Chợ Tình Phong Lưu ở Cao Bằng thu hút hàng chục nghìn du khách

Gọi là Chợ, nhưng mục đích chính của nhiều người đến Chợ không phải để mua bán. Trai gái đến Phiên Chợ để hát đối đáp, giao duyên, tìm hiểu, tặng quà nhau và nói lời hẹn ước. Dịp này, những câu hát mang ý nghĩa như “Anh ở bờ sông bên này; em ở bờ sông bên kia; muốn bay sang với em; tiếc là không có cánh”, vang lên suốt Phiên Chợ.

Từ ngày 7 đến 10/9, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Tuần Văn hóa, thể thao, du lịch và Chợ Tình Phong Lưu.

Trong đó, điểm nhấn của sự kiện là Chợ Tình Phong Lưu diễn ra từ đêm 9 đến ngày 10/9 đã thu hút hàng chục nghìn du khách đến trải nghiệm, tham quan và thưởng thức các màn hát đối đáp qua làn điệu dân ca các dân tộc. Đến Chợ, du khách được đắm mình trong bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương.

Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc cho biết, Chợ Tình Phong Lưu, là hoạt động văn hóa đã có từ xa xưa.

Chợ Tình Phong Lưu, tiếng dân tộc địa phương gọi là “Háng toán”, hoặc là “Háng Phúng Lìu”. Trong đó, theo giải nghĩa tiếng dân tộc của đồng bào, Háng nghĩa là chợ, toán nghĩa là hội. “Háng Phúng Lìu”, được hiểu là chợ Phong Lưu. Còn người Nùng ở biên giới thì gọi là “Phúng Lìu Cái”, Cái nghĩa là chợ, chợ Phong Lưu.

Trước đây, Phiên Chợ Tình diễn ra 2 lần/năm, vào ngày 30/3 và 15/8 âm lịch. Qua quá trình phát triển, hoạt động văn hóa này đã mai một.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc, Hoàng Thị Đà cho biết, trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, nhiều cử tri cao tuổi đã kiến nghị huyện tổ chức lại hoạt động văn hóa độc đáo và đặc sắc này.

Do đó, Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc đã tiếp thu ý kiến cử tri, tổ chức triển khai phục dựng Chợ Tình Phong Lưu.

Đêm 9/9, các nội dung phục dựng Chợ Tình Phong Lưu đã diễn ra. Trong đó, Ban tổ chức đã phục dựng hát đối đáp tìm bạn đời của trai, gái dân tộc Tày, Nùng. Phục dựng tục “trao khăn” của đồng bào dân tộc Dao.

Phục dựng tục hát đối đáp, tìm bạn tình của đồng bào dân tộc Lô Lô. Phục dựng múa khèn, múa ô, thổi khèn lá, hát đối đáp của đồng bào dân tộc H’Mông. Phục dựng hát đối đáp của đồng bào dân tộc Sán Chỉ.

Ngày 10/9, các hoạt động ngày Chợ đã tiếp tục diễn ra như: Đồng bào các dân tộc trong trang phục dân tộc đi chợ phiên; Phục dựng, tái hiện cảnh các thiếu nữ trang điểm bên đường trước khi vào chợ. Trong phiên chợ còn có hoạt động, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian.

Ban tổ chức cũng bố trí các gian hàng, giới thiệu văn hóa ẩm thực địa phương như các món thắng cố, thịt lợn chua Bảo Lạc, bánh chưng đen, thịt trâu khô, thịt bò khô, rượu ngô Bảo Lạc.

Kết thúc Phiên Chợ, Ban Tổ chức tái hiện, phục dựng cảnh chia tay giã bạn: Múa khèn của các chàng trai dân tộc H’Mông; thổi kèn của dân tộc Dao. Hát đối đáp của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Những tiếng kèn, những câu hát đối đáp của các chàng trai, cô gái dân tộc cao vút, sâu sắc, da diết và trầm lắng như thay lời muốn nói “người ơi, người ở đừng về”.

Đã ở tuổi thất thập, nhưng ông Dương Bình Luận, ở thị trấn Bảo Lạc vẫn nhớ như in ấn tượng năm 17 tuổi được 1 cô gái tặng cho đôi giày mà cô tự tay khâu từ ngày 30/3 âm lịch, chờ đến 15/8 âm lịch tặng cho ông. Ông Luận chia sẻ làn điệu dân ca các dân tộc hay lắm, ý nghĩa lắm. Đã mấy chục năm trôi qua, ông Luận vẫn nhớ câu hát điệu Nàng ới mà 1 chàng trai năm đó đã hát trong Phiên Chợ Tình: “Anh ở bờ sông bên này; em ở bờ sông bên kia; muốn bay sang với em; tiếc là không có cánh”.

Trong Tuần lễ Văn hóa và Chợ Tình Phong Lưu còn có các hoạt động, thi đấu thể thao; thi hát dân ca giao duyên và trình diễn trang phục dân tộc.

Hoạt động trưng bày không gian văn hóa đồng bào các dân tộc của 17 xã, thị trấn trong huyện Bảo Lạc, các đơn vị trong huyện và không gian văn hóa huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Qua đó, giới thiệu đặc sản địa phương, bản sắc văn hóa và điểm đến du lịch tại địa phương đến du khách.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi xưa, đồng bào đến Phiên Chợ Tình, không chỉ để mua bán, mà còn trổ tài hát đối đáp, giao duyên thông qua các làn điệu dân ca của các dân tộc Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô.

Những câu hát đối đáp là để tìm hiểu, để bày tỏ; Phiên Chợ ngày 30/3 âm lịch sẽ là Phiên Chợ gặp gỡ, tìm hiểu; Phiên Chợ diễn ra ngày 15/8 âm lịch là Phiên hẹn hò, tặng quà, nói lời hẹn ước.

Hoạt động Chợ Tình Phong Lưu năm 2022 thu hút đông đảo du khách không chỉ tăng cường quảng bá bản sắc văn hóa, điểm đến tại huyện Bảo Lạc cho du khách, mà còn tích cực bảo tồn bản sắc văn hóa, trang phục dân tộc, làn điệu dân ca tại địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của đồng bào các dân tộc tại địa phương trong phát triển du lịch theo nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lạc nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục