Chủ động ứng phó xả lũ thủy điện kết hợp với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

- Ngày 6-6, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đã có Công văn số 23 gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó xả lũ thủy điện kết hợp với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trên địa bàn tỉnh.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng, thủy văn tỉnh Tuyên Quang từ hôm nay mưa dông diện rộng trên địa bàn tỉnh có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 11-12/6, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng thấp ven sông, suối.

Các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn đề phòng sạt lở đất ở khu vực có địa chất kém ổn định, sụt lún và ngập úng vùng trũng thấp, ven sông suối.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ thủy điện Tuyên Quang kết hợp mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp ứng phó xả lũ hồ thủy điện Tuyên Quang và theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin về mưa lũ và xả lũ thủy điện kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Đồng thời, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra; bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời; Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng, đặc biệt đối với các khu vực sông, suối hạ lưu thủy điện Tuyên Quang để sẵn sàng phương án ứng phó.

Cùng với đó, sẵn sàng bố trí lực lượng canh gác để kiểm soát giao thông tại các khu đường bị ngập, bến đò, cầu tràn, tràn... để hướng dẫn người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình các huyện, thành phố, hệ thống phát thanh cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra; Tổ chức thực hiện trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.     

 Công văn số 23/BCH-VPTT                    

Thảo Linh

Tin cùng chuyên mục