Lại có một giám đốc CDC không nhận tiền "hoa hồng" hay lợi ích vật chất gì của Việt Á, vì cho rằng mình sắp về hưu, không muốn liên quan đến tiền bạc, "hoa hồng".
Dư luận rất đồng tình, phấn khởi trước những lời tuyên bố nói không với "hoa hồng" như trên.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có không ít người luôn nhăm nhăm vòi "hoa hồng", không có là không làm, cố tình gây khó dễ; thậm chí còn đòi nhiều "hoa hồng", lấy đó làm tiêu chí quyết định chọn "bên B". Đại án Việt Á cho thấy hàng loạt cán bộ, đảng viên, người đứng đầu vướng vào vòng lao lý vì "hoa hồng".
Những con người đó khiến nhân dân bất bình, bức xúc. Bởi khi còn quá quan tâm đến "hoa hồng" thì sẽ vẫn còn những dự án, công trình bị rút ruột, kém chất lượng và kéo lùi sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương nói riêng, đất nước nói chung.
Sử sách cho thấy, những quan tham vì đòi "hoa hồng" hối lộ luôn bị pháp luật xử lý, người đời khinh ghét. Và những vị quan thanh liêm, "gần tiền mà chẳng hôi tanh mùi tiền" thì đời nào cũng được yêu mến, kính trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu phẩm chất "dĩ công vi thượng" và yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Chính vì vậy, rất cần quyết liệt đấu tranh, loại bỏ cán bộ, công chức nhũng nhiễu, thích vòi "hoa hồng"; đi đôi với kịp thời biểu dương, khen thưởng người sống và làm việc với tinh thần cống hiến, trách nhiệm cao trước nhân dân, đất nước. Rất cần khởi tạo, xây dựng môi trường văn hóa liêm chính để nhân rộng những điều tốt đẹp, lấy đẹp dẹp xấu. Đó chính là xung lực để đẩy lùi nạn tham nhũng, đòi "hoa hồng" tiêu cực.
Gửi phản hồi
In bài viết