Giữ rừng như giữ nhà
Cuối tháng 6 cái nắng mùa hè chang chang, con đường nhựa về chiến khu Tân Trào như có cảm giác bốc hơi. Tuy nhiên khi chúng tôi đi lọt vào vùng lõi dưới tán rừng nguyên sinh đặc dụng Tân Trào lại có cảm giác mát mẻ, trong lành lạ thường. Mấy anh em đội tuần rừng liên ngành gồm kiểm lâm khu vực, công an, dân quân và đại diện người dân trong xã Tân Trào như thường lệ phối hợp đi tuần rừng, kiểm tra hiện trạng rừng.
Con đường mòn dẫn lên đỉnh núi Hồng rậm rạp, theo đánh giá của các anh kiểm lâm, điều đó khẳng định lượng người vào rừng ít. Bám đá, rễ cây rừng chúng tôi vượt những sườn núi cheo leo sang thăm hai Trạm kiểm lâm Đèo De, giáp xã Phú Đình, huyện Định Hóa và Trạm kiểm lâm Đèo Xá, giáp xã Yên Lũng, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên). Lực lượng kiểm lâm ở các trạm trên vẫn ngày đêm bám rừng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện quy chế phối hợp các địa phương khác tỉnh vùng giáp ranh.
Đội tuần rừng liên ngành kiểm tra hiện trạng rừng khu vực Núi Hồng.
Lau những giọt mồ hôi túa ra trên chán, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào Nguyễn Văn Sơn chỉ tay về những ngọn núi trập trùng rừng xanh nguyên sinh cho biết, rừng đặc dụng Tân Trào được tỉnh quy hoạch năm 1998 trên cơ sở rừng cấm được Chính phủ quy định. Hiện nay, rừng đặc dụng Tân Trào có gần 4.000 ha, trong đó có trên 3.100 ha là rừng tự nhiên, còn lại là diện tích rừng trồng thêm chủ yếu là những cây bản địa theo chương trình quốc gia. Rừng đặc dụng Tân Trào nằm trên địa bàn 5 xã vùng an toàn khu của huyện Sơn Dương gồm các xã: Tân Trào, Bình Yên, Lương Thiện, Trung Yên và xã Minh Thanh. Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào có 14 cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác tham mưu cho UBND các xã, đóng vai trò nòng cốt trong công tác giữ rừng ở cơ sở. Toàn Hạt có 4 Trạm kiểm lâm: Đèo De quản lý các xã Tân Trào, Bình Yên; Trung Yên quản lý xã Trung Yên; Minh Thanh quản lý xã Minh Thanh; Đèo Xá quản lý xã Lương Thiện. Đến ngày 1-7 này Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào sẽ sáp nhập vào Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Dương nhằm thống nhất công tác lãnh chỉ đạo, phân bổ nguồn lực được hiệu lực, triển khai công tác bảo vệ rừng được hiệu quả hơn.
Qua chuyến tuần rừng đầy ý nghĩa với đội liên ngành, tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của khu vừng nguyên sinh nghìn năm tuổi này. Ở đó có những cây gù hương, nghiến, lim xanh vươn cao cả mấy chục mét. Trong những đám rừng xanh thi thoảng lại xuất hiện cây hoa phách tím hay cây lim xẹt bản địa hoa màu vàng, tạo nên một khu rừng lung linh, lãng mạn. Dưới tán rừng là một kho tàng cây thảo dược đồ sộ như giảo cổ lam, thiên nhiên kiện, sâm cau. Các loại thú, chim tuy không có loài đặc hữu, nhưng khá phong phú, đa dạng.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ rừng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và quần thể khu di tích cách mạng xưa, người dân 5 xã vùng ATK Tân Trào đã ra sức giữ rừng. Ông Lý Văn Dư, thôn Tân Lập, xã Tân Trào thường xuyên được mời đi giám sát rừng khẳng định, năm 2019, 2020 có xảy ra vài vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn, song chủ yếu là vụ nhỏ như mua bán nứa tép, tàng trữ ít gỗ tạp để làm đồ dùng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn khu rừng đặc dụng Tân Trào chưa để xảy ra một vụ vi phạm lâm luật nào. Ai chặt cây sẽ bị chính người dân tố giác, nên không ai dại gì chặt một cây để rồi vướng lao lý. Vùng đệm rừng đặc dụng Tân Trào không có chuyện đốt nương làm rẫy, công tác cảnh báo cháy rừng được đặt lên hàng đầu nên 10 năm nay chưa xảy ra một vụ cháy nào. Giữ rừng với người dân 5 xã chiến khu xưa là tình yêu, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên đều coi đó là việc hiển nhiên cần phải làm. Ai vi phạm sẽ bị chính cộng đồng lên án, sau đó pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh.
Phải phát huy giá trị của rừng
Đi thực tiễn với anh em kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào, tôi nhận ra thời điểm này “công tác bảo vệ rừng đã tốt rồi”, nhưng làm sao “để phát huy được giá trị của rừng” là vấn đề trăn trở lớn. Chủ trương lớn của Đảng là “giữ rừng bền vững phải lấy nguồn lực từ rừng” hay “rừng phải có chủ”. Những năm qua, Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào cho người dân nhận khoán, trồng, bảo vệ, chăm sóc trên 400 ha rừng trồng trên diện tích rừng đặc dụng còn trống, trọc theo dự án 327 và 661. Qua tổng kết đánh giá, việc giao đất, giao rừng đặc dụng giúp người dân quản lý được rừng tốt hơn. Ngoài ra, người dân còn được phép khai thác hợp lý một số lâm sản ngoài gỗ như măng, nấm, thảo dược, chám, tai chua, nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng cho kinh tế hiệu quả. Đi trên địa bàn 5 xã có rừng đặc dụng Tân Trào, các biển báo “cấm rừng” đã được thu hồi. Thay vào đó là những câu tục ngữ như “Rừng vàng, biển bạc. Chúng ta chớ lãng phí Vàng, mà phải bảo vệ Vàng của chúng ta”. Đây là bước chuyển biến nhận thức từ “cấm”, sang “biết phát huy” giá trị từ rừng mang lại.
Người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng Tân Trào.
Tới xã Trung Minh chúng tôi tìm đến nhà ông Ma Văn Nhật, thôn Hoàng Lâu, nằm nấp sau những cánh rừng bạt ngàn. Ở địa phương, ông Nhật là người tiên phong nhận hơn 10 ha đất rừng đặc dụng trên địa bàn xã để trồng, chăm sóc, bảo vệ cây lát cho Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào. Những cây lát trên 10 năm tuổi đang cao lớn, trước kia ông Nhật được trả tiền công trồng, chăm sóc. Đến nay hàng năm ông Nhật nhận 400 nghìn đồng công bảo vệ trên 1 ha. Như vậy trên 10 ha bảo vệ, mỗi năm ông Nhật thu về trên 4 triệu. Song cái lớn hơn là gia đình ông Nhật có thể phát triển kinh tế dưới tán rừng, cho thu nhập cao hơn rất nhiều. Cũng giống ông Nhật, ông Lê Văn Pẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ 5 ha cây lát. Rừng lát sau nhà trên 10 năm tuổi đang lên rất đẹp, ông Pẩu bảo “cái này mà cho khách du lịch vào chơi, ngắm cảnh là hết ý”.
Vậy có nên mạnh dạn giao rừng đặc dụng Tân Trào cho người dân quản lý, câu trả lời từ nhà quản lý đến người dân đều là có. Bởi chỉ có giao rừng mới bảo vệ rừng được tốt hơn, phát huy được giá trị của rừng. Người ta hay ví rừng đặc dụng Tân Trào như “cô gái đẹp ngủ trong rừng”, chúng ta mới “bảo vệ”, song chưa “phát huy được vẻ đẹp của cô ấy”. Ông Hoàng Văn Lê, thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để tỉnh ban hành hành lang pháp lý, đẩy mạnh công tác giao rừng đặc dụng cho người dân chăm sóc, bảo vệ, có như vậy mới phát huy giá trị dưới tán rừng. Hiện nay, người dân Tân Trào ít đất sản xuất, nếu mỗi nhà được giao vài hecta, họ có thể cam kết bảo vệ rừng tốt, đồng thời khai thác hợp lý kho tàng thuốc nam phong phú như giảo cổ lam, thiên nhiên kiện, sâm cau. Và có thể trồng thêm lá dong, tai chua, sấu, chám, rau rừng, nuôi gà đồi, lợn tên lửa dưới tán rừng đặc dụng phục vụ cho phát triển du lịch mang bản sắc ẩm thực địa phương.
Nhằm phát huy giá trị của rừng đặc dụng Tân Trào cho phát triển kinh tế du lịch, mới đây tỉnh đã có chủ trương bước đầu chỉ đạo Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào tiến hành đo đạc, rà soát hiện trạng rừng nguyên sinh đặc dụng trên địa bàn thôn Tân Lập, xã Tân Trào để xây dựng “Rừng cây ơn Bác” với diện tích dự tính khoảng 100 ha. Cán bộ kiểm lâm, người dân địa phương sẽ tiến hành phát dọn, tạo những lối đi tham quan cho khách du lịch, trồng thêm những cây bản địa có phong cảnh đẹp. Từ cách làm thí điểm này, sẽ có mô hình du lịch sinh thái cụ thể giao cho các hộ quản lý, khai thác một cách hợp lý.
Tân Trào - vùng lõi của khu rừng đặc dụng, trái tim của chiến khu Việt Bắc, Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến của cách mạng Việt Nam, mỗi tên đất, tên làng đều trở nên nổi tiếng. Nhiều khách du lịch về đây ngỡ ngàng trước thảm xanh, xen kẽ nhiều màu sắc đẹp của rừng. Theo họ, nếu biết kết hợp giữa việc tham quan di tích lịch sử cách mạng, ở homestay của đồng bào Tày và trải nghiệm tua du lịch leo núi Hồng, ngắm rừng nguyên sinh nơi đây thì thật là tuyệt vời. Du khách sẽ có vài ngày để trải nghiệm du lịch theo phương châm “vào sâu, ở lâu, ra từ từ”. Lúc đó cả vùng ATK sẽ đủ sức níu kéo được bước chân du khách một cách hiệu quả, thiết thực. Sinh kế dưới tán rừng đặc dụng Tân Trào mới được phát huy cho phát triển kinh tế, xã hội, tạo nguồn lực cho giữ rừng bền vững hơn ở địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết