Không bỏ nghề gia truyền
Cả khoảnh đồi hơn 20 ha của gia đình Lương y Lương Tiến Trung giờ được ví như một nhà thuốc tự nhiên. Những thứ cây tưởng như chỉ là cây cỏ, nhưng mỗi bước chân khách đặt xuống, anh lại cẩn thận nhắc nhở bước khẽ, vì đó đều là nguyên liệu để điều chế ra các vị thuốc. Dây đòn gánh, võ đòn, cây xương khỉ, bình vôi đỏ, thanh hao hoa vàng, dây cát sâm... Tất cả đều được trồng tự nhiên và cộng sinh, làm sao đảm bảo thu được dược tính cao nhất. Thuốc - hay rộng hơn là dược liệu từ rừng - theo quan niệm của những Lương y Lương Tiến Trung, là phải được trồng như nó vốn là. Tức là cây ở đâu thì phải ở đấy, hoang dại, nằm trong một hệ sinh thái tự nhiên, dưới các tán cây rừng khác.
Các giống cây dược liệu được anh Trung (giữa ảnh) bảo tồn, lưu giữ hoàn toàn tự nhiên.
Anh Trung rất tự hào về “kho báu” của mình. Hơn 300 giống cây dược liệu được anh sưu tầm, lưu giữ và di thực từ nhiều nơi về trồng ở Thượng Ấm. Trong đó, nhiều giống dược liệu quý hiếm như thất diệp nhất chi mai, sâm một lá, cây cổ chướng, râu hùm, sâm nam Núi Dành...
Hỏi cơ duyên đến với nghề, anh Trung cười, ví von mình như cánh chim đi lạc, may mắn tìm được đường về.
Anh vốn là dân kinh tế, từng theo học tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Vốn là người học võ thuật từ nhỏ, ra trường, anh Trung quyết định thành lập một doanh nghiệp chuyên về sản xuất, kinh doanh đồ tập thể thao tại Hà Nội. Nhưng công việc này không có nhiều hứng thú với người thanh niên sinh năm 1984.
Nhà anh vốn có nghề lấy thuốc nam lâu đời. Bà nội, bố, mẹ, cô, bác... đều theo nghề. Mỗi lần về thăm nhà lại thấy nghề gia truyền của gia đình mai một đi một chút. Theo nghề chủ yếu là người đã lớn tuổi, thế hệ trẻ như anh còn đang... mê mải bay bổng xây dựng những “ước mơ lớn” với đời. Bệnh nhân cũng chỉ là những người già, người lớn tuổi quanh vùng, trong khi “kho báu” của bà, của cha, mẹ, cô bác là vô vàn những bài thuốc quý lại đang chật vật tìm người kế cận.
Nhớ đến câu nói chua chát của Bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng, người từng có rất nhiều công trình gây tiếng vang về cây thuốc Nam: “Người Việt Nam ra ngõ gặp cây thuốc nhưng lại chết trên cây thuốc”, Lương Tiến Trung quyết định dừng việc kinh doanh, quay trở lại học Y Dược cổ truyền, rồi mở một phòng khám tại Hà Nội. Anh đã được bầu giữ chức Chi hội phó Hội số 4 - Hội Đông y Nam Từ Liêm. Chỉ tay lên tường, khoe những tấm Giấy khen của Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Lương y Lương Tiến Trung như ngầm khoe với khách, việc học, hành nghề của mình là bài bản và... cũng có tiếng ở đất Thủ đô rồi.
Giống cây cổ chướng được anh Trung bảo tồn thành công.
Năm 2019, Lương Tiến Trung quyết định... rời phố về quê, với mục tiêu vực dậy nghề thuốc nam của gia đình, lưu giữ, bảo tồn các giống cây dược liệu và xây dựng một trung tâm điều trị kết hợp y học và võ thuật Cao Lan ngay tại địa phương.
Và câu chuyện tương lai
Lương Tiến Trung đặt mục tiêu rõ ràng. Trong 7 năm đầu, anh sẽ dành thời gian để sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn các giống cây dược liệu, đặc biệt là những giống cây dược liệu quý, có nguy cơ mai một, với quy mô khoảng 320 - 350 giống.
Khoảng thời gian này, Lương y Lương Tiến Trung di chuyển khắp các tỉnh, thành có những giống cây dược liệu quý để sưu tầm, di thực về Thượng Ấm. Anh khoe, riêng giống Trà hoa vàng, anh đã sưu tầm đủ 6 loại ở các khu vực Tam Đảo, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Ba Chẽ (Quảng Ninh). Theo thống kê, tại khu vực Hàm Ếch, anh Lương Tiến Trung hiện đang lưu giữ, bảo tồn và nhân giống trên 300 cây dược liệu. Lương Tiến Trung cho biết: Sau khi nguồn dược liệu được ổn định, anh sẽ nhân rộng diện tích bằng cách kết hợp với người dân địa phương.
Anh Trung thăm khám cho một bệnh nhân điều trị tại trung tâm.
Ở thôn Hàm Ếch giờ đã hình thành một trung tâm điều trị bằng thuốc nam kết hợp võ thuật. Cả khu vực điều trị nằm ngay trong khuôn viên khu bảo tồn, yên tĩnh, thoáng đãng và trong lành. Không đếm được số lượng bệnh nhân đến điều trị, mỗi ngày bình quân 25-30 lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh đến điều trị. Trong đó, Trung tâm miễn phí điều trị hoàn toàn cho bệnh nhân nghèo, khuyết tật, trẻ mồ côi... Lương Tiến Trung cũng nhận đào tạo nghề miễn phí cho nhiều trẻ em nghèo ở các địa phương. Trung kể, nhiều em như Phạm Minh Hoàng ở Cẩm Khê (Phú Thọ), Lương Văn Duẩn ở Cao Bằng, Đống Ngọc Thắng ở Quảng Ninh được Trung nhận nuôi, đào tạo nghề miễn phí, sau đó cho đi học bài bản đã trở về địa phương mở các phòng khám, điều trị bệnh khá nổi tiếng rồi.
Không ngần ngại khoe với khách về dự định tương lai, Lương Tiến Trung cho biết mình vừa thành lập Hợp tác xã Y võ Cao Lan. Kỳ vọng của anh là sau khi hoàn thiện hạ tầng, vùng nguyên liệu, Trung tâm Y võ Cao Lan sẽ trở thành một điểm du lịch mới của Thượng Ấm. Khách đến sẽ được thăm khu vực trồng, bảo tồn cây thuốc nam, điều trị và chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc nam, tập luyện dưỡng sinh, luyện khí công, thiền, tận hưởng thiên nhiên và nghỉ dưỡng...
Những tầng bậc đầu tiên của dự định này đang từng bước được xây dựng. Y võ Cao Lan, với quyết tâm của người dẫn đường Lương Tiến Trung, nét văn hóa sử dụng thảo dược trong đời sống này sẽ không bao giờ mất!.
Gửi phản hồi
In bài viết