Phát huy vai trò người dân trong xây dựng chính quyền

- Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” gắn với bài học được đúc kết “chính quyền làm - dân ủng hộ” của các cấp chính quyền huyện Yên Sơn đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Giải trình việc nổi cộm

Nhằm củng cố, xây dựng chính quyền vững mạnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 -2026, HĐND huyện đã chủ động, đổi mới hoạt động. Trong đó, Thường trực HĐND huyện xác định tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động giải trình việc nổi cộm là một trong những đổi mới và là đột phá trong nhiệm kỳ. Qua đó, nâng cao hiệu quả của Thường trực HĐND huyện.

Tháng 9 vừa qua, Thường trực HĐND huyện vừa tổ chức giải trình về công tác quản lý và sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn. Đây là nội dung mà rất nhiều cử tri, đại biểu quan tâm, bức xúc nhiều nhất qua các lần tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, còn nhiều “nút thắt” về công tác quản lý, sử dụng điện lưới chưa thể tháo gỡ trong nhiều năm qua.

Phiên giải trình được Thường trực HĐND huyện tổ chức theo đúng quy định của pháp luật. Công tác chuẩn bị cho phiên giải trình được các Ban HĐND huyện, Văn phòng huyện tham mưu thực hiện chu đáo. UBND huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn đã có báo cáo giải trình và tham gia giải trình trực tiếp tại phiên họp; thể hiện sự nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Người dân giám sát thi công tuyến đường ĐH tại xã Tân Tiến (Yên Sơn).

Tại phiên họp lại có 17 đại biểu nêu ý kiến yêu cầu giải trình đề xuất một số giải pháp thực hiện. Bên cạnh mặt đã làm được trong thời gian qua, công tác kiểm tra và xử lý các sự cố về điện tại một số xã còn chậm, yếu, đường dây không an toàn, các đường dây điện bị chùng, võng xuống chưa kịp sửa chữa, các cột điện bị nghiêng, cột điện bằng tre chưa được kiểm tra thay thế kịp thời. Tình hình sử dụng công tơ tổng vẫn còn tồn tại trên một số địa bàn xã làm cho nhân dân bức xúc vì chịu giá điện cao. Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 10 thôn khu dân cư thuộc 6 xã Kiến Thiết, Tiến Bộ, Đạo Viện, Công Đa, Trung Minh, Hùng Lợi chưa có điện. Hiện tại, một số xã đang thực hiện thi công đường điện nhưng tiến độ vẫn còn chậm.

Đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, sau phiên giải trình, Thường trực HĐND huyện đã ban hành Kết luận 01, chỉ rõ những nguyên nhân của những hạn chế, thiếu sót; nhiệm vụ, việc cần làm ngay của các cơ quan, đơn vị và UBND huyện và UBND các xã, thị trấn. Tính đến nay, UBND huyện đã tiếp thu, chỉ đạo Điện lực Yên Sơn hoàn thiện 15 nội dung trong công tác quản lý, sử dụng điện lưới. Đồng thời, đề xuất, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của cấp tỉnh 
về 4 nội dung liên quan đến đầu tư  xây dựng các công trình điện, một số dự án điện còn chậm tiến độ. Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp giữa Điện lực Yên Sơn với phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn để phê duyệt, hoàn thành trong tháng 11-2021.

Nâng cao năng lực “làm chủ” của người dân

Thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Yên Sơn đã tập trung nâng cao năng lực làm chủ của người dân thông qua thực hiện hiệu quả Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Chúng tôi đến xã Tân Tiến khi địa phương đang xây dựng công trình tuyến đường ĐH12 từ cổng chào của xã đến Di tích Trường Nguyễn Ái Quốc, xóm Phong Vân với chiều dài 2 km và hạng mục nâng cấp cầu Suối Năm. Trong khi các đơn vị đang thi công, nhiều người dân trên địa bàn có mặt để giám sát chất lượng thi công. Đồng chí Lý Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, người dân hiểu sâu sắc hơn về “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” trong chương trình nông thôn mới. Qua đó, không có khiếu nại, tố cáo của người dân về những vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới. Chỉ riêng với 2 công trình đang thi công từ tháng 7-2021, người dân đã trực tiếp giám sát, kiến nghị với UBND xã về một số hạn chế cần phải khắc phục ngay để đảm bảo chất lượng công trình. Thiết kế theo nền đường cũ, tuyến đường sẽ cong, không được thẳng; một số chỗ trên tuyến đường có nguy cơ bị lún, sụt vì nền đường yếu. UBND xã trực tiếp làm việc với cấp trên để điều chỉnh lại thiết kế, làm việc với đơn vị thi công để khắc phục hạn chế.

Bà Lý Thị Hợp, Trưởng thôn 2 cho biết, người dân của thôn tích cực phát huy dân chủ qua hoạt động giám sát. Năm 2020, thôn được đầu tư tuyến đường bê tông. Tuy nhiên, một số đoạn đường không đủ chiều dày 16 cm theo thiết kế. Qua tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nhân dân, UBND xã đã khoan cắt 15 m đường chưa đảm bảo và khắc phục lại theo đúng thiết kế.

Điểm nổi bật trong thực hiện Pháp lệnh 34 của xã Trung Sơn là công khai 11 nội dung theo Pháp lệnh số 34 niêm yết danh sách tại trụ sở làm việc, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và công khai thông qua hình thức họp dân. Nhiều nội dung được người dân quan tâm: chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; trợ cấp xã hội; công tác giải quyết khiếu nại; công khai thủ tục hành chính. UBND xã chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “Một cửa”, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính đảm bảo nhanh gọn, không để tồn đọng, chậm giải quyết. Theo đồng chí Bàn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã cho biết, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của nhân dân, vị thế làm chủ của nhân dân để thực hiện tốt các quy tắc ứng xử trong giao tiếp và tinh thần phục vụ nhân dân. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở.

Đề cao vai trò, vị trí trung tâm của người dân là nguyên tắc chỉ đạo xây dựng chính quyền các cấp của huyện Yên Sơn. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phụng sự nhân dân theo phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.

Bài, ảnh: Bích Hằng

Tin cùng chuyên mục