Vẻ đẹp nên thơ
Suối Khởn bắt nguồn từ dãy núi Cao Đà thuộc xã Thái Sơn chảy về xóm Khởn, một chút hạ nguồn chảy về xóm Cao Đà. Xóm Cao Đà hiện nay gồm thôn 1, 2 Thái Thủy, xóm Khởn là toàn bộ thôn Khởn. Ông Hứa Công Chủ, người dân thôn 1 Thái Thủy kể, trước đây, người dân ở hai thôn 1, 2 Thái Thủy có một bãi soi rất rộng. Nhân dân khai hoang để trồng lúa nhưng nước suối Khởn chảy về rất yếu nên bị hạn hán, không đủ nước để canh tác. Lúc này, Đảng ủy, UBND xã xin ý kiến của huyện về chủ trương để Hợp tác xã và nhân dân thôn Khởn, thôn 1, 2 Thái Thủy đắp đập ngăn dòng suối Khởn trữ nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Theo thời gian, nước từ suối Khởn chảy về đập ngày càng dâng cao tạo thành hồ Khởn rộng như ngày nay.
Theo lời ông Chủ kể, hồ Khởn đã qua ba lần đắp, tôn bờ cho cao lên để trữ được nhiều nước, tưới cho nhiều xứ đồng hơn. Hồ Khởn hiện nay có diện tích mặt nước rộng 60 ha thuộc địa bàn hai thôn là thôn Khởn và thôn 1 Thái Thủy, có đường giao thông đi lại khá thuận lợi do giáp với thị trấn Tân Yên. Theo tiếng Tày, “Khởn” có nghĩa là “lên”, tức là chỉ vị trí ở trên cao của hồ Khởn. Hiện nay, hồ Khởn đang tưới tiêu cho 32 ha lúa, rau màu của nhân dân. Nước hồ quanh năm trong xanh và có nhiều loại cá tự nhiên. Xung quanh hồ hình thành nhiều ngọn đồi dáng hình thoai thoải, diện tích khá bằng phẳng nên được người dân tận dụng để trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, tạo bóng mát và khí hậu trong lành, mát mẻ cho khu vực hồ.
Hai bên hồ Khởn có rất nhiều vườn cây ăn trái của người dân.
Từ ngoài đường quốc lộ đến hồ Khởn đều đã có đường bê tông. Đi thuyền trên hồ, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy cả dãy núi Cao Đà mây trắng la đà. Còn xung quanh hồ là màu xanh của cây cối. Vào dịp gần Tết, cam trên đồi chín vàng ruộm. Còn mùa hè, những vườn thanh long chín đỏ làm cho bức tranh non nước hồ Khởn hữu tình, say đắm lòng người. Đi thuyền lên phía trên đầu nguồn của hồ Khởn là những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày thấp thoáng dưới những ngọn đồi cây, vườn ăn quả. Phong cảnh ấy khiến cho ai khi đến hồ Khởn đều liên tưởng đến những tua tham quan hồ Khởn kết hợp với trải nghiệm miệt vườn và các hoạt động du lịch cộng đồng.
Chị Đinh Thu Huyền, tổ 17, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) trong một lần đi thăm người thân ở thôn Khởn, xã Thái Sơn có dịp đi thuyền trên hồ Khởn đã phải trầm trồ về cảnh đẹp của hồ Khởn. Chị Huyền cho biết, hồ Khởn vừa mang nét ban sơ của thiên nhiên lại vừa hòa quyện với cuộc sống sinh hoạt thường ngày, lao động sản xuất của nhân dân rất nên thơ. Nếu biết khai thác nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái sẽ rất thu hút du khách.
Ước mơ từ hồ Khởn
Từ rất lâu rồi, người dân ở các thôn quanh hồ Khởn cũng như ở một số địa phương lân cận đã sớm nhìn ra tiềm năng phát triển du lịch ở hồ Khởn để đầu tư mua đất, trồng rừng, cây ăn quả quanh hồ Khởn. Có lẽ vì vẻ đẹp của hồ Khởn được lan truyền và cũng bởi tư duy nhanh nhạy đi trước đón đầu của người dân. Người dân sinh sống ở khu vực quanh hồ Khởn vui mừng lắm khi tuyến đường lớn từ thị trấn Tân Yên qua hồ Khởn về Đức Ninh đang được triển khai thi công. Khi tuyến đường này được hoàn thành và đưa vào sử dụng, con đường về với hồ Khởn sẽ dễ dàng, thênh thang hơn nhiều. Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, qua khảo sát, Công ty Tư vấn HB (Hàn Quốc) rất quan tâm khai thác hồ Khởn. Công ty mong muốn được hợp tác đầu tư tại hồ Khởn. Trong buổi làm việc với công ty, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, việc Công ty Tư vấn HB quan tâm khai thác du lịch ở hồ Khởn là rất đúng, vì đây là điểm nằm trên trục phát triển Tuyên Quang - Hà Giang - Phú Thọ. Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án đầu tư vào hồ Khởn.
Những vườn cây ăn trái xung quanh hồ Khởn sẽ mở ra hướng tham quan hồ gắn với trải nghiệm miệt vườn.
Trước đó, tháng 4 - 2022, hồ Khởn cũng là một trong những điểm khảo sát về tiềm năng phát triển du lịch của Tổ công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch trên dịa bàn tỉnh của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tổ chức.
Đồng chí Hoàng Thị Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Sơn cho biết, xung quanh hồ Khởn hiện có gần 10 ha rừng và cây ăn quả được trồng bao bọc quanh hồ. Người dân tộc Tày, Dao ở thôn Khởn, thôn 1, 2 Thái Thủy vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như hát Then, đàn Tính, trang phục, tiếng nói, kiến trúc về nhà ở. Tại thôn 1 Thái Thủy đã duy trì hiệu quả Đội văn nghệ hát Then. Đây cũng là đội văn nghệ hát Then nòng cốt của xã. Người dân nơi đây nhiều năm nay đều ấp ủ mơ ước hồ Khởn trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Anh Nguyễn Văn Tĩnh, người lái thuyền máy thôn 1 Thái Thủy khoe với chúng tôi, trước đây anh chủ yếu đi làm thuê, làm ruộng. Cách đây gần 1 năm, anh đầu tư mua một chiếc thuyền máy, làm nhà nổi, phao để phục vụ nhu cầu của khách tham quan muốn đi du lịch quanh hồ Khởn.
Đưa chúng tôi cập vào một quả đồi thoai thoải trồng hàng trăm gốc bưởi ở giữa hồ Khởn, anh Tạ Hồng Điệp, người dân thôn 31, xã Thái Sơn đang kiểm tra kết quả ghép cam V2 với cây bưởi Soi Hà cho biết, cách đây chục năm, nhìn thấy trước tiềm năng du lịch của hồ Khởn, gia đình anh Điệp đã đầu tư mua đất ở khu vực hồ Khởn để trồng cây ăn trái. Hiện nay, tại khu vực xung quanh hồ Khởn, anh Điệp có 300 gốc bưởi chuẩn bị cho thu hoạch.
Gặp những người dân sinh sống quanh khu vực hồ Khởn, tôi cảm nhận rõ khát khao và mong ước của họ về một hồ Khởn thu hút khách du lịch trong tương lai không xa. Và ước mơ ấy sẽ trở thành hiện thực nếu như tỉnh thu hút được doanh nghiệp đủ mạnh về tiềm lực để đầu tư vào hồ Khởn.
Gửi phản hồi
In bài viết