Như nước nguồn Khuổi Ban

- Với những người Mông ở Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn), Trưởng ban công tác mặt trận Thào A Dị (trong ảnh) giống như ngọn thác Khuổi Ban, vừa dữ dội, thẳng thắn, vừa réo rắt, mềm mại. Bằng cái tình của người Mông, cái lý của người biết chữ, anh chưa bao giờ thôi ý nghĩ làm gương cho bà con dân bản, bằng chính hành động và lời nói của mình.

“Phải mềm như nước...”

Sinh năm 1988, và đã làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn hơn 6 năm, Thào A Dị tự nhắc nhở mình mỗi ngày, phải làm tốt, làm tốt hơn nữa, khi tất cả các tổ chức khác đều là thành viên của mình, đều nhìn cách mình làm để làm theo.

Làng Un có hơn 90 hộ dân, chủ yếu là người Mông. Người Mông không thích những người chỉ biết nói lời hay mà không có việc làm cụ thể. Thào A Dị cũng là người Mông, nên anh hiểu rõ hơn ai hết điều ấy.

Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Thào A Dị.

Người Mông ở Làng Un sống dựa vào núi vào rừng, nhưng không phải là phá rừng để sống như trước đây  nữa. Mấy năm nay, bà con đã chuyển đổi dần từ cây chuối tây sang trồng những cây trồng được thị trường ưa chuộng hơn, đầu ra ổn định hơn, cho thu nhập cao hơn như cây ngô, cây bưởi, cây cam, cây gừng... Dị mới học hết lớp 5, anh không tính ra được diện tích gừng của thôn mình là bao nhiêu, chỉ tính theo cách truyền thống nhất là đếm số lượng cân giống. Dị bảo, gừng chỗ mình bà con trồng nhiều lắm, mỗi vụ xuống 3 tạ giống, ngô cũng đến vài chục kg. Những cây trồng này hợp đất, hợp người, năm nào cũng bội thu. Gừng ở Làng Un được người Mông xuống giống từ đầu năm, có thể thu hoạch quanh năm với những nhà cần tiền ngay, nhưng thường bà con thu hoạch rộ vào khoảng tháng 11, để sẵn sàng cung cấp cho thị trường dịp Tết nguyên đán.

Nhờ thế, đất ở Làng Un, dẫu chỉ là đất quê nhưng bà con quý hơn vàng. Vừa rồi, Làng Un đăng ký làm hơn 500 mét đường bê tông vào vùng sản xuất, nhưng vì mặt đường không đủ rộng, nên không làm được hỗ trợ xi măng theo chương trình làm đường bê tông của tỉnh. Dị cùng Trưởng thôn, Bí thư chi bộ vận động bà con hiến đất để tự mở rộng tuyến đường đất vào vùng sản xuất của bà con. Con đường này lấn vào đất sản xuất của hơn chục hộ dân. Có hộ sẵn sàng hiến đất, nhưng cũng có hộ không muốn. Ông Dương Đình Sự bảo, đất đấy nếu trồng vài gốc gừng, cũng thu về được vài chục kg, mất đất là mất tiền đấy, không ai muốn đâu.

Trưởng ban công tác mặt trận Thào A Dị đến từng nhà để nắm bắt, chia sẻ. Đất lấn vào nhà ai, Dị cũng bảo rằng, cái đường “gặm” vào nương của anh một tí, nhưng cũng “gặm” vào nương của người khác một tí, mỗi người chịu thiệt một chút là mấy nữa có con đường đẹp lên tận nương, tận đồi. Gừng, ngô, cam, bưởi không phải sức người cõng về nữa, có cái xe máy, xe tải đến tận đồi cõng xuống cho rồi... Cái lợi to như thế, mình tiếc ít đất làm gì.

Nghe phải, bà con đều sẵn sàng hiến ít đất của mình để con đường mới hoàn thành, to hơn, đẹp hơn.

Rồi chuyện vận động người dân chăm làm kinh tế, tự nguyện thoát nghèo, Dị cũng lấy cái lý lẽ ấy để nói chuyện với nhau. Sùng Seo Giáo là hộ nghèo lâu năm ở Làng Un. Giáo có ít đồi cây ăn quả, có nương trồng gừng, nhưng vì lâu nay ở trong danh sách hộ nghèo lâu, nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước, nên dẫu bắt đầu có thu nhập ổn định, nhưng tâm lý chưa muốn thoát nghèo vẫn bám lấy cái đầu của Giáo. Dị ngồi uống nước chè với Giáo nhiều lần, lần nào cũng chỉ 1 câu chuyện, rằng ở thôn còn nhiều hộ mới tách ra ở riêng, nghèo hơn nhà mình nhiều. Chúng lại còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, chưa biết cách làm ăn, nên mình nhường những cái mình đã được hưởng nhiều năm cho người trẻ đi. Nghe Dị nói một lần, hai lần Giáo thấy bực trong người lắm, nhưng nghe nhiều lần, rồi lại nghĩ đến những ngày mình mới ra ở riêng vất vả trăm bề, Sùng Seo Giáo tự nguyện viết đơn thoát nghèo đầu năm vừa rồi. Ở Làng Un giờ còn 5 hộ nghèo, đều là những hộ gia đình trẻ, mới tách ra ở riêng hoặc những hộ neo đơn, không có sức để mà lao động, sản xuất nữa.

Đồng chí Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết bảo, Thào A Dị với người Mông ở Làng Un giống như cái cây mọc thẳng trong rừng. Lời nói đúng, hành động đúng nên bà con người Mông cứ tin, cứ yêu và làm theo thôi.

Phải tự làm gương cho mình

Mới học hết lớp 5, nhưng Thào A Dị là người “nhiều chữ” nhất trong những người cùng thời và thế hệ trên anh. Dị đọc nhiều báo chí, tài liệu, đọc hết các văn bản của xã, của huyện, của tỉnh để nắm được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nắm được tinh thần rồi, người nào chưa hiểu anh giải thích cặn kẽ, người nào chưa biết anh đọc lại từng dòng, rồi hướng dẫn người ta cách làm, cách áp dụng. Mấy hôm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Dị tất bật hơn cả vì Bí thư chi bộ Làng Un là người dân tộc Kinh, Trưởng thôn là người dân tộc Thái, tiếng Mông cũng chỉ bập bẹ câu được câu chăng. Những người chưa biết chữ, Dị dịch lại tiểu sử, chương trình hành động sang tiếng Mông để bà con nắm được, rồi biết cách lựa chọn ai cho phù hợp.

Thào A Dị bảo, ngày nào mình cũng tự nhủ, phải tự làm gương cho chính mình thì nói người khác mới được. Dị trồng hơn 500 gốc bưởi, 4 tấn gừng giống để có nguồn thu. Anh khoe, năm 2020, riêng tiền bán hơn 20 tấn gừng củ nhà Dị thu được 150 triệu đồng, tiền bán bưởi cũng được hơn trăm triệu đồng nữa. “Ít thôi mà, không nhiều đâu” - anh cười, khiêm tốn thế, nhưng ẩn sau đấy là sự tự tin, khi anh cũng như người Mông ở Làng Un không khuất phục cái đói cái nghèo nữa.

Trưởng Ban công tác Mặt trận Thào A Dị dịch tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội,
HĐND các cấp sang tiếng Mông để bà con hiểu và lựa  chọn.

Dị bảo, giờ người Mông ở Làng Un không cần phải nói nhiều nữa. Họ tự học lấy nhau, bảo ban nhau làm kinh tế. Ở đây, những nhà có thu nhập vài trăm triệu đồng một năm không còn là hiếm nữa. Như nhà Vàng Seo Xóa năm vừa rồi thu về hơn 600 triệu đồng từ bán cam, bán bưởi, đang xây cái nhà to đẹp nhất thôn, có khi nhất xã rồi; Vàng Seo Dùng trồng hơn 2.000 gốc bưởi, năm vừa rồi mất mùa, nhưng cũng dắt lưng hơn 300 triệu đồng... Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết Lê Thế Hưng khoe, Làng Un giờ sắp trở thành làng triệu phú của Kiến Thiết rồi. Những vùng cam sành, cam Vinh, V2 hơn 50 ha; vùng nhãn hơn 10 ha; vùng gừng hơn 10 ha... đã thành hình ở Làng Un từ dăm bảy năm trở lại đây, đem lại thu nhập cao cho bà con.

Có kinh tế rồi, có nguồn thu rồi, Dị cùng Bí thư chi bộ, Trưởng thôn vận động bà con quét dọn, thu gom rác thải để môi trường thêm sạch sẽ, gọn gàng. Để bà con không vứt rác bừa quanh nhà, Dị đi học ở các xã đang xây dựng nông thôn mới cách làm lò đốt rác cá nhân. Nhà Dị xây trước, rác thải quanh nhà cái nào đốt được, Dị bỏ vào đấy, rồi vận động bà con quanh vùng cùng làm. Nhưng Dị bảo, cái này chắc còn cần nhiều thời gian. Người Mông lâu nay quen sống tự do, cái gì theo khuôn phép mà không do cộng đồng đặt ra từ đầu, bà con chưa quen lắm đâu, nên Dị phải hướng dẫn từ từ, nói từ từ, ngày qua ngày để nó “ngấm” dần vào cuộc sống bà con...

Những ngày rảnh rỗi hay mưa gió, Thào A Dị lại pha ấm nước chè, rồi cùng anh em người Mông thổi sáo, kéo nhị, chuyện trò về lẽ sống trái phải. Dị bảo, người Mông yêu âm nhạc, nhờ có âm nhạc, câu chuyện dễ đi vào lòng người hơn, lời khó nghe đến mấy cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Dị trầm ngâm, câu chuyện người Mông giữ vệ sinh môi trường, tự xây dựng những lò đốt rác mi ni gần nhà hy vọng sẽ không còn là câu chuyện xa vời nữa, nhưng chắc sẽ còn cần thêm nhiều buổi thổi sáo, kéo nhị nữa mới thành công được!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục