Cầu nối giữa thế giới nhân gian và thần tiên
“Then đặc biệt lắm, nó giúp giáo dục, dạy bảo người ta phải biết thương yêu nhau, không cãi cọ, đố kỵ với nhau, phải biết sống tình cảm, hàn gắn những vết thương lại. Khi đi hát Then, có những người trả tôi 1.000 đồng, 2.000 đồng nhưng tôi vẫn làm. Thậm chí có những người nghèo quá, ốm đau bệnh tật, không có tiền tôi còn phải mua gà mang đi làm lễ để hát giải hạn cho người ta. Cuộc đời tôi đi hát Then tiền không phải tất cả, mà đó còn là tình cảm, là sự mến thương dành cho nhau, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Không cần nhiều tiền, cứ được đi hát Then là tôi vui rồi”. Đó là sẻ chia của nghệ nhân dân gian Hà Ngọc Cao, thôn Trung Quang, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa). Suốt bao năm qua, “Then Cao” luôn được các nhà trong làng, trong xã, thậm chí là ở các huyện, các tỉnh khác đón đi làm Then cầu an, làm đầy tháng cho trẻ con, vào nhà mới, giải hạn, thôi tang... Đến nay, ông làm thầy Then được 27 năm với số nghi lễ thực hiện trung bình trong 1 năm từ 150 đến 200 lễ Then.
Ông Lương Long Vân, xã An Tường (TP Tuyên Quang) là nghệ nhân dân gian người Tày cao tuổi nhất. Năm nay ông 98 tuổi, với ông Then là mạch sống, tâm huyết suốt cả cuộc đời. Ông bảo, Then là hình thức nghệ thuật tổng hợp, có lời, có nhạc, có hóa trang và có biểu diễn. Làm thầy Then không phải ai cũng làm được, có căn, có số hết đó. Mà bề trên cho làm thì mình phải luôn rèn luyện đạo đức mới làm được lâu dài.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 nghệ nhân hát Then, thầy Then. Hát Then, đàn Tính là linh hồn cho các lễ nghi, hội hè. Tiếng đàn tính vang vọng, lời Then nồng ấm cùng yêu tố thiêng là món ăn tinh thần hơn tất thảy các món ăn tinh thần khác. Vì thế với các nghệ nhân và thầy Then được cất vang lời ca, tiếng đàn đó là niềm tự hào, trách nhiệm. Thế nên, cả cuộc đời, họ luôn tự nhắc mình phải luôn rèn luyện phẩm cách bản thân, rèn tiếng hát lời ca để xứng đáng với lời Then linh thiêng.
Nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến biểu diễn Then.
Nghệ nhân dân gian Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) chia sẻ, nét độc đáo của Then xứ Tuyên giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ “ới la”. Từ “ới la” có nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu trúc âm nhạc là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng đầm ấm thể hiện tính cách thân thiện, hiền hòa của con người xứ Tuyên. Người nghệ nhân hát, phiêu theo cảm xúc, càng thành kính, chân thực càng nhanh chóng đi vào tâm hồn người nghe. Họ là cầu nối giữa thế giới nhân gian và thần tiên thông qua lời ca, tiếng đàn.
Theo các nghệ nhân thì suốt hành trình dài có hai dòng Then hiện diện. Đó là Then mới hay Then cải biên và then cổ tức Then nghi lễ. Không thể nói Then cổ hơn Then mới hoặc Then mới hơn Then cổ. Cả hai đều giá trị bởi nó hình thành trong lòng dân tộc.
Cả một chặng đường dài không mỏi mệt để gặp gỡ các nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã sở hữu được thành quả đồ sộ từ sưu tầm Then cổ. Đến nay ông đã sưu tầm được 81 cung then cổ với gần 20.000 câu thơ thất ngôn, số lượng trên 800 trang. Năm 2018, Hội Văn học Dân gian Việt Nam in thành bộ sách Then cổ Tuyên Quang với 4 tập. Đây là bộ sách giới thiệu về Then cổ đầu tiên ở Tuyên Quang.
Đặc biệt đến nay, ông Đức đã hoàn thành 5 chuyên đề nghiên cứu về Then gồm: Khái quát chung về di sản Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang, Bảo tồn không gian nghệ thuật, đạo cụ của di sản Then Tuyên Quang, Bảo tồn một số cung Then cổ, một số làn điệu Then, Bảo tồn các đạo cụ, trang phục của những người hát Then cổ Tuyên Quang, Lễ cầu hồn của người Tày.
Ngoài ra, hiện nay ông Đức còn dành nhiều thời gian chọn lọc một số cung, đoạn Then cổ phổ biến cho Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang; các câu lạc bộ hát then, đàn tính trong tỉnh dàn dựng, biểu diễn phục vụ công chúng. Các bài hát giàu nội dung giáo dục đạo đức, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, đất nước…
Khát vọng nối dài làn điệu Then
Với nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm, xã Thanh Tương (Na Hang) thì hát và sưu tầm những điệu Then cổ luôn là một niềm cảm hứng vô bờ bến. Kho tàng Then cổ gồm hàng trăm chương đoạn với hàng nghìn bài Then dùng trong khoảng 100 nghi lễ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Các bài Then cổ đa phần đều phức tạp từ ngôn ngữ, làn điệu đến cách trình bày, khó có thể truyền dạy rộng rãi, nhất là thế hệ trẻ. Đó chính là điều mà các nghệ nhân trăn trở. Vậy nên, những nghệ nhân tâm huyết bên cạnh sưu tầm Then cổ thì họ đã lựa chọn các trích đoạn Then cổ, làn điệu Then để cải biên, đặt lời tạo nên những bài Then mới phù hợp với cuộc sống hôm nay.
Ở Tuyên Quang có rất nhiều tác giả say mê đặt lời mới cho dân ca Tày. Điển hình như nghệ nhân Hà Phan (đã mất), Nghệ nhân ưu tú Hà Thuấn, nghệ nhân Hà Ngọc Cao (Chiêm Hóa), nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm (Na Hang)... Nói về kinh nghiệm của mình, nghệ nhân dân gian Thàm Ngọc Kiến, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, người đặt lời mới cho Then Tày vừa phải am hiểu làn điệu Then vừa có khả năng sử dụng vốn từ một cách phong phú. Bản thân ông thường sáng tác thơ ở thể loại 7 chữ, mỗi câu đều phải sử dụng nhuần nhuyễn vần điệu, luật bằng trắc thì mới dễ dàng chuyển thể sang giai điệu dân ca được.
Hiện nay, có hàng nghìn bài Then lời mới do các nghệ nhân sáng tác xoay quanh chủ đề về tình yêu quê hương, làng bản, đất nước, niềm thành kính với Bác Hồ. Với lời ca giản dị, mộc mạc phù hợp với cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người miền núi vì thế khi các bài hát Then ngân vang đã thực sự lan tỏa và sống được trong lòng công chúng.
Ông Lương Long Vân, Nghệ nhân dân gian gần 100 tuổi truyền dạy Then cho chắt.
Như mạch nguồn chảy mãi, tiếp nối nghệ nhân cao tuổi thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có lớp nghệ nhân Then trẻ có những cách làm riêng để giai điệu Then vang xa. Đó là câu chuyện mang Then xuất ngoại của nghệ nhân Chu Văn Thạch. Những năm gần đây, tại các chương trình quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh biểu diễn, nghệ nhân Chu Văn Thạch tham gia biểu diễn hát Then, đàn Tính tại Hàn Quốc, Châu Văn Sơn (Trung Quốc)... Bên cạnh đó, nghệ nhân Thạch trở thành một “hot youtuber” trong cộng đồng người Tày. Anh chia sẻ, để Then thực sự lan tỏa đến người trẻ khắp mọi nơi, anh tự mày mò, học bạn bè rồi xuống cả Hà Nội để học cách làm phòng thu riêng. Hiện nay, anh thực hiện được hơn 200 bài nhạc beat (nhạc tách lời) phục vụ hát karaoke dành cho bài hát Then. Ngoài ra, anh cũng bắt nhịp khi sử dụng thành thạo mạng xã hội facebook và học zoom để lên lớp, giảng dạy về Then.
Còn vợ chồng nghệ nhân trẻ Hoàng Văn Huyên và Lý Thị Ngoan, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình) đã cống hiến tài năng khi mở hàng chục lớp dạy Then miễn phí cho trẻ em trong và ngoài xã. Em Ma Thị Soa, thành viên đội văn nghệ Nặm Đíp, xã Lăng Can nói, cách đây 2 năm em được tham gia lớp học miễn phí của cô giáo Ngoan và thầy Huyên dạy. Em được học và hát thành thạo nhiều giai điệu Then cổ. Trong đó nhiều làn điệu như tàng bốc - pây cảnh, tàng tính, tàng nặm. Mỗi làn điệu kết hợp với đàn Tính mang lại những cách thể hiện riêng, lúc nhanh, lúc chậm, khi thì khoan thai, sâu lắng, khi thì ngân nga, da diết.
Người Tày có câu “Ké quả tàng nghìn tiếng then/Mùa lườn táng piếu pồn báo ón…” (Người già qua đường nghe tiếng Then/Về nhà như biến thành trai trẻ). Then Tày trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Với các nghệ nhân được hát Then và cống hiến trọn đời cho Then là vinh dự và trách nhiệm với cộng đồng mình để được sống cùng Then và khi khuất núi cũng theo Then về trời.
Gửi phản hồi
In bài viết