Dân biết, dân bàn, dân làm ở Nhân Lý

- “Khi nào nhân dân đồng thuận cao, chúng tôi mới triển khai. Nếu nhân dân chưa thực sự đồng thuận, chúng tôi tiếp tục họp bàn để đi đến thống nhất cao. Có thôn phải họp bàn với nhân dân từ năm này sang năm khác mới thống nhất được cách làm đấy” - Đồng chí Hà Thị Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) nói vui với tôi nhưng đó lại là câu chuyện có thật.

Nhân dân đồng thuận cao mới làm

Hết năm 2020, xã Nhân Lý đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và chỉ chờ được cấp trên công nhận. Là một xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí và mức sống của nhân dân không đồng đều nhưng nhờ biết cách khơi thông sức mạnh của nhân dân, dựa vào nhân dân, nhiều việc rất khó đã hoàn thành. Trong thực hiện các nghị quyết của Đảng ở đây, cán bộ xã, thôn đều đặt nhân dân ở vị trí trung tâm. Dân biết, dân bàn, dân làm là những phương châm và yêu cầu đầu tiên khi triển khai mọi công việc. Điển hình như làm nhà văn hóa thôn, xóa nhà tạm, xây dựng lò đốt rác thải, làm nhà tiêu hợp vệ sinh...

Đoàn thanh niên xã Nhân Lý cùng nhân dân thôn Đầu Cầu hỗ trợ nhân dân xây dựng công trình vệ sinh.    

Cho đến giờ câu chuyện làm nhà văn hóa thôn Điểng vẫn được nhiều người biết đến. Ông Hà Đức Mạnh, Trưởng thôn Điểng kể lại, chủ trương xây dựng nhà văn hóa có từ năm 2016 nhưng đến năm 2018, thôn mới xây dựng và hoàn thành. Vẫn là thôn đặc biệt khó khăn, số hộ ít, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong khi đó, cùng một lúc, thôn triển khai lồng ghép cả Chương trình xây dựng đường điện thắp sáng. Cả hai chương trình này có hộ phải đóng góp từ 2 triệu đến 3 triệu. Vì vậy, chủ trương làm nhà văn hóa thôn được nhân dân bàn bạc từ năm 2017 đến năm 2018 mới thống nhất được cách làm là mỗi hộ đóng góp 1,5 triệu đồng, chia làm 3 quý, mỗi quý mỗi hộ đóng góp 500 nghìn đồng. Nhân dân còn bàn bạc cả mức đóng góp mua sắm trang thiết bị trong nhà văn hóa. Khi cán bộ và nhân dân cùng ngồi bàn bạc với nhau, nhân dân còn hiến kế để thôn triển khai hiệu quả, phù hợp với điều kiện của đa số các hộ gia đình. Nhân dân không chỉ đóng góp tiền mặt mà còn đóng góp ngày công lao động để đào đất, san nền, làm móng làm nhà văn hóa; đào hố, kéo dây, dựng cột để làm đường điện chiếu sáng.

Ở Nhân Lý, nhiều thôn hiện nay, 100% hộ gia đình đã tự xây dựng lò đốt rác mini ngay tại nhà. Chủ trương vận động nhân dân tự xây dựng lò đốt rác mini tại gia đình cũng được thông báo, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Ban đầu, nhiều hộ chưa đồng thuận nhưng sau nhiều lần họp dân, bàn bạc, vận động, nhân dân đã thống nhất cao. Ông Nguyễn Văn Xuyên, Trưởng thôn Hạ Đồng cho biết, thôn đã có 78/78 hộ tự xây dựng lò đốt rác thải tại nhà. “Ban đầu chúng tôi thống nhất trong chi bộ, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn, sau đó đưa ra họp thôn. Nhưng chỉ có 50% số hộ dân đồng thuận. Thôn phải họp lại đến lần thứ ba để nhất trí 100% hộ dân. Một số hộ đi làm ăn xa, thôn cũng thông tin đầy đủ để người dân nắm được chủ trương này”. Chị Đoàn Thị Lan, người dân thôn Hạ Đồng chia sẻ: “Được thông báo tham dự đầy đủ các buổi họp nên các công việc chung của thôn, tôi đều nắm bắt kịp thời. Những ý kiến đóng góp của tôi và bà con trong thôn đều được cán bộ thôn tiếp thu để triển khai”.

Ngôi nhà mới của gia đình bà Hà Thị Bích, thôn Ba 2 vừa đưa vào sử dụng nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhân dân.

Liên hệ mật thiết với nhân dân

Mở đầu câu chuyện với tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hà Thị Hải nói: “Nếu sâu sát với nhân dân, làm việc gì cũng bàn với dân thì mọi việc sẽ luôn trôi chảy. Bởi vậy, làm Trưởng Khối dân vận, Chủ tịch công đoàn của xã, mình luôn nhắc nhở cán bộ của mình phải liên hệ mật thiết với nhân dân, giúp đỡ nhân dân. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới có một chỉ tiêu cũng rất khó đạt nhưng nhờ sự đồng thuận của nhân dân mà Nhân Lý đã hoàn thành. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh trong toàn xã đạt gần 97%. Là Chủ tịch công đoàn xã, chị Hải đã cùng BCH Công đoàn xuống với dân rà soát từng hộ, xem hộ nào khó khăn về tiền, khó khăn về ống cống, về ngày công. Từ đó BCH Công đoàn xã cùng ngồi với dân để tháo gỡ. BCH Công đoàn xã đứng lên vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cán bộ, đoàn viên công đoàn xã ủng hộ để tự đúc 45 ống cống hỗ trợ hộ nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

Nhà văn hóa thôn Điểng, xã Nhân Lý được hoàn thành sau nhiều nỗ lực đóng góp của nhân dân.

Các tổ chức đoàn thể của xã, thôn khi triển khai phong trào, hoạt động gì cũng đều đem ra nhân dân, đoàn viên, hội viên bàn bạc, thảo luận. Đồng chí Hà Đức Sỹ, Bí thư Đoàn xã chia sẻ: “Nhờ liên hệ mật thiết với nhân dân và nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, phong trào của Đoàn từng bước lớn mạnh, thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia. Trước khi triển khai các phong trào, Đoàn tổ chức hội nghị có sự tham gia của Đảng ủy, UBND, đại diện các tổ chức đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn và đại diện hộ gia đình, đại diện đơn vị hỗ trợ”. Với cách làm này, Đoàn xã đã triển khai hiệu quả, thành công không chỉ thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia mà có cả sự đối ứng tích cực của nhân dân. Điển hình như triển khai làm công trình Thắp sáng đường quê. Trước đây chỉ có 3 thôn trong xã có đường điện thắp sáng nhưng khi Đoàn xã triển khai phong trào này trong đoàn viên, thanh niên và nhân dân, đến nay 9/9 thôn đều đã có đèn điện thắp sáng với tổng chiều dài 23km. Trong đó Nhà nước hỗ trợ 8km, còn lại do nhân dân đối ứng. Ngoài ra, Đoàn xã còn cùng nhân dân làm nhiều công trình có ý nghĩa khác.

Đến nay, Nhân Lý đã xóa xong 57 nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy là nhiệm vụ nặng nề nhưng do nhận được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân mà Nhân Lý đã hoàn thành đúng kế hoạch. Đồng chí Nông Văn Trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: “Khi triển khai chủ trương hỗ trợ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn làm nhà ở mới và sửa chữa nhà ở, Ban Giảm nghèo của xã sâu sát đến từng hộ. Trong quá trình nắm bắt, chúng tôi nhận thấy có nhiều hộ đi làm ăn xa. Chúng tôi tìm cách liên hệ với từng hộ để thông báo đầy đủ. Nhờ đó mà kết quả rà soát được bổ sung và phát sinh thêm 4 hộ đăng ký sửa chữa và làm mới nhà ở. Ban giảm nghèo từ thôn đến xã cùng Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện đi thẩm định từng hộ. Kết quả, danh sách hỗ trợ làm nhà được thông báo trong cuộc họp toàn thôn để nhân dân biết. Nhiều hộ khó khăn về nhân công, neo người được bà con hiến kế vận động các hội viên, đoàn viên tham gia giúp đỡ. Vì vậy, những khó khăn về xóa nhà tạm, dột nát cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được giải quyết. Bà Hà Thị Bích, hộ nghèo thôn Ba 2 vừa hoàn thành ngôi nhà mới khang trang. Bà Bích không giấu nổi niềm vui, bà nói: “Hoàn cảnh của gia đình tôi được cán bộ xã, thôn nắm rõ. Mong muốn có ngôi nhà xây khang trang nay đã được thỏa nguyện rồi”.

Dân biết, dân bàn, dân làm chính là tiền đề ban đầu để Nhân Lý huy động nguồn lực trong nhân dân thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phương châm này cũng giúp cho mối quan hệ, gắn bó giữa cán bộ, công chức của xã với nhân dân ngày càng trở nên mật thiết đồng sức, đồng lòng thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục