Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững

Sáng 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp sáng 20/9.

Trình bày tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác…

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật Hợp tác xã năm 2012 gồm 9 Chương, 64 Điều), bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với một số nội dung chính như: hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Cụ thể, dự thảo Luật mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác, gồm các cá nhân từ 15 tuổi trở lên; tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về quỹ chung không chia, yêu cầu trích lập vào quỹ chung không chia hằng năm tối thiểu 5% lợi nhuận từ các hoạt động giao dịch bên ngoài; tăng tỷ lệ vốn góp tối đa của thành viên hợp tác xã từ 20% lên 30% vốn điều lệ, của thành viên liên hiệp hợp tác xã từ 30% lên 40% vốn điều lệ.

Dự thảo Luật bổ sung một chương về kiểm toán, quy định đối tượng, tần suất, phạm vi kiểm toán độc lập, kiểm toán nội bộ (dự kiến Chính phủ quy định chi tiết, giao Bộ Tài chính hướng dẫn); cắt giảm một số thủ tục hành chính như: bỏ yêu cầu về Phương án sản xuất kinh doanh, cấp con dấu, cho phép sử dụng số định danh cá nhân khi đăng ký kinh doanh; bổ sung phương thức đăng ký qua dịch vụ bưu chính, mạng thông tin điện tử.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung một Chương về chính sách phát triển đối với tổ chức kinh tế hợp tác, quy định nguyên tắc hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác không thấp hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các tiêu chí lựa chọn tổ chức kinh tế hợp tác để hỗ trợ thể hiện rõ bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, như phát triển thành viên, phát triển quỹ chung không chia, tài sản chung không chia…

Đề nghị cân nhắc giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã

Trong tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật theo 2 phương án là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác và Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo đó, phương án này xác định vai trò nòng cốt của các hợp tác xã với các loại hình hợp tác xã, một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình hợp tác xã, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa Luật này và các luật liên quan, từ đó làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung đặc thù đối với hợp tác xã quy định ngay tại dự thảo Luật này hay dẫn chiếu hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy các nội dung quy định về Tổ hợp tác còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định; đề nghị bổ sung, làm rõ điều kiện để chuyển đổi Tổ hợp tác thành hợp tác xã như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác; việc đăng ký của Tổ hợp tác để làm cơ sở cho công tác thống kê và quản lý nhà nước đối với Tổ hợp tác.

Liên quan vấn đề Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh cần làm rõ nguồn hình thành, cơ chế vận hành và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã ở Trung ương và ở cấp tỉnh, nhằm bảo đảm phát huy tính tích cực của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã trong việc hỗ trợ cho các hợp tác xã tiếp cận vốn, nhất là việc tiếp cận vốn để đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả, công khai, minh bạch của Quỹ này theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Ngoài ra, cần làm rõ vai trò và chức năng của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã để tránh chồng chéo, trùng lặp với vai trò và chức năng của Ngân hàng hợp tác xã và Quỹ tín dụng nhân dân.

Dự thảo Luật mở rộng quy định thành viên hợp tác xã, Tổ hợp tác là cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi. Việc hạ độ tuổi nhằm góp phần tăng cường sự tham gia làm thành viên hợp tác xã, Tổ hợp tác.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm sự phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật; rà soát quy định về điều kiện trở thành thành viên chính thức của hợp tác xã, thành viên Tổ hợp tác phù hợp với quy định trong Bộ luật Lao động và các luật khác có liên quan và các cam kết quốc tế đối với cá nhân là người nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục