Sẵn sàng “chia lửa”
Ngày 1-6 là một ngày ghi dấu nhiều kỷ niệm khi 22 chiến sỹ áo trắng của Tuyên Quang lên đường hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang. Trong đó có 4 bác sỹ, 18 điều dưỡng, kỹ thuật viên đến từ 5 bệnh viện lớn của tỉnh. Tất cả đều là những thầy thuốc nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh của các bệnh viện.
Để gọi được một cuộc điện thoại, hỏi thăm sức khỏe, tình hình công việc của các thành viên khi đoàn đã ở trong cuộc chiến thật khó khăn, bởi hầu hết thời gian trong ngày, các y, bác sỹ đều căng mình làm việc. Suốt mấy tuần qua, họ chưa có ngày nào được ngơi nghỉ khi Bắc Giang vẫn đang là “điểm nóng” của cả nước. Khi được hỏi, có lúc nào các anh chị cảm thấy nản lòng muốn nhận một nhiệm vụ khác nhẹ nhàng hơn không, mọi người đều có câu trả lời: “Chưa đuổi được Covid, nhất quyết không rời vị trí”.
Các chiến sỹ áo trắng đoàn Tuyên Quang làm nhiệm vụ trong khu điều trị bệnh nhân F0 của Trường Cao Đẳng Ngô Gia Tự (Bắc Giang)
Bác sỹ Nguyễn Thế Hùng, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng đoàn Tuyên Quang kể, sau khi được Sở Y tế tỉnh Bắc Giang phân công nhiệm vụ, tất cả mọi người vào việc ngay. Cũng như những cán bộ y tế của Bắc Giang và các tỉnh về hỗ trợ, đoàn cán bộ của Tuyên Quang làm việc từ sáng đến đêm, chia thành nhiều kíp. Công việc vất vả và nguy cơ lây nhiễm cao vì tại các điểm mà đoàn thực hiện nhiệm vụ đều là các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 1 điểm là điều trị bệnh nhân nặng. Những ngày đầu mới thực hiện nhiệm vụ, mọi người chưa quen nên rất mệt, thậm chí bị lả đi vì liên tục khoác trên người bộ bảo hộ, có những người liên tục khoác trên mình từ 3 đến 6 giờ. Thế nhưng không ai kêu ca nửa lời - bác sỹ Hùng nói.
Từ tâm dịch anh Hùng tâm sự: “Tôi cùng đồng nghiệp sẽ cống hiến hết khả năng chuyên môn của mình để điều trị, cứu giúp người bệnh, quyết tâm góp sức cùng Bắc Giang đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.
Nén lại cảm xúc riêng
Trong đoàn tỉnh Tuyên Quang đi hỗ trợ “quê hương vải thiều” lần này, kỹ thuật viên Nguyễn Ngọc Anh cũng là 1 trong những cán bộ đầu tiên của Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Ngày Ngọc Anh lên đường, mẹ, vợ, 2 con đượm buồn. Con gái lớn mới 8 tuổi, chưa hiểu hết việc bố đi lần này, chỉ thấy mọi người nói đi khi nào hết dịch thì về nên cứ ôm bố dấm dứt khóc. Anh Ngọc Anh chỉ biết an ủi vợ con, rằng mình đi thực hiện nhiệm vụ để cứu giúp những người bệnh, anh nhờ vợ ở nhà chăm sóc mẹ và các con.
Bà Trần Thị Lệ Dung, mẹ của Ngọc Anh chia sẻ, khi con có trong danh sách đi hỗ trợ tại Bắc Giang, nơi đang là tâm dịch của cả nước bà đã rất lo lắng và muốn con suy nghĩ lại. Nếu có thể hãy rút khỏi danh sách đi đợt này, vì từ bé chỉ có 2 mẹ con sống cùng nhau. Nhưng khi xem trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thấy người dân Bắc Giang đang căng mình chống dịch, con cũng hứa sẽ biết cách bảo vệ mình và cùng anh em trong đoàn đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau, bà Dung cũng yên tâm hơn để con lên đường.
Ngày 6-6, là một ngày rất đặc biệt đối với Ngọc Anh, khi canh giờ chuyển sang ngày mới, Ngọc Anh nhận bàn giao bước vào ca trực tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng là ngày anh bước sang tuổi 36. Đón tuổi mới ở giờ khắc đặc biệt và ở 1 nơi đặc biệt, Ngọc Anh chia sẻ: “Đây là sinh nhật rất ý nghĩa đối với tôi. Tôi không buồn vì thiếu vắng người thân, bởi lúc này, ngay tại nơi đây, những bệnh nhân mắc Covid-19 đang cần chúng tôi”.
Kỹ Thuật viên Nguyễn Ngọc Anh, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc được các đồng nghiệp tổ chức sinh nhật tại tâm dịch
Con của người lính
“Mẹ là người lính bảo vệ Tổ quốc, con trai hôm nay cũng trở thành “người lính” xông pha trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19. Cả nhà vừa tự hào, vừa yêu thương con. Chúc đồng chí con rắn rỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về nhà an toàn…”. Đó là lời nhắn nhủ của mẹ bác sỹ Vũ Mạnh Hiểu, 1 trong 2 cán bộ y tế của Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh đã tình nguyện tham gia Đoàn cán bộ y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang. Hành trang của Hiểu mang theo, ngoài lời dặn dò, động viên của gia đình, là chiếc áo blu in logo của Bệnh viện Y dược cổ truyền, cùng với niềm tin ngày trở về sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Là 1 trong 2 bác sỹ của đoàn Tuyên Quang đi hỗ trợ tại trường Cao Đẳng Ngô Gia Tự, tỉnh Bắc Giang, nơi đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân mắc Covid-19, mỗi ngày Hiểu làm nhiệm vụ với cường độ công việc 6 giờ/ngày, luôn mặc trên người bộ bảo hộ phòng, chống dịch, không được sử dụng điện thoại, hạn chế tối đa nhu cầu cá nhân, đến việc uống nước cũng cảm thấy khó…
Bữa cơm vội để vào ca của cán bộ y, bác sỹ đoàn Tuyên Quang tại Bắc giang
Anh Hiểu nói, khi làm việc ở Bắc Giang, khí hậu rất khắc nghiệt, nắng nóng, không gian làm việc, nơi ở bí bách khác ở quê hương. Ngoài ra, trong quá trình điều trị, sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến nặng rất nhanh nên thực sự nguy hiểm và áp lực cho đội ngũ y bác sỹ. “Khi vào đến phòng bệnh nặng, nhìn thấy các bệnh nhân nằm đó, cảm giác duy nhất của tôi là mong bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tốt, sớm mạnh khoẻ trở về với vòng tay người thân, gia đình", bác sỹ Hiểu bộc bạch.
Nữ bác sỹ nhiều tuổi nhất
Là thành viên nhiều tuổi nhất của đoàn Tuyên Quang đi hỗ trợ Bắc Giang đợt này, bác sỹ Bùi Thị Yến (48 tuổi), Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, cùng với các y, bác sỹ tại khu điều trị Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang đảm trách nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho trên 200 bệnh nhân mắc Covid-19 tại đây. Câu chuyện giữa tôi và bác sỹ Yến diễn ra qua điện thoại vào tối muộn nhưng liên tục bị gián đoạn. Chị phải xử lý gấp các tình huống nhân viên y tế báo cáo cần trợ giúp. Bác sỹ Yến tâm sự, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và những quy định nghiêm ngặt trong khu điều trị F0, những ngày đầu mới vào làm việc chị cùng các y, bác sỹ còn nhiều lúng túng với các quy định. Công việc cũng vất vả và nguy hiểm hơn so với công việc tại đơn vị mình đang công tác.
Với chị Yến và mọi người, trong quá trình làm nhiệm vụ tại đây có lẽ khổ nhất vẫn là liên tục khoác trên mình bộ bảo hộ. Vì mặc đồ bảo hộ vào 5 phút là mồ hôi đã tuôn ra như suối, có những cán bộ đã lả đi trong lúc làm việc khi mặc liên tục bộ bảo hộ trong nhiều giờ liên tục. Nói đến đây, chị Yến xúc động kể cho tôi nghe về một đồng nghiệp cùng làm trong khu điều trị, vừa mới nghe tin mẹ già ở quê mất, nhưng vì tính chất công việc chị ấy đã không thể về chịu tang mẹ.
Những giây phút nghỉ ngơi của cán bộ y, bác sỹ đoàn Tuyên Quang
Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, những “chiến sỹ áo trắng” cũng sẽ hoàn thành nhiệm vụ và quay lại cuộc sống thường nhật. Song, nhiệm vụ đặc biệt lần này sẽ là những trải nghiệm quý giá và là động lực để mỗi người thêm yêu nghề mà mình đã lựa chọn.
Gửi phản hồi
In bài viết