Nghệ thuật làm gốm của người Chăm gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng,
lễ hội của cộng đồng người Chăm, tỉnh Ninh Thuận
Sự kiện gắn với Lễ khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận, nhằm đẩy mạnh tôn vinh, quảng bá bản sắc di sản văn hóa, sản vật địa phương, nâng cao sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch văn hóa Ninh Thuận. Đây đồng thời là cơ hội tạo sức lan tỏa đến nhân dân, du khách, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, trước đó tại Phiên họp lần thứ 17 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thuộc UNESCO diễn ra tại Rabat, Maroc tháng 12-2022, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Các tiêu chí để được ghi danh gồm: Di sản liên quan đến nghề thủ công truyền thống; di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á; di sản đứng trước nguy cơ mai một do tốc độ đô thị hóa ảnh hưởng đến không gian các làng nghề và nguồn nguyên liệu; nghệ nhân lành nghề tuổi cao, thế hệ trẻ không hứng thú với nghề, sản phẩm thiếu sự đa dạng…
Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách thuộc tổ chức này, trong đó có 2 di sản trong danh mục cần bảo vệ khẩn cấp là: Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và Nghệ thuật trình diễn ca trù.
Sự kiện cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết