Đồng lòng vì việc chung
Xã Chiêu Yên có 14 thôn, 8 dân tộc với 1.124 hộ, 4.482 khẩu. Người dân trong xã chủ yếu làm nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi (chiếm 95%), còn lại là kinh doanh dịch vụ và buôn bán lẻ.
Đồng chí Trần Thị Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Chiêu Yên cho biết: Thời gian qua, MTTQ xã đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân hiến được 2.360 m2 đất làm đường. Từ năm 2021 đến nay, đã làm được 17.482 m đường trục thôn và đường nội đồng, vận động nhân dân được gần 600 ngày công lao động, nạo vét được 6.760 m mương nội đồng; tu sửa, phát quang các tuyến đường giao thông.
Thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát giai đoạn 2021 - 2025, xã đã thực hiện hỗ trợ xóa được 20 nhà tạm, dột nát, trong đó làm mới 14 nhà, sửa chữa 6 nhà. Ngoài ra, còn tuyên truyền những hộ nghèo ngoài đề án, có nhà tạm, dột nát làm mới 12 nhà. Một trong những điều rất đáng phấn khởi nữa là cuối tháng 5/2023, xã Chiêu Yên sẽ hoàn thành 05 cây cầu trên đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.
Cán bộ và nhân dân thôn Vằng Lè giúp đổ móng nhà cho gia đình anh Lục Văn Ban là hộ nghèo làm mới nhà ở.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lương Văn Hanh và chị Lê Thị Tuyết, thôn Cây Chanh, xã Chiêu Yên khi ngôi nhà của anh chị đã gần hoàn tất. Anh Hanh bị nặng tai, không thể chuyện trò cùng khách, chị Tuyết vợ anh cho biết: gia đình anh chị trước đây sống trong ngôi nhà tạm chừng hơn 30 mét vuông, rất nóng nực, chật chội. Mùa mưa, gió bão từng lột bay hết mái prô xi măng 3, 4 lần rồi… Được nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng sự giúp sức, hỗ trợ của hai bên gia đình nội, ngoại, nay ước mơ của gia đình anh chị đang dần thành hình… niềm vui lan tỏa theo từng ánh mắt, tiếng cười khi ngôi nhà 100 mét vuông của anh chị không còn là ước mơ nữa mà đã trở thành hiện thực.
Cũng là hộ gia đình khó khăn, nhưng gia đình anh La Văn Bình, thôn Vằng Lè lại không thuộc Đề án 308 về xóa nhà tạm, dột nát, nhưng nhờ các nguồn vận động xã hội hóa, gia đình anh đã được hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà. Anh Bình bảo: nhà mình là nhà của các cụ ngày xưa để lại từ năm 1979, lợp lá cọ, dột nát. Được MTTQ vận động, anh em, bà con khích lệ, mình quyết định bán lợn nái và trâu đi, dồn toàn lực, quyết tâm làm nhà. Ngôi nhà rộng trên 160 mét vuông, có trị giá gần 200 triệu đồng.
Ngoài nỗ lực xóa nhà tạm, dột nát, vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ gia đình trong xã đã tích cực hiến đất, ngày công, chung sức cùng chính quyền địa phương xây dựng các hạng mục công trình phát triển kinh tế - xã hội. Anh Bàn Văn Mạnh, thôn Tân Lập cho biết: vừa qua, thực hiện dự án xây cầu Đồng Tráng 1 và Đồng Tráng 2, kết nối giữa thôn Tân Lập với thôn Đán Khao, do hai bên đầu cầu không đủ diện tích đất để thi công, nên gia đình anh và một số hộ đã quyết định hiến đất để nhà nước xây cầu, cụ thể gia đình anh đã hiến gần 150 m2 đất để xây cầu. Anh bảo, trước không có cầu, mỗi lần mưa lũ, bà con hai bên suối không thể qua lại được, rất khổ. Khi nhà nước có chủ trương xây cầu cho thôn thì mọi người trong gia đình anh đều đồng lòng hiến đất để làm cầu. Năm 2022, cây cầu hoàn thành, bà con đi lại bớt vất vả, nông sản giao thương vận chuyển thông suốt, vừa thuận tiện cho bà con trong thôn, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nỗ lực phát triển kinh tế
Mô hình trang trại cây ăn quả của vợ chồng anh Đinh Văn Điện, chị Đào Thị Lệ Tuyết, thôn Quang Sơn là một trong những mô hình tiêu biểu của xã Chiêu Yên cả về diện tích trồng cam sạch hữu cơ, chất lượng 3 sao đến hiệu quả đầu ra trong tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Điện chia sẻ: mình là dân làm máy xây dựng từ năm 2012 đến 2016. Năm 2017, do gặp nhiều khó khăn, mình đã quyết định chuyển hướng sang mua đất làm trang trại cây ăn quả.
Ban đầu cũng chỉ trồng 1 - 2 ha cam thôi, nhưng thấy cây cam hợp thổ nhưỡng, khí hậu, mình mua thêm đất của bà con vùng lân cận, hiện gia đình mình có trên 8 ha, trồng chủ yếu cam sành (5 ha); cam V2, cam Vinh, cam canh (3 ha). Ngoài ra, vợ chồng anh cũng trồng được trên 150 gốc chanh tứ thì; bưởi da xanh… tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Đầu ra của cam hữu cơ rất khả quan, thương lái đến cắt, thu mua tận vườn, mỗi năm trừ chi phí mang lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
Vợ chồng anh Đinh Văn Điện, thôn Quang Sơn chăm sóc vườn cam hữu cơ.
Ở xã Chiêu Yên nổi tiếng có hộ gia đình anh Trần Giang Nam, thôn Tân Tiến, với nghề nuôi ong truyền thống suốt 35 năm qua. Anh Nam bảo, khi mới gây dựng, nhà anh chỉ mới có khoảng 40 - 50 đàn ong. Hiện tại, gia đình anh đã có trong tay 112 đàn ong. Để mở rộng, phát triển đàn ong, rất thuận lợi là bà con xung quanh vùng trồng ngô, rồi hoa nhãn, vải; hoa rừng trên núi đá rất sẵn… là nguồn tạo phấn tự nhiên dồi dào để ong lấy nhụy, tạo mật, tạo việc làm cho 2 lao động. Những ngày lấy mật, anh trả công cho mỗi lao động 300.000 đồng/người/ngày. Mỗi năm gia đình anh thu được từ 500 đến 700 lít mật, mang lại thu nhập khoảng 140 triệu đồng/1 năm, nhưng chưa năm nào gia đình anh đủ cung cấp cho nhu cầu của bà con trong vùng…
Đồng chí Mông Thanh Vấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên cho biết: Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã là người dân làm chủ thể, là người thụ hưởng thành quả nông thôn mới. Chính vì vậy, xã tập trung tuyên truyền để dân hiểu, dân tin, để người dân thấy được quyền lợi, trách nhiệm của mình, đặc biệt là những tiêu chí có tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân, từ đó tích cực chung tay cùng với chính quyền hoàn thành mục tiêu chung.
Gửi phản hồi
In bài viết