“Blouse trắng - trái tim hồng” nhân lên niềm hạnh phúc

- “Giọt máu - cứu người” từ lâu đã trở thành thông điệp của hoạt động hiến máu nhân đạo với sự chung sức của cả cộng đồng. Là những người hiểu rõ nhất ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, lực lượng cán bộ, nhân viên ngành Y tế không chỉ thường xuyên tham gia hiến máu để lan tỏa phong trào giàu tính nhân văn này, mà còn sẵn sàng cho bệnh nhân máu trong những tình huống nguy cấp.

Tuy thường xuyên nhận được những đơn vị máu từ các đợt hiến máu tình nguyện, nhưng lượng máu dự trữ trong tỉnh vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, cấp cứu cho người bệnh. Do đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã phát động trong cán bộ, nhân viên y tế tham gia hiến máu tình nguyện để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Với trách nhiệm và tình cảm của người thầy thuốc, khi có tình huống nguy cấp, nhiều cán bộ, y bác sỹ không ngần ngại san sẻ những giọt máu đào của mình cứu chữa người bệnh. Điển hình là trường hợp của bác sỹ Đặng Quang Tuấn, Khoa Tai - Mũi  - Họng, Bí thư Chi đoàn Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhiều lần hiến máu trong trường hợp nguy cấp. Trong đó, trường hợp anh nhớ nhất là cách đây hơn 6 năm. Khi nhận được thông tin một bệnh nhân nhi đang cấp cứu tại bệnh viện thiếu thành phần nhóm máu B cần truyền máu, tình huống nguy cấp nên anh Tuấn đã nhanh chóng hiến 250 ml máu, giúp cháu bé được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch.

Cán bộ ngành Y tế tham gia Ngày hội hiến máu tình nguyện.

Trò chuyện với bác sỹ Tuấn, điều chúng tôi cảm nhận ở anh là sự ấm áp và trái tim biết sẻ chia, yêu thương. Là một trong những người tích cực hiến máu, đến nay, anh Tuấn không nhớ nổi mình đã hiến máu bao nhiêu lần. Anh chỉ nhớ lần đầu tiên anh hiến máu là năm 2014, khi đó anh đang là sinh viên trường Đại học Y dược Thái Nguyên, bản thân đã cùng các bạn sinh viên của trường tham gia hiến máu tình nguyện. Từ đó đến nay, hầu như năm nào anh cũng tham gia hiến máu cứu người.

Chị Ma Thị Thúy, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội Tổng hợp - Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Na Hang nhiều lần chủ động đăng ký tham gia hiến máu. Đến nay, chị đã có 10 lần tham gia các ngày hội hiến máu của tỉnh, huyện và của ngành tổ chức. Nhất là khi giai đoạn dịch Covid-19 bủa vây, trước tình hình kho máu của tỉnh cạn kiệt, chị đã 2 lần tình nguyện xuống Khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để hiến máu - chị Thúy chia sẻ.

Hiện nay, máu không được truyền toàn phần mà cần tách riêng huyết tương nên nguồn máu cần được tích trữ. Do đó, ở bất kỳ thời điểm nào, những cán bộ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng không ngần ngại cho đi những giọt máu của mình.

Trò chuyện với các cán bộ y tế, chúng tôi càng hiểu rõ hơn những tình cảm mà các “thiên thần” áo trắng dành cho người bệnh. Mỗi người khi tham gia hiến máu đều mang trong mình những tình cảm, sự sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng. Giờ đây, “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” không còn là thông điệp mà đã trở thành khẩu hiệu của cán bộ ngành Y tế.

Dược sỹ Nguyễn Thế Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: năm nào các hoạt động hiến máu của tỉnh, của huyện và của ngành tổ chức cũng nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành Y tế tham gia. Trong đó, nhiều người tham gia hiến máu 2 - 3 lần/năm. Gần đây nhất, ngày 15-5, khi Sở Y tế tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện “Blouse trắng - trái tim hồng” đã thu hút gần 400 cán bộ của ngành tham gia.

“Máu có thể chờ người bệnh, người bệnh không thể chờ máu”, những giọt máu nghĩa tình của cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong nhiều năm qua đã và đang góp phần chia sẻ với những khó khăn, hiểm nguy của người bệnh. Phong trào hiến máu tình nguyện trong ngành Y tế đã trở thành truyền thống tốt đẹp và sẽ tiếp tục lan tỏa sâu hơn, rộng hơn trong cộng đồng. Nghĩa cử cao đẹp này của mỗi cán bộ, nhân viên y tế đã mang đến cho những người đang ở “lằn ranh” của sự sống và cái chết được hồi sinh trở lại.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục