Thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý
Cuối năm 2022, đồng chí Hoàng Đức Trưởng, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý khai thác công trình thủy lợi được bổ nhiệm Phó Giám đốc Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi sau kỳ thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý đã phát huy được hết năng lực, sở trường của từng đồng chí, khi quá trình thi tuyển, nội dung và cả kết quả của các thí sinh được đánh giá công khai, minh bạch. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 2 kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương, trong đó có chức danh Phó Giám đốc Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi và chức danh
Trưởng phòng xây dựng công trình và phòng chống thiên tai, thuộc Chi cục Thủy lợi. Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý được Tuyên Quang thực hiện từ năm 2021 theo Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 của UBND tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh đã và đang tổ chức 40 kỳ thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý, trong đó 33 chức danh do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, 3 chức danh do Ban cán sự quản lý và 4 chức danh do Ban Thường vụ quản lý.
Lãnh đạo Sở Công thương nắm tình hình tại các doanh nghiệp, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn,
thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, khi thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, các ứng viên sẽ được cạnh tranh một cách công khai, công bằng. Nguồn nhân lực để lựa chọn và so sánh, đánh giá sẽ dồi dào hơn. Trong quá trình tổ chức thi tuyển, các hội đồng thi tuyển bám sát các quy định, yêu cầu trong Đề án 229 để triển khai. Người được tuyển chọn vào chức danh lãnh đạo phải đảm bảo nổi trội hơn tất cả các ứng viên khác về phẩm chất, năng lực, trình độ và được thể hiện thông qua thi tuyển.
Đánh giá của Ban tổ chức Tỉnh ủy, giai đoạn 2018 -2022, công tác tuyển dụng được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, công tác đánh giá cán bộ có sự đổi mới về phương pháp và có bước chuyển biến, dần đi vào thực chất, quy hoạch cán bộ được tiến hành định kỳ và đồng bộ ở cả 3 cấp, đảm bảo số lượng, cơ cấu theo quy định; Công tác bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng quy trình, quy định, chặt chẽ, đúng người, đúng việc...
Cái gốc của mọi công việc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh những năm qua đã dành nhiều tâm huyết để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Một trong những giải pháp nâng cao trách nhiệm, cụ thể hóa việc đánh giá cán bộ, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu là giao việc đột phá, đổi mới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 03/QĐ-TU ngày 10-9-2021 về giao việc đột phá, đổi mới đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Các tổ chức đảng từ cấp huyện đến cơ sở cũng đã ban hành quy định giao việc đột phá đối với các chức danh thuộc cấp mình quản lý. Công tác luân chuyển cán bộ được chú trọng, nhất là đối với cán bộ trẻ. Tỉnh đã từng bước thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương.
Cán bộ Trung tâm phục vụ Hành chính công hướng dẫn người dân đăng ký giải quyết thủ tục hành chính.
Tháng 7-2021, đồng chí Hà Hữu Tiệp được luân chuyển từ vị trí Phó ban Kinh tế - xã hội, HĐND huyện Sơn Dương về làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào. Vốn là xã có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, lịch sử, nhưng kinh tế - xã hội chưa có nhiều bứt phá, ngay sau về xã nắm tình hình, Bí thư Đảng ủy Hà Hữu Tiệp đã chủ động xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong cấp ủy, thường vụ đến Trưởng thôn, bí thư chi bộ.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền các cơ chế, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là các cơ chế liên quan đến phát triển kinh tế du lịch để làm thay đổi tư tưởng, nhận thức, hành động từ đảng viên đến nhân dân. Sau gần 2 năm, Làng văn hóa du lịch Tân Lập đã được thổi làn gió mới khi thu hút được người dân cùng bắt tay vào phát triển du lịch cộng đồng, từ nhà nghỉ Homestay đến các dịch vụ hát then, đàn tính, bơi mảng trên hồ Nà Nưa... Đồng chí Hà Hữu Tiệp cho biết, mục tiêu năm 2025, sẽ cơ bản xây dựng xã Tân Trào trở thành đô thị loại V của huyện Sơn Dương.
Đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, cùng với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, mới đây, Ban tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu dự thảo Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, mục tiêu đến nhiệm kỳ 2025 - 2030, tỷ lệ cấp ủy viên cấp tỉnh trẻ chiếm từ 10% trở lên, nữ từ 25% trở lên, dân tộc thiểu số từ 42% trở lên. Tỷ lệ này cũng được xây dựng cụ thể đối với cấp huyện, cấp xã. Đối với HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031, tỷ lệ nữ từ 42% trở lên, dân tộc thiểu số từ 55% trở lên...
Toàn tỉnh hiện có hơn 19 nghìn cán bộ, công chức, viên chức. Trong số này, số người có trình độ đại học trở lên là hơn 13 nghìn người, còn lại là cao đẳng và trung cấp. Cán bộ, công chức, viên chức có trình độ lý luận chính trị cao cấp là trên 1 nghìn người, trình độ trung cấp là trên 6 nghìn người, còn lại là sơ cấp và chưa qua đào đạo... Tỉnh hiện đang tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy khoa học, tinh gọn, hợp lý, hiệu quả, với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính, sáng tạo, hiệu quả, phục vụ nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết