Mùa nối mùa bội thu
Bản Khẻ cách trung tâm xã chừng 5 km. Đường vào thôn mấy năm nay bớt khó khăn vì được Nhà nước đầu tư tuyến đường bê tông. Chỉ chừng 15 phút, chúng tôi đã đến được nhà ông Hoàng Văn Tại, khu dân cư Bản Khẻ. Ngôi nhà sàn của ông Tại đối diện với cánh đồng lúa vàng óng ả, thả ánh mắt hướng về cánh đồng, ông Tại vui lâng lâng:
- Bản Khẻ lại thêm 1 mùa vàng bội thu rồi...
7 năm qua, ông Tại liên tục được UBND tỉnh công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ năm 2013 - năm đầu tiên được công nhận là người uy tín, ông Tại luôn trăn trở với cái đói, nghèo của thôn và quyết định bỏ tiền túi mua phân bón, ứng cho nhân dân trong thôn.
Thôn có 119 hộ, 629 nhân khẩu, 100% hộ nghèo và cận nghèo. Từ trước năm 2013, tình trạng đói đứt bữa tồn tại ở Bản Khẻ chiếm đến trên 80%. Có những hộ đói đứt bữa đến 2-3 tháng liên tục. Bà con nuôi được con gà, con lợn để làm vốn mà khi đói là phải bán đi lấy tiền mua thóc, mua gạo... Nghèo mãi mà không vượt được là bởi vậy. Tôi quyết định mua phân lót, phân NPK, phân đạm để ứng trước cho bà con trồng lúa. Đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để đem lại hiệu quả.
Ông phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thôn tổ chức rà soát diện tích đất lúa, nhu cầu về phân bón của từng hộ gia đình trong thôn. Theo đó, 1 năm 2 vụ lúa, ông Tại ứng khoảng từ 16-18 tấn phân các loại, số tiền ứng khoảng 120 triệu. Giá phân ông giao cho bà con là giá bán buôn cộng với cước phí vận chuyển. Thường thì sau mỗi vụ thu hoạch, người dân trong thôn mới bán thóc trả tiền phân cho ông Tại, hoặc có hộ trả góp mỗi tháng 100-200 nghìn đồng; hoặc có hộ không may gặp rủi ro, hoạn nạn, phải đến 5-7 lần mới trả hết được nhưng ông không lấy đó mà phiền phức.
Tính đến hết năm 2020, 100% hộ dân Bản Khẻ được ông Tại hỗ trợ phân bón, trồng 100% diện tích đất lúa 2 vụ 25,5 ha, năng suất đạt 55,8 tạ/ha, sản lượng 142,2 tấn. “Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ bỏ hoang đất ruộng nhiều. Từ ngày được bác Tại hỗ trợ phân bón, chúng tôi không có đất ruộng nghỉ. “Tình trạng đói đứt bữa hiện giờ chỉ còn ở một số hộ không may đau ốm, hoạn nạn đột xuất thôi, chứ hộ nào trồng được lúa cũng no cái bụng rồi. Thôn chúng tôi ai cũng cảm kích trước tấm lòng cho đi của bác Tại” - ông Dương Văn Hảo, người dân Bản Khẻ xúc động.
Giá trị của niềm tin
Như thường lệ, đến ngày 2, 7, 17, 22 Âm lịch hàng tháng, chợ trâu bò lớn nhất tỉnh Bắc Kạn tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm lại hoạt động thì 7 hộ người Mông thuộc khu dân cư Đông Đăm lại thuê xe ô tô chở trâu bò sang chợ phiên. 5 năm trở lại đây, nhờ nghề mua bán, trao đổi trâu, các hộ Mông đều có thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Ông Hoàng Văn Tại duy trì mô hình chăn nuôi trâu nhốt.
“Năm nào tôi cũng vay vốn của bác Tại vài lượt, khoảng 50-60 triệu đồng/lượt nên nguồn vốn chủ động, lãi suất thấp. Thời gian vay 2-5 tháng, cứ có đủ gốc là trả gốc lãi cho bác Tại luôn. Nhờ có bác Tại giúp đỡ, việc mua bán trâu bò của tôi thuận lợi hơn, cuộc sống bớt khó khăn hơn trước nhiều rồi”. - Ông Lý Văn Thùng bày tỏ.
Năm 2016, vợ chồng ông Thùng vượt qua 3 km đường rừng xuống gặp ông Tại với lời thỉnh cầu: “Em buôn trâu mà khó khăn về vốn quá. Giờ làm thủ tục vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH thì đường sá xa xôi mà chưa có ngay được. Nếu bác có dư, chưa dùng đến thì bác cho em vay, em xin trả bác theo lãi suất ngân hàng”.
Vẻ khắc khổ, thật thà của vợ chồng ông Thùng làm ông Tại mủi lòng, thương cảm. Ông Tại cho vợ chồng ông Thùng vay 50 triệu đồng với giấy nhận tiền viết bằng tay, lãi suất 1,2%/tháng.
Biết ông Tại vốn hay thương người, sau đó, một số hộ người Mông ở Đông Đăm mạnh dạn vay ông Tại vốn làm ăn. 5 năm qua, nhóm hộ người Mông buôn trâu bò đã vay ông Tại hơn 400 triệu. Hộ vay nhiều 70 triệu/hộ như ông Lý Văn Đình, Sằm Văn Lý; hộ ít hơn từ 50-60 triệu/hộ.
Ông Tại tươi cười bảo:
- Giấy vay tiền chỉ là vài dòng viết tay, không có chứng kiến của ai, không có công chứng của Nhà nước. Nếu hộ nào không trả tiền, mang ra pháp luật là tôi thua đấy! Biết là có thể rơi vào thế yếu nhưng tôi vẫn chấp nhận và giúp bà con bởi tôi có lòng tin ở họ. Bởi lòng tin ấy đặt đúng chỗ nên bà con chưa ai làm sai với mình. Nếu cuộc sống này chỉ có ngờ vực, hoài nghi vào người khác thì mình đâu biết được giá trị tốt đẹp từ mọi người xung quanh và cuộc sống.
Để có nguồn vốn tích lũy giúp dân nghèo là thành quả của một đời ông Tại lam lũ, chắt chiu. Những năm qua, gia đình ông là một trong những hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh trồng lúa, trồng rừng, gia đình ông phát triển đàn lợn đen và nuôi trâu bò nhốt. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Phát huy vai trò người uy tín, ông Hoàng Văn Tại cùng lực lượng dân quân nắm bắt tình hình đời sống,
sinh hoạt của nhân dân trong thôn.
Phát huy vai trò “dân vận khéo”
Bí thư Đảng ủy xã Lương Xuân Hướng bày tỏ, ông Tại không chỉ là “vị cứu tinh” của Bản Khẻ mà còn là cầu nối “vững chắc” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; góp phần xây dựng mối đoàn kết của 3 dân tộc Tày, Dao, Mông ngày càng bền chặt. Ông Tại vừa được dự Hội nghị biểu dương người có uy tín và người dân tộc thiểu số tiêu biểu lần thứ nhất do UBND tỉnh tổ chức. Ông là 1 trong 160 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Trong những năm qua, phát huy vai trò người uy tín, ông Tại đã phối hợp chặt chẽ với chi bộ, các lực lượng chức năng thường xuyên nắm bắt tư tưởng của đồng bào Mông theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; vận động tuyên truyền người Mông và các hộ dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; đẩy lùi, giảm thiểu “vùng tối” về lối sống - nạn rượu chè ra khỏi cuộc sống của người dân.
Cách nhà ông Tại không xa, men theo con đường mòn nhỏ ven suối, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lường Văn Thu, một người từng nghiện rượu. Anh Thu rót mời tôi chén nước trà rồi thật thà kể:
- Thú thực, nếu như trước đây, nhà có khách như này là kiểu gì tôi cũng phải lôi chai rượu ra, mời khách làm mấy chén rượu đấy. Cơm ăn thì ít, rượu uống thì nhiều, biết nhà hết gạo nhưng trộm tiền của vợ đi mua chai rượu giấu đi. Uống rượu say lại nằm một chỗ, việc nông thì nhiều rồi lại đổ lên đầu vợ con. Ban đầu, bác Tại thường xuyên đến khuyên răn, tôi bực lắm, nghĩ bác dạy khôn mình. Sau này, ngộ ra, rượu là thuốc độc nên tôi quyết tâm bỏ rượu.
Rời Bản Khẻ về trung tâm xã, đi qua điểm trường Bản Khẻ, trường Mầm non Thượng Nông, Bí thư Chi bộ Nho dừng lại và giới thiệu “Để có ngôi trường này, bác Tại đã hiến trên 1.000 m2 đất từ năm 2013 đấy. Tấm lòng nhân ái, luôn vì lợi ích của nhân dân, đó là điều nhân dân chúng tôi luôn đề cao và trân quý ở bác Tại”.
Gửi phản hồi
In bài viết