“Đất này chỉ để trồng ngô thôi!”
Lý Văn Hiệp sinh năm 1991, là Bí thư chi đoàn thôn Khuôn Nà. Ở chi bộ Khuôn Nà, Hiệp hiện là đảng viên trẻ tuổi nhất.
- Nó trẻ, nhưng cái đầu nó không trẻ đâu! - Nhiều đảng viên kỳ cựu ở Khuôn Nà chia sẻ thế.
Lý Văn Hiệp trước học Trung cấp Điện. Ra trường, cậu rời quê vào lập nghiệp ở Đắc Nông, làm việc trong một doanh nghiệp viễn thông ở đây với mức lương hơn chục triệu đồng. Với Hiệp, và nhiều thanh niên nông thôn mới ra trường, đây là số tiền lớn. Hiệp từng nghĩ, mình sẽ gắn bó với công việc này đến hết đời.
Trang trại trồng cam của đảng viên Lý Văn Hiệp được trồng trên đất đồi.
Nhưng người tính không bằng trời tính, ở Đắc Nông 2 năm, nỗi nhớ quê nhà dằn vặt chàng thanh niên. Hiệp xin chuyển công việc ra chi nhánh ở Tuyên Quang, nhưng trong thời gian chờ giải quyết, cậu không đừng được mà quyết định... nghỉ luôn việc về quê.
Hiệp bảo, lúc mới về quê cũng suy nghĩ nhiều lắm. Mới lập gia đình, không có công việc, rồi lấy đâu ra tiền để nuôi vợ nuôi con? Trung Minh vốn là mảnh đất thuần nông, bà con quê Hiệp lâu nay chỉ tập trung trồng lúa, trồng ngô, ít người nghĩ đến chuyện thay đổi cây trồng mới, con vật nuôi mới lắm. Ngoài gỗ rừng trồng, bà con ở quê Hiệp gần như chẳng có sản phẩm gì bán ra ngoài thị trường.
Thời gian chông chênh với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì, Lý Văn Hiệp bắt xe lên Hàm Yên học hỏi. Hiệp bảo, chuyến đi ấy khiến mình “vỡ” ra nhiều lắm. Cùng là quê, nhưng ở Hàm Yên, những mảnh vườn, khoảnh đồi gần như không còn chỗ trống. Người dân năng động đưa vào trồng đủ thứ cây ăn quả. Từ cây cam, táo, đến chanh, thanh long...
Nhà Hiệp có khoảnh đồi hơn 3 ha. Giống như tất cả bà con ở Khuôn Nà, bố mẹ Hiệp cũng chỉ để trồng ngô. Khi đưa 1.600 gốc cam đặt mua ở Hàm Yên về trồng, không ai trong làng, cũng chẳng có ai trong gia đình tin anh làm được.
- Đất này chỉ để trồng cây ngô thôi, đưa cây cam vào trồng thì cũng đổ hết thôi! - Bố mẹ Hiệp can. Nhưng Lý Văn Hiệp không tin, Hiệp nghĩ, cây gì cũng thế, sống được hay không đều do con người cả. Hiệp quyết định “cãi” bố mẹ, “cãi” số phận một lần.
Không có tiền thuê người làm, Hiệp tự đào hố trồng cây. Rồi tự dựng cây làm cột chống. 1.600 gốc cam vừa trồng, vừa buộc cây chống, Hiệp làm mất hơn một tháng trời.
- Thời điểm đấy em mệt nhoài. Thực sự cũng muốn bỏ cuộc lắm, nhưng nghĩ đến ánh mắt của bố mẹ, rồi của dân bản, em lại quyết tâm làm bằng được.
Ngày nào Hiệp cũng lên nương, thăm đồi. Dẫn nước tưới, rồi bón phân, tỉa cành, phun thuốc... Cây cam bén rễ, rồi đứng thẳng trên đất đồi. Hiệp bảo, khi những bông hoa trắng muốt đầu tiên hé nở, Hiệp mới thở phào. Bố mẹ Hiệp, rồi dân bản lúc bấy giờ mới tin, ngoài cây ngô, vẫn có những thứ cây khác như cây cam có thể đứng thẳng trên đất đồi Khuôn Nà mà không gẫy đổ.
Trang trại đầu tiên và giấc mơ OCOP
Nhưng trái ngọt đến với Lý Văn Hiệp không dễ dàng như thế. Những năm đầu tiên, chưa làm chủ kỹ thuật, nhiều cây không sống được, cây nhiễm bệnh cũng nhiều. Lý Văn Hiệp lại khăn gói quả mướp lên Hàm Yên tìm “thầy” chẩn trị bệnh.
Hiệp bảo, may mắn là các anh, các bác ở Hàm Yên không giấu nghề với cậu thanh niên người Dao ở Khuôn Nà. Hễ cây cam có bệnh gì, những người trồng cam ở Hàm Yên lại mách cho Hiệp bí quyết để trị bệnh đấy. Vườn cam 3 ha nhờ thế mà sống khỏe, cho thu đúng thời vụ.
Đảng viên trẻ Lý Văn Hiệp (ngoài cùng bên phải) với niềm vui được mùa.
Để có thêm thu nhập, đảng viên trẻ Lý Văn Hiệp thả hơn 400 con gà ở vườn đồi. Đồng thời, tập trung chăm sóc hơn 10 ha rừng keo.
Vụ cam đầu tiên, năm 2018, vườn cam của Hiệp cho 7 tấn quả, Hiệp thu về số tiền 70 triệu đồng. Cứ thế, mỗi năm sản lượng cam lại tăng một ít. Năm 2019 cho thu 10 tấn quả. Năm 2020, sản lượng đạt 20 tấn. Đến năm 2021, sản lượng tăng gấp đôi năm 2020, đạt hơn 40 tấn quả.
Trang trại của nhà Lý Văn Hiệp là trang trại trồng cây ăn quả đầu tiên ở Khuôn Nà và cũng là trang trại trồng cây ăn quả đầu tiên của xã Trung Minh đến thời điểm này. Nhiều nhà thấy Hiệp làm được, cũng đã bắt đầu đưa cây cam, cây chanh về trồng thử nghiệm ở vườn đồi, nhưng cũng chỉ vài chục gốc, trăm gốc, chưa ai dám “mạnh tay” như Hiệp.
Trung Minh đến thời điểm này vẫn chưa lựa chọn được sản phẩm đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Minh Ma Thế Mạnh chia sẻ, việc hình thành các mô hình kinh tế trang trại ở Trung Minh, như trang trại của Lý Văn Hiệp đang được xã khuyến khích nhân rộng. Trung Minh hiện cũng đang lựa chọn đưa sản phẩm cam của Hiệp xây dựng thành sản phẩm OCOP của xã. Việc cần làm của Lý Văn Hiệp bây giờ là tập trung chăm sóc vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, rồi tiến tới hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Xã sẽ hỗ trợ những bước cần thiết như đăng ký nhãn hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường.
Đảng viên trẻ Lý Văn Hiệp cười tự tin, với em kết quả bây giờ coi như đã thành công một nửa rồi. Một nửa còn lại là làm sao để mình không “cô đơn” nữa, mà sẽ kéo thêm được nhiều người cùng tham gia vào xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa như này. Rồi mai, nhắc đến nông sản Trung Minh, sẽ là nhắc đến cam Khuôn Nà, gà thả đồi và nhiều nông sản khác nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết