Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 10/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Sáng 10/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật hiện hành; bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tháo gỡ vướng mắc liên quan chính sách hỗ trợ về đất đai
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nhấn mạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác là nội dung hết sức quan trọng, tuy nhiên thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 cho thấy phần lớn các chính sách rất khó tiếp cận, thậm chí có hợp tác xã không thể tiếp cận.
Dự thảo Luật quy định 39 nhóm chính sách hỗ trợ, tăng hơn gấp đôi so với Luật hiện hành. Theo đại biểu, việc quy định như vậy là rất dàn trải, nhiều chính sách chưa hẳn đã tốt, có khi còn tạo sức ì cho hợp tác xã.
Đại biểu Hải đề nghị cần rà soát, tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong hệ thống chính sách của Luật năm 2012 để bảo đảm khả năng tiếp cận cho các tổ chức kinh tế hợp tác. Trong đó, quan tâm một số chính sách về phát triển nguồn nhân lực, chính sách đất đai, chính sách tín dụng, chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, và chính sách thuế, phí.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu trong phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu cũng đề xuất quy định chính sách hỗ trợ theo hai nhóm: hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã phi nông nghiệp, vì tính chất hoạt động của 2 loại hình hợp tác xã này hoàn toàn khác nhau, nên cần có chính sách hỗ trợ tương ứng với từng loại hình.
Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác.
Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn; bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả.
Ngoài ra, đại biểu Quân cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững.
Tạo căn cứ pháp lý cho việc thành lập và phát triển Liên đoàn hợp tác xã
Mục 3 Chương II dự thảo Luật quy định các nội dung liên quan đến thành lập Liên đoàn hợp tác xã, gồm: Thành viên Liên đoàn hợp tác xã; Quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn hợp tác xã.
Góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) nhấn mạnh sự cần thiết phải có một điều luật cơ bản trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này để thể chế hóa, làm căn cứ pháp lý cho việc thành lập và phát triển các Liên đoàn hợp tác xã, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Theo đại biểu, Liên đoàn hợp tác xã là mô hình phổ biến, phát triển mạnh tại nhiều nước trên thế giới, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên, vừa hoạt động như một tổ chức đại diện của một ngành, lĩnh vực trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng.
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) tham gia ý kiến về nội dung Liên đoàn hợp tác xã. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu cho rằng, việc tổ chức mô hình Liên đoàn ở các vùng, các cấp thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi Liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các Liên đoàn này cũng như các hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác không giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều các tổ chức hợp tác có quy mô lớn, tuy nhiên các tổ chức này hoạt động trên phạm vi cả nước và đang gặp rất nhiều hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành như về biểu quyết, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, quỹ sử dụng không không chia và tài sản không chia.
Cũng theo đại biểu Tráng A Dương, việc thành lập mô hình Liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, tạo hành lang pháp lý rõ ràng định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để bảo đảm chính sách Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) và đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng chưa nên đưa vào Luật quy định về Liên đoàn hợp tác xã, vì đây là nội dung mới, cần tổ chức thí điểm trên thực tiễn để tiến hành đánh giá, tổng kết.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào nhiều điều khoản cụ thể khác trong dự thảo Luật như về phạm vi, đối tượng áp dụng; tên gọi của dự án Luật; quy định về tổ hợp tác; trích lập các quỹ; chế độ kế toán và kiểm toán; quy định về quản lý nhà nước…
Gửi phản hồi
In bài viết