Cán bộ Chi cục thuế khu vực thành phố Tuyên Quang - Yên Sơn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kê khai quyết toán thuế qua mạng.
Đồng chí Trương Thế Hùng, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, ngành Thuế tỉnh Tuyên Quang quyết tâm phấn đấu nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, ngành Thuế xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai trong năm 2022 là: Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp thu thuế trên địa bàn; xây dựng triển khai kế hoạch công tác thuế năm 2022 với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 16 giải pháp để tổ chức thực hiện.
Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm bao quát, rà soát hết các nguồn thu phát sinh để huy động vào ngân sách Nhà nước; phối hợp triển khai quyết liệt các giải pháp theo Đề án phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra chống thất thu, thu nợ đọng thuế; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa tối đa công tác khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.
Năm nay, ngành Thuế tỉnh tập trung công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản. Ngành phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Các trường hợp chuyển nhượng bất động sản mà giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục Thuế khi thẩm định các bộ hồ sơ liên quan đến hoạt động mua, bán bất động sản cần xem xét kỹ giá tiền mua bán được kê khai. Khi thấy giá kê khai chưa hợp lý thì yêu cầu các bên mua, bán bất động sản phải kê khai bổ sung hoặc trả lại hồ sơ để thẩm định lại.
Cán bộ phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế tỉnh rà soát các đơn vị còn nợ thuế để đôn đốc và thu nợ.
Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục Thuế huyện, thành phố phân công, chỉ đạo cán bộ thuế cùng với các liên đội thuế phường, xã phối hợp với UBND xã, phường rà soát, thu triệt để các khoản thu phát sinh và chuẩn bị công tác thuế khoán năm 2022. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 đối với các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
Các khoản nợ thuế, ngành Thuế tỉnh phân loại đối tượng nợ thuế theo ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để có giải pháp thu nợ thuế hiệu quả. Cụ thể, đối với các đơn vị kinh doanh thương mại thông thường, ngành Thuế tỉnh phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước Tuyên Quang, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện thu nợ thuế qua tài khoản ngay khi có số dư, cưỡng chế hóa đơn. Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết các vướng mắc khó khăn liên quan đến đất đai, cấp phép hoạt động của các đơn vị còn nợ thuế. Cùng với việc tăng cường các biện pháp đôn đốc thu nộp, ngành Thuế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, các quy định về nộp thuế, tính tiền chậm nộp, tiền phạt tới người nộp thuế.
Năm 2022, ngành Thuế tỉnh chủ động rà soát, đánh giá để tham mưu, đề xuất các giải pháp thu cơ bản, nhất là đổi mới cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp... góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách Nhà nước.
Gửi phản hồi
In bài viết