Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, theo tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật các thành quả”.
Theo chương trình, phiên họp sẽ tập trung thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm, dự báo thực hiện sáu tháng và các giải pháp trong những tháng cuối năm; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước những tháng đầu năm và các giải pháp trong những tháng cuối năm; và một số nội dung khác.
Chính phủ sẽ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm, trong đó có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, địa phương. Mục tiêu là nhằm nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh hơn một tháng qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã kiên cường, kiên trì, quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ. Mục tiêu là nhằm kiềm chế, kiểm soát, đẩy lùi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đã bảo vệ và tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, về tổng thể chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh; tuy nhiên, tại một số địa phương dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương nhưng nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 1,6% so tháng trước và tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Tính chung năm tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 1,6% so tháng trước và tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 6,4% và giảm 9,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,6% và tăng 14,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% và tăng 12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,1% và tăng 6,8%.
Tính chung năm tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%), làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 11,9% so cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Trong tháng 5, cả nước có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người, giảm 22% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 23,7% về số lao động so tháng 4.
So cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%; số lao động đăng ký giảm 21,1%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 13 tỷ đồng, tăng 7,3% so tháng trước và tăng 23,6% so cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, cả nước có 4.892 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 14,8% so tháng trước và giảm 3,2% so cùng kỳ năm trước; 3.400 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 26,1% và tăng 1,7%; 4.234 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 24,5% và tăng 37,3%; 1.279 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 17% và tăng 33%.
Tính chung năm tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động, tăng 15,4% về số doanh nghiệp, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9% so cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 975,1 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 19,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm tháng đầu năm 2021 là 1.753,4 nghìn tỷ đồng, tăng 27,5% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có gần 22,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm tháng đầu năm 2021 lên 78,3 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Gửi phản hồi
In bài viết