Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển Thừa Thiên Huế.
Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Điểm nhấn cảnh quan cho khu vực cửa biển Thuận An
Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 3 đoạn tuyến và 1 cầu qua cửa biển với tổng chiều dài khoảng 21,8km, tổng mức đầu tư hoàn thiện 3.496 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Trong giai đoạn 1, dự án xây dựng đoạn tuyến số 1 dài gần 8km, trong đó có cầu Thuận An dài 2,36km với số vốn 2.400 tỷ đồng, khởi công ngày 26/3/2022 và dự kiến hoàn thành ngày 26/3/2025.
Là cây cầu vượt cửa biển dài nhất miền trung, cầu Thuận An được xây dựng bảo đảm khổ thông thuyền theo quy hoạch luồng tàu ra vào cảng Thuận An và phạm vi an toàn luồng hàng hải, với nhịp chính dài 218m và cao 40m. Đây là nhịp cầu Extradosed (cầu dầm-cáp hỗn hợp) dài và cao nhất nước ta hiện nay. Tháp cầu có chiều cao 32m được thiết kế dạng chữ A phía trên tạo mỹ quan cho công trình. Chiều cao từ mặt nước lên đến đỉnh tháp là 72m.
Công trình này sau khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn cảnh quan cho khu vực cửa biển Thuận An nói riêng và tuyến đường ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Cảnh quan đẹp và lưu thông thuận lợi sẽ tạo điều kiện thúc đẩy hình thành các đô thị ven biển, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, du lịch, dịch vụ của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân tại các xã ven biển nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.
Công trình có ý nghĩa quan trọng góp phần thay đổi diện mạo đô thị, từng bước thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân trên công trường cầu qua cửa biển Thuận An.
Thăm, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân trên công trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và an toàn cho người dân, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Tiếp tục đầu tư hạ tầng các khu tái định cư đồng bộ
Chiều cùng ngày, Thủ tướng đến thăm khu tái định cư Hương Sơ thuộc dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế. Dự án được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2019 đến 2022 với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng 2.005 tỷ đồng, bố trí tái định cư 5.080 hộ. Tuy nhiên, đến nay việc di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế đang chậm do nhiều người dân chưa đồng thuận.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi, động viên các hộ dân tại Khu tái định cư Hương Sơ (TP Huế).
Nói chuyện với người dân trong Khu tái định cư Hương Sơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương người dân đã thực hiện tốt việc di dời, phục vụ giữ gìn và phát huy Di sản thế giới cố đô Huế; đồng thời đề nghị chính quyền cùng bà con trong khu vực tiếp tục vận động những hộ dân còn chưa di dời ủng hộ chủ trương của Nhà nước, di dời, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư có hạ tầng đồng bộ, gồm điện, đường, cấp thoát nước, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa… để đón người dân tái định cư đến ở. Cùng với đó, tạo sinh kế để bảo đảm người dân có cuộc sống và nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ; tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị chính đáng của người dân trên tinh thần lợi ích hài hòa.
Nghiên cứu xây dựng mới Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế
Cũng trong chiều 25/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác cũng đến thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tại Điện Long An thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế.
Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế là nơi trưng bày những bộ sưu tập có giá trị cao, phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi chính trị và tư tưởng của tầng lớp quý tộc, vua quan nhà Nguyễn ngày trước. Bảo tàng còn sở hữu khu cổ vật Chăm độc đáo với mục đích giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc Champa từ nhiều thế kỷ trước. Bảo tàng hiện có tổng cộng hơn 10.000 cổ vật hết sức giá trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đơn vị khi thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tại điện Long An trong quần thể di tích Cố đô Huế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, hiện nay Bảo tàng đang tận dụng không gian di tích của điện Long An, cũng là một di sản quý giá, để trưng bày, chứ chưa có không gian riêng phù hợp. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích. Việc xây dựng bảo tàng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, việc trưng bày, giới thiệu phải khoa học, hiện đại, nhưng kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hoà, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế.
Tặng quà, biểu dương cán bộ, nhân viên bảo tàng, Thủ tướng đề nghị bằng tình cảm, trách nhiệm, cán bộ, nhân viên bảo tàng tiếp tục giữ gìn hiện vật, trau dồi kiến thức để giới thiệu các giá trị của hiện vật gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hoá Việt Nam; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sưu tập, bổ sung, phục dựng các di sản, không chỉ các hiện vật mà cả các nét văn hoá tinh thần, sinh hoạt văn hóa, lao động, sản xuất độc đáo của người xưa; lưu truyền cho thế hệ sau.
Thủ tướng nhấn mạnh: Cần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy cao nhất giá trị to lớn và lâu dài của các di sản văn hóa trên mảnh đất cố đô, biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực phục vụ phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết