Cam, chè, mật ong “lên sàn”
Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến xấu, song gia ông Hoàng Văn Mạnh, thôn Táu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) vẫn cắt bán cam đều, trung bình 1 - 2 tấn/ngày. Ông Mạnh phấn khởi cho biết, gia đình ông có 6,5 ha cam, ước tính sản lượng khoảng 140 tấn. Hiện tại, gần 70 tấn đã được tiêu thụ, gấp 3 lần so với thời điểm này năm ngoái. Cam tiêu thụ nhanh vì ngoài các bạn hàng truyền thống chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị, năm nay có thêm các đơn hàng từ sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn... Ông Mạnh khoe, cam tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử chọn lọc kỹ nhưng đổi lại giá cao gần gấp đôi so với bán xô. Hiện, giá cam xô 8 - 9 nghìn đồng/kg tùy theo từng khu vực; cam đặt có giá từ 16 - 18 nghìn/kg.
Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả Hàm Yên cho biết, tính đến thời điểm này, huyện đã tiêu thụ được khoảng 42 nghìn tấn cam, trong đó có hơn 6 tấn được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Hộ trồng cam xã Yên Thuận (Hàm Yên) lựa chọn, đóng gói cam theo đơn hàng qua sàn thương mại điện tử Postmart.
Sau 4 tháng có mặt trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, sản phẩm chè xanh Ngọc Thúy của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sử Anh đã được người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến. Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã phấn khởi cho biết, hợp tác xã nhận được đơn đặt hàng từ khắp các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Khi đơn hàng được chốt trên sàn, hợp tác xã đóng gói, ghi địa chỉ, số điện thoại khách hàng, nhân viên bưu điện sẽ đến đảm nhận dịch vụ vận chuyển. Chỉ tính từ tháng 8 đến nay có gần 200 kg chè được tiêu thụ qua chợ thương mại điện tử.
Anh Trịnh Đình Cương, chuyên viên phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Bưu điện tỉnh khẳng định, đã có 10 gian hàng được thành lập trên sàn Postmart, với 25 sản phẩm được bày bán như cam sành Hàm Yên; chè Shan tuyết Hồng Thái, thịt trâu khô (Na Hang); mật ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang); chè xanh Ngọc Thúy (Yên Sơn)...
Thúc đẩy sàn thương mại điện tử phát triển
UBND tỉnh vừa có Kế hoạch số 227/UBND, ngày 28-12-2021 về việc hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 358 hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại, gồm sàn Postmart.vn - Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; sàn Voso.vn - Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel và Sàn santmdttuyenquang.gov.vn - sàn thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang. Đưa sản phẩm lên sàn thương mại thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian. Trên cơ sở đó, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua ứng dụng thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển giao dịch thương mại điện tử, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử. Thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… Lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào, các công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp của thương hiệu uy tín, chất lượng tốt, giá cả phù hợp để giới thiệu, cung cấp cho các hộ sản xuất.
Bà Phạm Thúy Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh, Bưu điện tỉnh khẳng định, đơn vị tiếp tục làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh sách những cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, gắn sao OCOP cung cấp các thông tin dữ liệu về danh mục nông sản (mùa vụ, sản lượng, chất lượng, khung giá bán, thông tin liên hệ của hộ sản xuất nông nghiệp)... để đơn vị hỗ trợ đăng ký tài khoản, lập gian hàng. Trên cơ sở đó, Bưu điện cũng hướng dẫn sơ sở sản xuất thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận trong quá trình kết nối mua, bán trên sàn thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng, nông, lâm và thủy sản tỉnh khẳng định, ngành sẽ xúc tiến chứng nhận đối với các sản phẩm đủ tiêu chuẩn; hướng dẫn các cơ sở áp dụng các quy trình chuẩn (quy trình thu hoạch, sơ chế, đóng gói) để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm bảo đảm cho sản phẩm lưu thông đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt. Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel - Chi nhánh Tuyên Quang, ngành Công thương xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, trong đó có kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử.
Với sự trợ lực của tỉnh, vào cuộc của ngành chức năng trong việc thúc đẩy phát triển sàn thương mại điện tử sẽ là kênh tiêu thụ bền vững trong chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ nông sản hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết