Bệnh đoàn kết xuôi chiều có nhiều nguyên nhân. Có thể do trình độ, nhận thức của đảng viên nên không có chính kiến. Có thể do bản lĩnh, sợ rủi ro nên đảng viên có chính kiến nhưng không dám phát biểu. Lại có nơi do người đứng đầu gia trưởng, không muốn nghe những điều trái tai dẫn đến tình trạng dù có nhiều ý kiến nhưng vẫn là chủ kiến của cấp trên.
Khắc phục bệnh này, Đảng ta đã coi đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức chính là một trong các biểu hiện suy thoái và ban hành nhiều nghị quyết, quy định về vấn đề này.
Năm 2018, Đảng có Quy định số 08 yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh.
Năm 2021, Đảng có Quy định số 37 bổ sung một số quy định mới về những điều đảng viên không được làm, nhấn mạnh vấn đề “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
Mới đây nhất, Quy định số 96 của Bộ Chính trị đã nêu rõ những người dĩ hòa vi quý, né tránh đấu tranh sẽ không nhận được sự tín nhiệm của tập thể.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng là nhiệm vụ chính trị to lớn, là công việc thiết yếu hàng ngày của mỗi đảng viên và tổ chức Đảng. Người yêu cầu: “Phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”. Đó cũng chính là giải pháp để xây dựng mối đoàn kết thống nhất thực chất trong Đảng.
Do vậy, mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải chống bằng được bệnh đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức trong sinh hoạt Đảng; nêu cao trách nhiệm đóng góp ý kiến, cùng tập thể xây dựng nghị quyết; tự phê bình và phê bình đi đôi với khiêm tốn, lắng nghe ý kiến, tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp. Bên cạnh đó, rất cần nhấn mạnh vai trò gương mẫu của người đứng đầu, làm hạt nhân đoàn kết để quy tụ người thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm và tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân.
Gửi phản hồi
In bài viết