Người ẩn mình

- Cụm từ “người ẩn mình” không phải để chỉ những người hoạt động tình báo thời chiến tranh, mà chỉ những người luôn kín miệng trong quan hệ công tác, sinh hoạt Đảng. Họ kín miệng nên thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Bởi với họ, ẩn mình cho kín, không thể hiện chính kiến chính là liệu pháp để an toàn, để lấy lòng thủ trưởng và số đông, tránh va chạm để yên thân. Đến khi bỏ phiếu, người ẩn mình thường được đánh giá hòa nhã, phiếu cao.

Hiềm một nỗi, họ không phải là không có chính kiến. Bên ngoài cuộc họp, họ nhận xét các vấn đề của tập thể rất khúc chiết, dẫn chứng đầy đủ, chứng tỏ có để tâm đến vấn đề. Nhưng vì ngại va chạm nên trong cuộc họp không phát biểu.

Hiềm một nỗi, trong tập thể vẫn còn số đông nhìn nhận đánh giá người khác bằng sự hòa nhã do tài ẩn mình không va chạm, được lòng mọi người, không ai chê ghét, thậm chí còn được nhận xét là người hiền lành, biết điều.

Đáng buồn, người ẩn mình luôn kín miệng một cách bền bỉ, trong các cuộc họp chỉ tỏ ra chăm chú, được hỏi thì nhất trí cao. Cái lợi là họ được lòng số đông, nhưng cái hại là mất tính xây dựng tập thể.

Đáng buồn, vẫn còn người đứng đầu quen nghe lời nói thuận tai, nên càng thấy những người ẩn mình im lặng, nhất trí cao những điều mình nói; càng thấy ưng.

Trong tự nhiên có một loài bò sát là tắc kè hoa, có khả năng thay đổi màu sắc cơ thể dựa vào môi trường để ngụy trang, bảo vệ lãnh thổ và thể hiện cảm xúc với bạn tình. Người ẩn mình có nét giống tắc kè hoa vì biết ngụy trang để tạo vùng an toàn cho bản thân. Nhưng có phần khác, vì tắc kè hoa đổi màu để thể hiện cảm xúc với bạn tình; còn người ẩn mình thì đổi màu để ngụy trang vì chính họ, không quan tâm đến đồng chí đồng nghiệp hay tập thể.

Như vậy, người ẩn mình chính là người mang nặng “bệnh” chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết vun vén về cho mình. Như vậy, ẩn mình chính là đã suy thoái trong tư tưởng chính trị của người đảng viên, rất cần được nhận diện, đấu tranh để triệt tiêu.

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục