh, tổng binh lực lên đến 12.000 tên, coi đây là “con đê ngăn sóng”. Tiểu khu Nà Sản thuộc xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Địa hình bằng phẳng, rộng, đồi núi nhấp nhô, ra xa có nhiều các điểm cao quan trọng. Ngày 30/11/1952, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định mở đợt tiến công thứ 3 tiêu diệt địch ở Nà Sản, lực lượng gồm 12 tiểu đoàn thiếu thuộc các đại đoàn 308, 312, 316.
Đêm ngày 30/11/1952, Trung đoàn 102 và Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tiến công chiếm được Pú Hồng, nhưng sau đó địch phản kích chiếm lại; Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) tiến công làm chủ được Bản Hời (Bắc Nà Sản), diệt gần 1 đại đội địch. Đêm ngày 01/12, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tiến công Bản Vây (Nam Nà Sản), Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) tiến công Nà Si. Cuộc chiến đấu của quân ta trên các hướng diễn ra vô cùng ác liệt, địch sử dụng không quân, pháo binh bắn phá dữ dội vào trận địa của ta, dùng hỏa lực tại chỗ ngăn chặn quyết liệt, bộ đội ta bị thương vong nhiều; trong khi đó, ngày 02/12 địch lại thả dù tăng cường cho Nà Sản 2 tiểu đoàn; thời gian chiến dịch đã dài, ta chưa chuẩn bị đầy đủ để đánh chắc thắng.
Ngày 10/12/1952, sau khi xem xét tình hình, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch.
Trong đợt 3 của chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản, mặc dù đã tiêu diệt được Pú Hồng, Bản Hời, nhưng có 2 trận không thành công, sau khi xem xét kỹ thực lực giữa ta và địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nhận thấy ta không có ưu thế binh lực hơn địch, do đó quyết định đình chỉ tiến công Nà Sản, kết thúc chiến dịch kịp thời, tránh thương vong ảnh hưởng đến lâu dài. Đây thực sự là chủ trương đúng đắn, linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Sau 2 tháng mở chiến dịch, đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch; nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái, rộng 28.500 km2 với 25 vạn dân được giải phóng.
Kết quả chiến dịch Tây Bắc đã mở ra một thế chiến lược mới, rất thuận lợi cho ta. Vùng giải phóng đã nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào. 8/10 đất đai vùng Tây Bắc được giải phóng nối liền với phía Tây căn cứ địa Việt Bắc; đường giao thông quốc tế từ Trung Quốc sang Lào Cai Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu 3, Liên khu 4 vào Nam dễ dàng, thuận lợi hơn.
Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử kháng chiến giành độc lập dân tộc, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự, chính trị, kinh tế, tạo ra thế và lực mới để tiến hành cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Về quân sự, Chiến thắng Tây Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch (diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch), thu nhiều vũ khí trang bị. Đập tan thế bố trí lực lượng của địch tại vùng Tây Bắc và các cuộc hành quân, chi viện của địch, đẩy địch vào thế co cụm, phòng ngự bị động trên một số khu vực (Nà Sản).
Về chính trị, kinh tế, Chiến thắng Tây Bắc đã giải phóng được một vùng rộng lớn đất đai ở địa bàn chiến lược. Những cánh đồng rộng lớn như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy, Phù Yên lắm thóc, nhiều lâm thổ sản đã thuộc về ta, góp phần tạo thuận lợi cho việc xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, cơ sở Đảng, cơ sở chính trị và tiềm lực cho kháng chiến; mở rộng hậu phương kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953 - 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam đó là giành và giữ vững được quyền chủ động trên chiến trường. Ta hoàn toàn chủ động lựa chọn chiến trường, mục tiêu và cách đánh với những lực lượng, quy mô khác nhau. Việc mở rộng được các vùng giải phóng, đặc biệt là kết nối thủ đô kháng chiến Việt Bắc với Tây Bắc, với Thượng Lào, Trung Quốc và kết nối với chiến trường vùng đồng bằng ở Liên khu 3, Liên khu 4 đã góp phần tăng thêm tiềm lực và tương quan sức mạnh giữa ta và địch, từng bước làm suy yếu và đẩy Pháp vào thế ngày càng bất lợi.
Chiến thắng Tây Bắc đã làm phá sản các chính sách quân sự, chính trị của thực dân Pháp tại Việt Nam, đẩy Pháp vào thế bị động về chiến lược, đồng thời giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp: Đập tan âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” và từng bước làm thất bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; đẩy thực dân Pháp vào thế bị động, lúng túng về chiến lược (phân tán, mắc kẹt trong mẫu thuẫn giữa tập trung và phân tán; giữa tiến công ra vùng tự do và phòng ngự ở vùng đã kiểm soát; giữa bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ và bảo vệ Thượng Lào…).
Chiến thắng Tây Bắc đã khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khả năng tác chiến, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn ở địa hình rừng núi, xa hậu phương, làm kinh nghiệm quý để ta tổ chức các chiến dịch với quy mô lớn hơn.
Chiến thắng Tây Bắc 1952 là nguồn động viên to lớn đối với quân và dân ta, qua đó góp phần củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, đường lối kháng chiến của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.
Chiến thắng Tây Bắc một mặt góp phần giải phóng phần lớn đất đai, dân số trên địa bàn chiến lược, mặt khác tạo điều kiện cho cách mạng Lào, đặc biệt là vùng Thượng Lào phát triển, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương Việt Nam - Lào - Campuchia từng bước phát triển tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Gửi phản hồi
In bài viết