Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

Chiều tối 19/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Quang cảnh Hội nghị.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh và Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp lớn... cùng với sự tham dự trực tuyến của 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là Hội nghị đầu tiên Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo về công tác ngoại giao kinh tế, được triển khai ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030.

Hội nghị tập trung trao đổi, đánh giá thời cơ và thách thức trong tình hình hiện nay, đặc biệt là những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, khai thác, nhất là xuất khẩu, đầu tư, du lịch nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; từ đó đề xuất các biện pháp để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế cả trong và ngoài nước nhằm vượt qua khó khăn trước mắt và tạo đột phá để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 9 tháng trước, ngày 14/12/2021, chúng ta đã gặp nhau khi Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra; cùng trao đổi về phương hướng Ngoại giao phục vụ phát triển. Trong 9 tháng qua, tình hình thế giới đã diễn biến rất nhanh, phức tạp hơn chúng ta dự báo. Tình hình kinh tế, chính trị, ngoại giao trên thế giới có nhiều thay đổi. Cạnh tranh chiến lược ngày càng diễn biến phức tạp hơn; đa số các nước tăng trưởng thấp, lạm phát cao, xuất hiện dấu hiệu suy thoái và khủng hoảng, dẫn đến thay đổi các mối quan hệ.

Trong khi đó, chúng ta đã vượt qua khó khăn dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có đóng góp quan trọng của Bộ Ngoại giao, của các Đại sứ, Trưởng đại diện Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng nước ta tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch tiếp tục phục hồi, phát triển. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng cao. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, thu nhập được tăng lên; an sinh xã hội được quan tâm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, thực chất và hiệu quả. Các quan điểm của Việt Nam phù hợp tình hình thế giới, thể hiện được chính kiến trước khó khăn, thách thức trên thế giới, được bạn bè quốc tế chia sẻ, đồng tình; uy tín của đất nước ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay, chúng ta không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; luôn xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, từ đó chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, chuẩn bị đối phó với những tác động bên ngoài. Chúng ta quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”; nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự lực tự cường phải gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn. Tiếp tục đa dạng hóa quan hệ, tiếp tục là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, đẩy mạnh hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực và thế giới.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”. Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”. Trên thực tế, chúng ta đã chứng minh được điều đó trong công cuộc phòng, chống dịch vừa qua, nhất là thể hiện qua Chiến lược vaccine, đặc biệt là công tác ngoại giao vaccine.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị đánh giá kỹ tình hình, nhận định thời cơ, thách thức, đề xuất kịp thời phản ứng chính sách hiệu quả phù hợp tình hình đất nước, khu vực. Theo đó, cần phải luôn luôn bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, đề xuất các biện pháp để thực hiện ngoại giao kinh tế phù hợp. Đề xuất các biện pháp đẩy mạnh kịp thời các hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước, ở các cấp, các ngành với tinh thần nghĩ lớn để có các giải pháp đột phá giúp ngoại giao kinh tế góp phần hiệu quả bảo đảm ổn định và mở rộng thị trường...

Thủ tướng cũng mong các đại biểu nêu những tâm tư, nguyện vọng; đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, biện pháp, nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.

Các đại biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, thiết thực nhằm kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế, đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước. Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đóng góp ý kiến, kiến nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa thị trường địa bàn sở tại với cộng đồng doanh nghiệp trong nước; tìm kiếm, mở rộng thị trường, cung cấp thông tin, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp thiết thực, kịp thời về tình hình địa bàn; góp phần giới thiệu các doanh nghiệp lớn của các nước đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có sức lan tỏa lớn; tranh thủ các nguồn vốn tài trợ xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số…; tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước để đa dạng hóa nguồn cung; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, công nghệ mới; hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài; có tiếng nói tích cực tác động chính quyền sở tại tháo gỡ khó khăn trong quá trình hợp tác.

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; nêu rõ, tình hình sắp tới khó dự báo, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, từ đó chúng ta phải chuẩn bị đối phó tình hình với tinh thần càng khó khăn, thách thức, càng phải tìm giải pháp khắc phục, tìm lối ra với tư duy tìm kiếm ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự xáo động; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế. Chúng ta có 3 động lực tăng trưởng là tăng tiêu dùng, thúc đẩy đầu tư, trong đó có cả đầu tư nước ngoài, đầu tư của Nhà nước và tư nhân; thúc đẩy xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu ngành ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng: Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng; con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách.

Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN; nền dân chủ XHCN với quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế; chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân; quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới. Đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn; trong đó tập trung:

Thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, giải trí… Tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; tiếp tục vận động một cách sáng tạo các nước đối tác ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng của ngành ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục