Bao nhiêu năm ở trong ngôi nhà tạm dột nát, gia đình bà Bàn Thị Bình, dân tộc Dao thôn Đèo Mủng, xã Xuân Vân (Yên Sơn) mong mỏi từng ngày có một ngôi nhà khang trang, kiên cố. Vừa là đối tượng thụ hưởng theo Dự án 1, năm 2022, gia đình bà còn được tạo điều kiện vay thêm 150 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để làm nhà ở mới. Bên cạnh đó, bà còn vay thêm anh em họ hàng trên 100 triệu đồng để hoàn thiện nhà ở. Trong ngôi nhà xây mới, lát đá hoa sạch sẽ, anh Nguyễn Văn Tài, con trai bà Bình bày tỏ: Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước lắm lắm. Giờ tôi có đi làm xa nhà cũng không còn lo lắng cho mẹ phải sống trong ngôi nhà cũ nữa. Đó cũng là nguồn động lực để anh em tôi vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sau gần 1 năm xây nhà, dọn về nhà mới, đến nay, nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng chưa được giải ngân khiến cho gia đình gặp nhiều khó khăn.
Nhiều hộ DTTS của xã Xuân Vân (Yên Sơn) được hưởng hỗ trợ của Tiểu dự án 1, Dự án 1 năm 2023 chủ động làm nhà ở mới.
Vừa xong phần thô, đổ mặt bằng tầng 1 của nhà sàn bê tông thì anh Nông Văn Cầu, tổ dân phố 11, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) “cạn” nguồn lực. Từ tháng 2-2023 đến nay, ngôi nhà dang dở nằm im lìm. Dự định lợp tôn mái nhà chừng 40 - 50 triệu đồng không thể thực hiện được vì gia đình anh không thể xoay sở. Cả gia đình dọn về ở tạm dưới gầm nhà sàn mới. 4 tháng qua, anh mong ngóng nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng được giải ngân để lợp mái nhà, để cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình bớt chật chội, ẩm thấp. Đồng chí Khổng Đức Minh, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết, đường vào nơi ở của gia đình anh Cầu khó khăn nên giá thành vật liệu xây dựng cao hơn, công thợ cao hơn, kinh phí phát sinh nhiều nên nguồn lực nhanh hết. Thời gian qua, chi bộ đã thường xuyên đề xuất với cấp trên xem xét, tìm cách tháo gỡ giúp gia đình anh Cầu.
Ngôi nhà mới của gia đình bà Bàn Thị Bình, anh Nông Văn Cầu là 2 trong 597 ngôi nhà được hỗ trợ theo Tiểu dự án 1, Dự án 1 của năm 2022. Hiện nay, 100% nguồn vốn chưa được giải ngân. Nguyên nhân của tình trạng này do nguồn hỗ trợ là vốn đầu tư công, để đảm bảo điều kiện giải ngân, công trình nhà ở hộ DTTS phải đảm bảo đúng các trình tự của hoạt động đầu tư công với nhiều giai đoạn, hàng chục khâu thực hiện. Trong đó, phải lựa chọn nhà đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt bản vẽ thi công công trình; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra… Trình tự phức tạp của hoạt động đầu tư công áp dụng với công trình nhà ở của hộ dân rất nhiều bất cập, không thể thực hiện được.
Ngôi nhà của gia đình bà Bàn Thị Bình, thôn Đèo Mủng, xã Xuân Vân (Yên Sơn) đã đưa vào sử dụng và mong ngóng nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng chưa được giải ngân.
“Năm 2023, xã sẽ về đích nông thôn mới. Toàn xã sẽ phải xóa 28 nhà ở tạm. Riêng nhà ở theo Tiểu dự án 1, Dự án 1 là 19 nhà. Chỉ còn 6 tháng nữa để đảm bảo tiến độ và tiêu chí nhà ở trong xây dựng nông thôn mới, UBND xã không thể chần chừ, chờ cơ chế, hướng dẫn của cấp Trung ương. Hiện nay, xã tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, vận động hộ đồng bào DTTS chủ động, khắc phục khó khăn để làm nhà ở. Đồng thời rà soát, tạo mọi điều kiện để hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm đảm bảo đúng đối tượng theo quy định. Sau này, những phần việc liên quan đến giải ngân theo Tiểu dự án 1, Dự án 1 đối với các hộ được thụ hưởng, UBND xã sẽ tiếp tục giải quyết, khó ở đâu, gỡ ở đó” - Đồng chí Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân (Yên Sơn) cho biết.
Năm 2023, toàn tỉnh có 679 hộ được hỗ trợ làm nhà theo Tiểu dự án 1, Dự án 1. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, trong năm 2022, nhiều hộ nghèo trong cùng một thôn được hỗ trợ làm nhà ở với nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án khác nhau. Song các nguồn vốn khác đã được giải ngân, riêng nguồn hỗ trợ theo Tiểu dự án 1, Dự án 1 chưa thực hiện được.
Nhà ở của gia đình anh Nông Văn Cầu, tổ dân phố 11, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) xây dựng dở dang do thiếu nguồn lực.
Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc từ các đối tượng được hưởng thụ chính sách, các cấp, ngành, địa phương đã đề xuất lên cấp tỉnh, cấp Trung ương, mong muốn có một cơ chế đặc thù để gỡ nút thắt. Trong khi chờ các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể hơn để có căn cứ, cơ sở triển khai, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai, lồng ghép thêm các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm hỗ trợ cho hộ đồng bào DTTS. Điển hình, toàn tỉnh đã tích cực triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh giải ngân trên 40 tỷ đồng. Trong đó, trên 22 tỷ đồng đã được giải ngân cho các hộ vay làm nhà ở mới.
Gửi phản hồi
In bài viết